Tỉnh thức khi... đang sống

|

Nhà văn Nguyễn Văn Học, người trung thành với lối viết về sinh thái vừa ra mắt tập truyện ngắn “Người vừa đi vừa ngủ gật”, NXB Văn học ấn hành. Tập sách có 13 truyện ngắn, là 13 nỗi trăn trở về cuộc sống, thiên nhiên cũng như cách con người gieo cái tình trong cuộc sống còn nhiều bộn bề.

Truyện ngắn “Người vừa đi vừa ngủ gật” lấy tiêu đề cho cả tập, tập trung khai thác câu chuyện của hai nhân vật chính, là thầy trò, có lúc chọn, hoặc nghĩ đến cách sống bàng quan khi gặp khó khăn trong công việc tại cơ quan. Nhưng họ đã không bị trượt đi trong căn bệnh của xã hội mà vẫn giữ được mình. Đọc truyện ngắn này, nhà văn Nguyễn Hiệp chia sẻ: “Dường như tiêu đề truyện đã mang tính khái quát về một thực trạng xã hội đáng buồn ngày nay. Nhiều người có khả năng và nhiệt huyết đều bị nhấn chìm, thả trôi, bất lực trong một mạng lưới nhiễu nhương của cơ hội và những bè phái xu nịnh, tâng bốc”.

Truyện ngắn “Rỗng làng”, tác giả tập trung vào thói đua đòi xây nhà cao cửa rộng, bê-tông hóa nông thôn của bộ phận người đi làm ăn xa. Cũng đề tài nông thôn, truyện ngắn “Bay lên từ nước” với giọng văn đẹp, viết về cô bé bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học, mọc ra đôi cánh như chim cò. Cô đã cùng bà ngoại tìm cách bảo vệ vườn cò vạc của gia đình, nhưng vẫn không thắng được dã tâm của người khác. Truyện ngắn “Hoa giấy thơm”, tác giả nói về cái bắt tay của hai gia đình, một giàu (sống ở phố), một nghèo (sống ở nông thôn) khi đồng ý đổi thân phận cho nhau một tháng. Gia đình nghèo lên phố, hưởng sung sướng, còn gia đình giàu về quê làm trang trại, người chủ gia đình giàu có cũng muốn qua vườn tược, thiên nhiên để cứu lấy hai đứa con gái tự kỷ… Nhưng rồi, họ chẳng thể thay đổi được thân phận. Họ vẫn là họ, sống cuộc sống của mình. Song le lói trong đó là sự thay đổi của hai đứa con gái nhà giàu, đã được hít thở bầu không khí thiên nhiên để trở nên hoạt bát hơn.

Các truyện ngắn khác như “Đường trăng nở hoa xuân”, “Dưỡng xuân”, “Thanh âm của khung trời”, “Trăng trên vịnh”… tác giả Nguyễn Văn Học cũng khéo léo đề cao sinh thái, để thiên nhiên trở thành nhân vật trung tâm của câu chuyện. Từ đó chuyển tải những trăn trở về tình người, cách ứng xử với thiên nhiên để gìn giữ trong mình lòng vị tha, sự nhân ái. Và quan trọng hơn nữa, Nguyễn Văn Học gửi đi thông điệp, hãy giữ tinh thần tỉnh thức khi đang hiện diện trong cuộc sống này, đó là cần ủ ấm bầu nhiệt huyết với công việc, yêu đời, yêu thiên nhiên, để thiên nhiên tạo cho chúng ta một bầu sinh quyển giàu năng lượng tích cực.