Giải bài toán tăng trưởng tín dụng

|

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 cuối tuần qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, do yếu tố mùa vụ dịp Tết Nguyên đán cùng với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, đến ngày 29/2/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Tín dụng suy giảm ở hầu hết các ngành, chỉ có hai lĩnh vực tăng trưởng là tín dụng bất động sản (BĐS), tăng 0,23%; và tín dụng chứng khoán, tăng 2,56% so với cuối năm 2023.

“Với thanh khoản dồi dào và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay ra nền kinh tế”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định.

Doanh nghiệp mong muốn vay với lãi suất thấp hơn

Dù khẳng định lãi suất cho vay đã hạ so với năm 2023, song ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, lãi suất ở các quốc gia đối thủ hiện ở mức 3,5%, còn tại Việt Nam, mức vay trung bình trong ngành dệt may là khoảng 7% với doanh nghiệp tốt và khoảng 9% đối với doanh nghiệp xấu. Riêng Banglades hiện nay lãi suất khoảng 8%, nhưng họ lại lạm phát hơn 10%, nên xét về lãi suất thực dương thì Việt Nam đang có mức lãi suất thực dương cao nhất trong các nước xuất khẩu dệt may.

Còn lãi suất phải trả cho các ngân hàng năm 2023 của Vinatex trên báo cáo hợp nhất tăng 10% so với năm 2022, trong khi tổng dư nợ giảm 11%. Dư nợ giảm 11% nhưng lãi phải trả tăng 10%, tức là so với năm 2022 thì giá vốn đắt hơn, so với năm 2021 có hỗ trợ thì lãi phải trả tăng 30%. “Đứng trên các hợp đồng tín dụng mà tập đoàn đang có của tháng 1, 2/2024, đến giờ phút này cũng chưa cho thấy được tổng lãi phải trả năm 2024 sẽ thấp hơn so với năm 2023”, ông Lê Tiến Trường bày tỏ.

Trong khi đó, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group kỳ vọng, doanh nghiệp BĐS sẽ có khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chi phí thấp hơn. Bởi, hiện nay lãi suất các khoản vay của ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại nhà nước chênh khá lớn (từ 4 - 5%). Doanh nghiệp mong muốn có sự thu hẹp khoảng cách này. Nếu các chi phí vay vốn giảm hơn nữa sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi.

Về những khó khăn trong việc cấp tín dụng, NHNN cho biết, có những yếu tố khách quan như thời vụ; cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa vay được vốn, khó khăn trong việc triển khai các chương trình tín dụng, khả năng huy động vốn trung, dài hạn của các tổ chức tín dụng còn hạn chế.

Về những yếu tố chủ quan, NHNN cho rằng, một số ngân hàng còn thận trọng trong cấp tín dụng do nợ xấu gia tăng, một số khoản nợ cũ chưa được điều chỉnh giảm lãi suất, thủ tục cho vay còn chậm, cơ chế tài sản bảo đảm thiếu linh hoạt, hoạt động huy động vốn qua cổ phiếu, trái phiếu và vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đều thấp … khiến nguồn vốn tập trung vào tín dụng ngân hàng.

Các doanh nghiệp dệt may mong được tiếp cận nguồn vốn với mức lãi suất thấp hơn. Ảnh: NAM ANH

Từng bước giảm mặt bằng lãi suất chung

V ề giải pháp, Phó Thống đốc cho biết, trong thời gian tới, NHNN sẽ tập trung vào một số nhóm giải pháp. Thứ nhất, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng như kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02 đến hết năm 2024; hoàn thiện Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 16 phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 và thực tiễn thị trường; sửa đổi đồng bộ các thông tư quy định về hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng để đồng bộ với các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.

Thứ hai, trong điều kiện kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất sẽ tiếp tục được điều hành ổn định theo hướng từng bước giảm mặt bằng lãi suất chung.

“NHNN cũng sẽ điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ; có các giải pháp khuyến khích TCTD tiết giảm chi phí; chỉ đạo TCTD công khai lãi suất cho vay bình quân”, ông Đào Minh Tú nêu rõ.

Thứ ba, chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo hướng an toàn, hiệu quả, đúng mục tiêu, đáp ứng kịp thời, hướng vào những lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng, hạn chế tín dụng đen.

Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, giám sát; trong đó tập trung giám sát chất lượng tín dụng, cấp tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; cấp tín dụng đối với khách hàng và người có liên quan, nhóm khách hàng lớn, cấp tín dụng cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan của các tổ chức tín dụng, cổ đông; đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Chỉ đạo công tác điều hành tiền tệ năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN quán triệt và quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, bảo đảm an toàn, hiệu quả và kiểm soát rủi ro thanh khoản. “Rút kinh nghiệm từ các gói tín dụng ưu tiên đã làm tốt và chưa tốt, tiếp tục ưu tiên cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời, đầy đủ cho các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có nông nghiệp; rà soát, phân loại các dự án bất động sản để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp đối với từng doanh nghiệp, từng dự án đủ điều kiện; có tín dụng phù hợp với lĩnh vực BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao) ngành giao thông, các dự án trọng điểm, lĩnh vực xăng dầu; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách….

Thủ tướng cũng yêu cầu, ngành ngân hàng cần tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng thông qua khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến. Đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp từng phân đoạn khách hàng và thị trường, loại hình, nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, nhất là các nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân. Tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả, thiết thực chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp.

Đặc biệt, tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Thông tư số 02, bảo đảm thực hiện đúng quy định, giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng để trục lợi. “Tiếp tục tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; thực hiện nghiêm túc việc công bố lãi suất cho vay bình quân để doanh nghiệp, người dân thuận lợi trong việc lựa chọn ngân hàng vay vốn”, Thủ tướng nhấn mạnh.