Nhóm tôi có năm gái một trai, kết giao thân thiết, gọi nhau là anh chị em kết nghĩa. Tôi học trên lớp nhưng vẫn nhỏ tuổi hơn Khôi nên vẫn được biên chế làm em gã. Gã áp út, tôi út.
Chủ nhật đó nhóm tổ chức đi chơi, tôi hơi lưỡng lự, hỏi:
- Khôi có đi được không?
- Sự xuất hiện của thằng Khôi quan trọng với mày lắm hả???
Bà chị hỏi vậy tại lần trước, chơi ở Đập Hàn, cảnh dù rất đẹp nhưng không có Khôi, tôi tự dưng thấy cái gì cũng lảng nhách nên cứ nhèo nhẹo đòi về. Còn mấy lần có Khôi đi cùng, lúc nào tôi cũng rộn ràng trong bụng.
Sau có hỏi thăm dò của bà chị, tôi xí xọn hứ lại cái “cốc”:
- Italia (Ý) gì đấy!? Chẳng lẽ làm út thì không được quyền biết nhóm mình ngày mai đi được mấy mạng hả? Tôi nói đanh thép vậy nhưng chắc ánh mắt tôi đã bán đứng tôi rồi.
Khôi bảnh trai, bụi bặm, cung cách tự nhiên chứ không nhẵn nhụi, kiểu cọ như một số trai đẹp con nhà giàu khác. Sân trường bừng sáng mỗi lần Khôi chạy xe vô - là tôi thấy vậy. Gã ít nói, hay cười nửa miệng - kiểu cười này dễ chết người lắm!
Đợt đó, đúng kỳ thi thì Khôi nằm viện vì xuất huyết đường ruột. Vì bệnh nên Khôi được nhà trường cho ôn tập và thi sau. Tôi khá nhất nhóm nên thành chỗ dựa, vừa ôn thi cho mình vừa lo lấp chỗ hổng cho anh trai. Những buổi “anh trai, em gái” ngồi học chung dưới cây xà cừ lớn trước sân trường, gã lấy mũ đội cho tôi khi sân trường bắt đầu có nắng, rồi mua đôi giày thể thao và mang vào chân tôi nói món quà tri ân “cô váo” đã tận tình tận lực.
Khôi vào 12, tôi thành sinh viên. Trước đó, có một người quen của gia đình, thấy tôi giỏi ngoại ngữ nên khuyên ba mẹ cho tôi du học, tương lai rộng mở. Ba mẹ ủng hộ nhưng tôi không muốn. Tôi không nỡ xa “học trò” với ý niệm yêu đơn phương là loại tình yêu sâu đậm nhất. Tôi an tâm làm sinh viên với niềm tin năm sau Khôi sẽ vào thành phố cho có anh, có em như lời gã hứa. Tôi bắt đầu mơ mộng.
Nhưng mộng rồi cũng tỉnh. Rất lý trí là ưu điểm của tôi - khi bà chị cả của nhóm báo tin hết học kỳ I, Khôi đã chuyển theo anh trai lên Gia Lai sống. Đi rồi? Sao lại im lặng đi? Tôi dặn mình đừng nghĩ về Khôi nữa. Vì buồn, vì giận, vì tủi, vì nhớ… tóm lại cái gì không rõ nguyên do.
*
- Ni, có chàng nào tìm mầy kìa?
Cô bạn cùng phòng chớp mắt trêu. Thấy tôi còn rề rà, nàng chọc tới:
- Đẹp trai lồng lộng luôn, mầy chê thì để tao!
- Trai đẹp cũng như một thắng cảnh vậy, chỉ nên yêu bằng cách đứng xa ngắm chứ đừng lại gần và say đắm, vì mình không cách gì sở hữu được cho riêng mình đâu - tôi lầy đây con bạn rồi bước ra cửa trong tâm thế chẳng đoán được tên mũi tròn mũi dẹt nào tìm mình. Hắn đứng quay lưng về phía cửa, cái dáng quen quá. Trời ơi, tôi sững người khi thấy Khôi. Có chuyện gì thế này? Một năm không gặp, ra dáng quá. Tôi đứng bên mà run rẩy.
- Anh vô thành phố rủ út đi hẹn hò nè!
Cái gì? Tôi có nghe nhầm không trời ? Gã xưng “anh” ngọt xớt - mang tiếng anh em kết nghĩa nhưng đây là lần đầu tiên gã dám xưng “anh”. Tôi bối rối:
- Lát người ta khóa cổng trường rồi.
