Khám sàng lọc miễn phí về phổi

|

Sau thành công của hoạt động “Mạng lưới đổi mới sáng tạo Y tế - Chuyển đổi số vì sức khỏe Phổi” tại Thành phố Hồ Chí Minh, đợt 2 của chương trình sẽ được tổ chức tại các thành phố còn lại là Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế với các đợt khám sàng lọc nguy cơ bệnh ung thư phổi và các bệnh lý về phổi khác cho hơn 50 nghìn người dân.

Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam vừa thông tin về chương trình “Mạng lưới đổi mới sáng tạo y tế - Chuyển đổi số vì sức khỏe Phổi”, giai đoạn 2. Theo đó, chương trình “Chuyển đổi số vì sức khỏe Phổi” được triển khai sẽ góp phần giảm thiểu gánh nặng của ngành y tế trong công tác điều trị các bệnh lý về hô hấp, đặc biệt trong bối cảnh ô nhiễm không khí như hiện nay. Bên cạnh đó, tăng cường nâng cao nhận thức về bệnh ung thư phổi, bệnh lão và phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh lý khác liên quan đến phổi, khuyến khích tự chăm sóc bản thân cũng như tăng cường vận động thể chất, thực hành lối sống lành mạnh.

Trong giai đoạn 1, chương trình đã được triển khai tại Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến hết ngày 30/11 đã khám cho hơn 12 nghìn người dân đăng ký. Trong đó, có 283 ca chụp CT, phát hiện 21 ca có u, có kiểm tra lại với CT liều cao có cản quang; 193 ca đo chức năng hô hấp, phát hiện 11 ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), trong đó 3 ca khí phế thũng và 8 ca viêm phế quản mãn tính.

Giai đoạn 2, chương trình dự kiến triển khai từ nay đến hết ngày 30/1/2024 tại bốn tỉnh, thành phố với hơn 1.000 y, bác sĩ tham gia các hoạt động khám bệnh, tư vấn miễn phí và hỗ trợ người dân nhận biết, tầm soát bệnh ung thư phổi và các bệnh lý về phổi khác.

Thạc sĩ, Dược sĩ Trương Văn Đạt, Phó Tổng thư ký Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, việc phát hiện sớm ung thư phổi thông qua sàng lọc là vô cùng quan trọng để tăng hiệu quả điều trị và giảm chi phí. Tuy nhiên, do khó khăn trong việc phát hiện sớm, tỷ lệ tử vong vẫn còn cao. Do đó Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam sẽ tư vấn sức khỏe và sàng lọc cho người có yếu tố nguy cơ, với các hoạt động như Khám bệnh tổng quát, chụp X-quang, siêu âm, điện tim, kiểm tra đường huyết và các chương trình y tế công cộng cho người dân. Đặc biệt là những người có triệu chứng bệnh nhưng chưa có điều kiện đi khám ở những bệnh viện tuyến trung ương.

Cùng với việc thăm khám thông thường, Hội Thầy thuốc trẻ còn ứng dụng sàng lọc qua bộ câu hỏi sử dụng AI, có so sánh kết quả X-quang của bác sĩ và kết quả do AI đọc. Tại đây các nhóm chuyên gia y tế cũng sẽ hỗ trợ người dân trực tiếp tại chương trình hoặc gián tiếp qua các ứng dụng điện thoại.

Việc phát huy ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động tình nguyện thể hiện vai trò tiên phong, xung kích trong chuyển đổi số của thanh niên ngành y tế, nhân viên y tế tham gia chương trình sẽ được tăng cường năng lực về y tế số, được trang bị kiến thức và hướng dẫn về các ứng dụng tiên tiến trong bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.

Hoạt động khám tại cộng đồng trong giai đoạn 2 của chương trình đã được tổ chức vào ngày 17/11 tại Phố đi bộ Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Tham gia hỗ trợ khám sàng lọc tại chương trình là các y bác sĩ tại Bệnh viện K, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Phổi Hà Nội cùng các đơn vị y tế khác trên địa bàn.