Bạn đọc nhỏ muốn gì ở người viết?

|

Đã có rất nhiều diễn đàn, phân tích rằng nên viết cho trẻ thế nào, phát triển đội ngũ tác giả ra sao để có những tác phẩm chất lượng cao cho thiếu nhi. Nhiều ý kiến đang mở thêm câu hỏi đáng suy nghĩ, trẻ em muốn gì ở người viết? Một số tác giả “làm bạn” cùng trẻ thơ đã chia sẻ với Thời Nay.

Nhà văn Lê Phương Liên (Hà Nội, nguyên cán bộ NXB Kim Đồng):

Có lúc ta tưởng cho kẹo là các cháu thích

Nhiều năm giao lưu với bạn đọc, tôi thấy người đọc thích thú cuốn sách vì tìm thấy chính mình trong đó. Mình giống nhân vật nào đó của cuốn sách. Mình thích nhân vật nào đó của cuốn sách. Thí dụ cuốn “Khi mùa xuân đến” của tôi, bạn đọc thích các nhân vật Quang, Bùi, Phương… Có bạn đọc đã viết thư gửi tôi: “Trong truyện em thích nhất anh Quang!”. Các em bé tuổi mầm non thích nhân vật “Cô bé Ốc sên” (truyện ngắn của tôi). Ở một lớp mẫu giáo, cô giáo cho các cháu nặn đất thành ốc sên, cho ốc sên ra lá cây (bằng giấy), rồi trò chuyện chụp ảnh với ốc sên… Tôi đã chứng kiến sự kiện thành công lớn của tranh truyện “Doraemon”: Bạn đọc tin Doraemon là có thật, gọi điện đến NXB đòi gặp mặt và mời đi dự sinh nhật… Có em thấy mình giống Nobita, có em thích xinh đẹp như Xu Ka (Sizuko), hát “khủng” như Chai en…

Đại thi hào Nguyễn Du kết thúc kiệt tác “Truyện Kiều”: “Mua vui cũng được một vài trống canh”. Tôi thấy điều đó cũng hoàn toàn đúng với văn học cho trẻ em. Điều khác là “niềm vui của trẻ nhỏ” khác “niềm vui của người lớn”. Tuổi nhi đồng (từ 6-10 tuổi), khác với tuổi thiếu niên (11-14 tuổi), khác với tuổi dậy thì (14-17 tuổi). Chúng ta có lúc tưởng rằng cho kẹo, cho đồ chơi là các cháu thích. Có lần tôi đã nghe cháu nội nói: “Cháu cần bố cơ!”. Đó là lúc cháu đang mong bố về đón cháu! Người viết cho trẻ em và thanh thiếu nhi cần hiểu tâm lý lứa tuổi.

Nhà thơ Bảo Ngọc (Báo Thiếu niên Tiền phong):

Ngưỡng mộ những trang viết của bọn trẻ

Tôi tạm nghĩ đến mấy điểm mà các em mong muốn tìm thấy ở các tác phẩm của nhà văn, nhà thơ như sau: Thứ nhất là sự hấp dẫn mới mẻ. Một tác phẩm truyện cần có được sự độc đáo, cuốn hút ở nhân vật, cốt truyện, lời kể, ở kết cấu, bối cảnh…, bất kỳ điều gì. Một tác phẩm thơ cần khiến đứa trẻ mỉm cười hay tâm đắc với hình ảnh thơ, ngôn từ, cảm xúc… Nghĩa là một tác phẩm có giá trị với người đọc phải là một phát hiện mới mẻ từ chính người viết, có sức gieo vào người đọc một “ngỡ ngàng”, một “vỡ sự lẽ”. Thứ hai là cân nhắc về độ dài. Ở tuổi hiếu động, các bạn nhỏ khó có đủ sự kiên nhẫn để đọc một tác phẩm mà mãi chưa thấy có điều gì đột phá; hoặc đọc mãi mới xong một điều gì đó đáng ra có thể diễn đạt một cách ngắn gọn hơn. Còn nếu truyện dài mà hấp dẫn thì còn gì bằng - một chuỗi cuốn hút liên tiếp trong thế giới của câu chuyện sẽ là nguồn vui bất tận của cả người viết lẫn người đọc.

Thứ ba, tôi nghĩ những gì ở trong tác phẩm cần chạm tới đời sống các bạn nhỏ. Không hẳn gần gũi là bạn phải viết y như cách bọn trẻ đang sống. Mà “gần gũi” là viết được theo cách bọn trẻ đang nghĩ. Cái ta viết ra phải là những trăn trở, khát khao, băn khoăn, ngờ vực, những tha thiết, yêu thương… đúng là của bọn trẻ ngày nay, trong điều kiện sống hiện tại.

