Mạch ngầm yêu thương

|

Tôi đọc Tạ Thị Thanh Hải lần đầu cách đây ba năm. Những truyện ngắn viết về phụ nữ với nhiều lát cắt của đời thường và dường như ẩn chứa nội tâm mãnh liệt. Mãi đến bây giờ cô giáo trẻ này mới ra mắt tập truyện ngắn đầu tay mang tên “Hồi sinh” do NXB Quân đội nhân dân ấn hành.

14 truyện ngắn đầy đặn kể những cung bậc của dâu bể phận người, của đắng đót yêu thương và của tận cùng đớn đau. Nhưng, từ trong những nghiệt ngã của số phận, Tạ Thị Thanh Hải đã mở một con đường sáng để hồi sinh cho nhân vật mình. Thể như loài cỏ vẫn nảy nở sinh sôi dẫu trải qua nắng lửa, mưa giông.

Phần lớn các tác phẩm trong tập truyện này đều lấy phụ nữ làm nhân vật chính như vốn dĩ sở trường của Tạ Thị Thanh Hải lâu nay. Bằng sự quan sát tỉ mỉ và chắt lọc các chi tiết đời thường, tác giả đem vào truyện ngắn mình hình ảnh người bà, người mẹ, con gái rất đậm đà tính cách và có một đời sống phong phú. Biên độ không gian và thời gian cũng nở ra nhiều chiều kích để từ đó tác giả đem đến cho độc giả những câu chuyện vừa cũ, vừa mới, vừa là ký ức cũng là hiện tại. Lối dựng truyện khéo léo này khiến người đọc luôn đau đáu trong niềm thương tưởng.

Trong truyện ngắn “Đời hoa”, ba người đàn bà vò võ với những nỗi đau của con tim, những u uẩn xưa cũ theo thời gian ám vào những thế hệ mai sau. Mai sau rồi những mai sau tự khắc dòng chảy thời gian sẽ đến lúc tách dòng, để tìm đến những bãi bờ xanh mầu tươi mới hơn. Thế hệ trẻ, không còn co mình trong chiếc áo phần số mà sẽ vươn mình bứt thoát ra những vùng trời mới. Những vùng trời yêu thương và hạnh phúc. Ba thế hệ trong “Đời hoa” đại diện cho ba quãng thời gian mà mỗi dòng chảy đều mang những ẩn ức. Ba nhân vật chẳng có tên, nhưng lưu lại trong lòng độc giả những niềm thương dai dẳng.

Tập truyện ngắn được xâu chuỗi theo một mạch nguồn cố định. Đó là những thao thiết của yêu thương. Dù ở hoàn cảnh nào, thời khắc nào, yêu thương vẫn luôn nảy nở. Như chính sự khát khao của nhân vật Chiến và Thơm của truyện ngắn cùng tên được rút ra làm tựa tập truyện. Câu chuyện trái ngang với nỗi niềm oan khuất của mùa hè đỏ lửa 1972. Cuộc chiến và tình yêu, định kiến buộc hy sinh, hạnh phúc hay niềm đau, tất cả những cao trào được đẩy đến đỉnh điểm bởi sự ác liệt của chiến tranh đã tôn lên nét đẹp rạng ngời của người phụ nữ trong giai đoạn này. Cái buồn đau đôi khi tự có cho mình một nét lộng lẫy.

Hạnh ngộ nét đẹp của niềm đau phần số cũng chính là hạnh ngộ nét đẹp của tạo hóa an bài cho người phụ nữ. Cũng chính là tìm thấy được mạch ngầm yêu thương vẫn thao thiết chảy trong các tác phẩm của Tạ Thị Thanh Hải.