- Vậy sáng mai nha?
- Mắc học.
- Xin nghỉ một buổi được không?
- Không được đâu, thầy nghiêm lắm - Là cái cớ thôi chứ theo lịch thì 99% ngày mai tôi sẽ... xỉu. Không biết bệnh gì nữa, từ cuối năm 12 tới giờ, mỗi tháng tôi có hai ngày ba đêm để nằm vật ra, co giật, run rẩy, mềm èo, khó thở… - tôi gọi nôm na là xỉu. Đi khám, bác sĩ bảo khủng hoảng ám ảnh sợ hãi, mà cũng chưa rõ ràng.
- Học hành làm sao để xanh mét thế này, phải giữ gìn sức khỏe để hẹn hò chứ.
- Có ai mà hẹn?
- Người đứng bên cạnh muội nè.
Tôi lườm dài. Hết chuyện giỡn.
Lại bặt tin Khôi từ đêm đó. Thiệt không hiểu nổi. Thích đến thì đến thích đi thì đi. Người như mây gió.
Đám cưới người tôi yêu
Bốn năm đại học, đi làm một năm, chẵn 5 năm. Tôi hiểu khái niệm 5 năm. Vẫn chưa thể bắt đầu với một ai khác. Mỗi lúc vào quán cà-phê, tôi vẫn gọi món cà-phê đen không đường mà Khôi thích.
Lại họp nhóm online. Khôi phát thiệp cưới. Lấy quyền làm anh, bảo tôi và Nguyệt tham gia đội “nghi lễ”. Tôi hơi lưỡng lự, Khôi nói:
- Ngày hạnh phúc, anh trai muốn em gái đứng sau lưng…
- “Em gái”, “đứng sau lưng”, nghe mới biếm họa làm sau, tôi cắn vào môi mình, không được khóc.
Đám cưới tổ chức ở Gia Lai. Mặc chiếc rốp trắng bồng bềnh, tôi hy vọng Khôi sẽ phải nuối tiếc vẻ đẹp thanh tân rạng rỡ đã khác xưa này. Không hề. Giữa viên quan hai họ, tôi lẻ loi một mình. Chơ vơ. Phố núi ngun ngút, lạnh vô chừng. Lòng tay tôi rịn mồ hôi. Bàn tay khóc.
Cô dâu Gia Lai chuẩn “má đỏ, môi hồng”. Khôi luôn nhìn vợ bằng ánh mắt “may mà có em đời còn dễ thương”. Trong ngày đặc biệt này thì trái táo tặng người đàn bà đẹp nhất buổi tiệc đương nhiên sẽ thuộc về cô ấy. Tôi ngấm ngầm ganh tị. Hôm qua, ngày nhà trai tới nhà gái, rót rượu, hành lễ, dự tiệc. Cái khoảnh khắc Khôi lồng nhẫn cưới vào ngón tay vợ, tôi thấy ngón đeo nhẫn của mình cử động, chiếc nhẫn cỏ sến sẩm ngày xưa anh đeo ở sân trường tôi còn cất ở nhà, chỉ là ngẫu hứng tặng nhẫn cỏ cho em gái, một trò chơi nhưng tôi ôm mộng tưởng thật. Chỉ được phép khóc ở lòng tay thôi, phải cười tươi hơn bó hoa trên tay cô dâu kia. Trong khoảnh khắc chú rể cúi đầu gần khuôn mặt hoa phấn, cô dâu bỗng phụt sáng mê hồn. Nhìn em gái nè! Tôi ước chi Khôi nhìn thấy đôi mắt bi thiết của mình lúc đó.
Nhập tiệc, tôi chọn ngồi ở nơi kín đáo nhất, cảm giác cứ nhồn nhột ở gáy vì cảm giác mọi cặp mắt đều đổ về phía mình một cách thương hại hoặc tệ hơn, như bị châm biếm. Cảm giác này cực kỳ khó chịu. Tôi hận vì đã nhận lời đi họ. Tự dưng đưa mình vào tình huống khóc không được, cười cũng không xong. Tôi bèn nâng ly uống một hơi hết ly bia. Bộ dạng tôi lúc đó chắc khó coi lắm. Nguyệt hất chân, nói khẽ:
- Trong đoàn nhà gái, có một chàng cực bảnh. Tướng tá ôi mê ly luôn.
Tôi không quan tâm vì chẳng còn tâm trí để thấy ai đẹp xấu nữa.
- Gã đó lén nhìn út miết nghen! - tôi chỉ hếch răng cười nhạt.