Vậy người sáng tác sẽ làm gì để “chiều” các em? Điều đầu tiên người sáng tác cho thiếu nhi cần có - là thấu hiểu, đồng cảm với thế giới của các em. Tôi ngưỡng mộ những trang viết của bọn trẻ, vì chúng đang sống đúng trong không gian của trang văn, đang thở đúng không gian cảm xúc văn chương của trẻ thơ. Từ đó, tôi vỡ ra rất nhiều điều: À, tụi nhỏ bây giờ là vậy đấy!

Nhà thơ Hoài Khánh (Hải Phòng):

Những bài thơ giản dị, gần gũi

Hiện nay, mọi tiện nghi hiện đại đã thâm nhập và chi phối sinh hoạt của từng nếp nhà. Mối liên hệ tình cảm gia đình có vẻ trở nên mong manh vì quá trình đô thị hóa. Lối sống có phần vô cảm ích kỷ càng ngày càng nhiễm vào tâm hồn trẻ thơ bởi gió bụi của nhịp sống gấp gáp của xã hội. Hình ảnh ông bà, con cháu sum vầy trong những nếp nhà càng ngày càng hiếm và dần trở nên mờ nhạt trong tâm trí trẻ nhỏ. Dường như thiếu nhi thời hiện đại đã bị thiếu hụt vốn sống văn hóa dân gian trong đời sống tình cảm gia đình. Những lời ru mộc mạc, câu hát đồng dao vui nhộn, câu tục ngữ, thành ngữ thân quen trong giao tiếp hằng ngày của người thân trong gia đình dần thiếu hẳn. Cái nôi văn hóa đó trước đây ít nhiều nuôi dưỡng kho tàng ngôn ngữ nghệ thuật và bật nhú những chồi non văn chương.

Trẻ em hôm nay có điều kiện tiếp cận nhiều nguồn thông tin. Song, các em mong muốn người viết chúng ta đủ sức kéo các em về với vốn văn hóa Việt, bản sắc Việt. Điều này, cần người viết nhiệt thành, làm theo kiểu mưa dầm thấm lâu, bằng những câu chuyện, những bài thơ thật giản dị, gần gũi, dễ nhớ, dễ thuộc.

Nhà văn Nguyễn Thu Hằng (Hải Dương):

Độc giả nhỏ cần có người bạn qua trang sách

Bạn đọc nhỏ tuổi luôn cần thấy được, cảm nhận được một người bạn thân qua những tác phẩm. Mỗi người sáng tác, không riêng gì tôi, vừa thực hiện vai trò vừa là người bạn thủ thỉ kể cho các bạn câu chuyện sao cho thật gần gũi, thân thiết mà vẫn phải mang lại cảm giác thú vị, vừa định hướng thẩm mỹ và lồng ghép khéo léo những giá trị nhân văn qua tác phẩm.

Thời gian gần đây, có rất nhiều cuộc thi viết cho trẻ em được tổ chức. Điều đó đã khích lệ các cây bút sáng tạo ra những tác phẩm hay để phục vụ bạn đọc. Đó cũng là cách để người viết hôm nay “nghe” xem, độc giả nhỏ tuổi cần gì ở mình.

Nhà văn Lê Quang Trạng (An Giang):

Lắng nghe đời sống qua lăng kính của các em

Từng là một độc giả nhỏ tuổi, tôi cảm nhận sâu sắc rằng, tình yêu của các em dành cho nhân vật, hay nói khác hơn là dành cho “người bạn” qua trang sách thật sự mãnh liệt và có khả năng đi theo các em đến suốt cuộc đời, góp phần tô hồng thêm nhân cách các em.

Độc giả nhỏ tuổi hiện nay cũng khá đa dạng, bởi “gu” của độc giả nông thôn bao giờ cũng có sự khác biệt nhất định với độc giả thành thị. Tuy nhiên, vẫn có những nét tương đồng mà người viết có thể hướng đến cho nhiều đối tượng. Đó là vấn đề về sự phát triển của công nghệ gắn liền với hoạt động sinh hoạt vui chơi giải trí hằng ngày của các em, bên cạnh đó những giá trị, nét đẹp về thiên nhiên, văn hóa, con người… của lịch sử và giai đoạn vừa qua luôn là một phần ký ức của nhiều lớp thế hệ. Hoài niệm về điều đã qua để nói lên hiện tại cũng là những trang viết khiến độc giả nhỏ tuổi tò mò và khám phá ra nhiều điều hay.

Muốn viết hay, người viết cần phải không ngừng quan sát và lắng nghe đời sống qua lăng kính của các em - độc giả của mình. Ở đó, người viết sẽ biết được độc giả mình quan tâm điều gì, muốn nghe chuyện gì. Vấn đề là, người viết có nhập tâm được vào tâm thế của độc giả, lắng lọc và chọn cho mình những chi tiết đắt giá, biến chúng thành những câu chuyện lấp lánh hay không.