*
Sau đám cưới, bà chị cả của nhóm tiết lộ tin động trời rằng, Khôi cố tình lên Gia Lai học rồi lấy vợ vì yêu tôi. Vớ vẩn. Nhìn cái đám cưới đó, có Chúa mới tin anh ta không yêu vợ. Tội. Cô bé đã âm thầm yêu mà không đòi hỏi. Khi gia đình Khôi làm ăn gặp sự cố, nhà cô bé bay ra cản phá dùm pha bóng khó đỡ đó. Ơn nặng như núi hông trả sao đang. Nếu vậy thì kêu tình yêu có lý do đi. Chỉ kẻ điên mới không yêu mà cưới… Tôi bực bội xổ ra tràng tràng. Tôi phẫn nộ cái ý nghĩ cuồng mộ trước đó, “tình đẹp ngàn đời là tình yêu đơn phương”. Tôi ghét kiểu yêu như phim. Vì yêu mà chia tay, yêu mà hôn mà đeo nhẫn cho người khác. Không phục. Nhưng bà chị cả cứ lải nhải chuyện Khôi sợ ảnh hưởng đến tương lai của tôi.
Và cái kết
Vào Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã ba năm nhưng đây là lần đầu tôi tham gia trại sáng tác, được tổ chức ở Tây Nguyên.
Buổi sáng, chúng tôi ghé lại Hội Văn học nghệ thuật tỉnh bạn giao lưu. Một dáng người quen quen, lúc đứng dậy chào hỏi, tôi nhận ra chàng trai trong họ nhà gái hôm đám cưới. Anh vui vẻ tiến thẳng lại bắt tay “người quen”, tự tin nhìn thẳng vào mắt. Ánh nhìn khó lòng chạy trốn.
- Chào cô em mầu trắng sữa. Đúng là trái đất tròn.
Hắn còn nhớ mầu áo hôm đó làm tôi bối rối.
Đêm Gia Lai cồn cào. Những hình ảnh của đám cưới xưa cứ váng vất trong đầu. Tôi bèn lang thang xuống đường, tình cờ gặp một vài người bạn trong đoàn, họ bèn điện thoại cho “thổ địa” tên Bằng. Nhanh như cắt, chàng ta xuất hiện - ôi, lại là chàng trai ở đám cưới.
Phố núi lành lạnh, gió lùa qua tóc, lạnh buốt vào tim. Một chàng trai trong đoàn cởi áo khoác mặc thêm cho người yêu. Ước chi mình được như cô ấy. Những lúc thế này lại nghĩ, sao mình không thử yêu chàng thơ này nhỉ, biết đâu sẽ vừa như in - nghĩ rồi lắc đầu tự công kích. Cô đơn quá, mất luôn sĩ diện!
Chúng tôi vào quán cà-phê, tận hưởng đêm phố núi đầy sương.
- Hình như em bị bệnh? - chàng hỏi.
- Cũng chưa rõ bệnh gì. Sao biết giỏi?
Tôi không hứng thú chia sẻ bệnh tật nên chỉ nói cụt ngủn. Nhưng anh rất cởi mở và nhiệt tình. Anh nói những hiểu biết về căn bệnh, y như đã từng chứng kiến những cơn xỉu ám ảnh của tôi. Tôi hơi kinh ngạc. À, trước khi chuyển qua viết văn chuyên nghiệp, anh từng là thạc sĩ bác sĩ. Từ bỏ nghề bác sĩ để theo nghiệp viết, chuyện y như bịa. Anh bảo sẽ đưa tôi ra nước ngoài chữa bệnh, nhà anh có anh trai tài ba, đang làm bác sĩ ở Mỹ. Trong kế hoạch của anh, tôi như một người thân, rất thân. Anh nói tự nhiên không khiên cưỡng. Đến lúc này thì cảm động, cảm động thật sự.
*
Từ Mỹ về, chúng tôi chính thức thành một cặp.
Những lúc không có người tình bên cạnh, thi thoảng tôi cũng nghĩ về Khôi. Chỉ là nghĩ thôi. Cũng thưa thật, trước hôm đi Mỹ, tôi lấy chiếc nhẫn cỏ ra mân mê, nó đã khô. Khi bỏ chiếc nhẫn vào giỏ rác, tôi chợt hiểu, tình dang dở rốt cuộc cũng như một cọng cỏ. Cỏ đã khô, không cách chi để lại xanh tươi như ban đầu. Đời cũng vậy, một khi đã đổi thay, thật khó để trở về.