Theo IB Times, nhóm phiến quân Maute được đặt tên theo ba anh em nhà Maute, người Philippines nhưng có mối quan hệ rộng rãi với nhiều đối tượng ở khu vực Trung Đông. Người anh cả Omarkhayan Romato Maute từng được ăn học ở Ai Cập, đã kết hôn với một cô gái người Indonesia. Cô gái này là con của một giáo sĩ Hồi giáo.
Trong khi đó, người em trai của Omarkhayan Romato Maute là Abdullah Maute có thời gian theo học tại Jordan và có liên hệ với một số phần tử cực đoan người Arab. Người em thứ ba tên là Hashim từng bị bắt giữ và giam tại một nhà tù ở Marawi, song y đã vượt ngục vào năm 2016. Reuters cho biết, Omarkhayan đã thiệt mạng sau khi trúng bom hồi năm 2016 và hiện chỉ có Abdullah lãnh đạo nhóm này.
Mối quan hệ của anh em nhà Maute với các phần tử Hồi giáo cực đoan rất phức tạp. Chúng có họ hàng với vợ của Alim Abdulaziz Mimbantas - một thủ lĩnh của nhóm phiến quân Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) tại Philippines. Sau khi Mimbantas chết, Chính phủ Philippines đã ký thỏa thuận hòa bình với MILF vào năm 2014. Song từ năm ngoái, ban lãnh đạo MILF đã tuyên bố trung thành với IS.
Theo các tổ chức nghiên cứu và phân tích vấn đề khủng bố, anh em nhà Maute vốn là những tên tội phạm đường phố nhưng sau đó đã tập hợp được một lực lượng đông đảo, phát triển thành một nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan. Sau khi kết nối với các tổ chức khủng bố quốc tế, nhóm này đã trở nên đặc biệt nguy hiểm. Mục đích của Maute là thành lập một Nhà nước Hồi giáo tại đảo Mindanao. Từ đầu năm 2016, Maute đã đưa lên internet hình ảnh các tay súng bịt mặt của nhóm này mang cờ đen và khẩu hiệu của IS.
Kể từ đầu năm ngoái, Maute đã mở rộng các hoạt động, triển khai các cuộc tiến công tại tỉnh miền nam Lanao del Sur. Nhóm này đã thành lập được ba thành trì tại Lanao del Sur, buộc gần 30.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Cùng thời gian, Maute đã tiến công một doanh trại quân đội và hành quyết một chỉ huy. Đến tháng 10-2016, ba thành viên của Maute bị bắt giữ với cáo buộc gây ra vụ đánh bom tại một khu chợ ở thành phố Davao - quê nhà của Tổng thống Rodrigo Duterte. Tới nay, Maute đã kiểm soát nhiều khu vực ở Marawi và trở thành một lực lượng phiến quân thách thức các nỗ lực bảo đảm an ninh của Chính phủ Philippines.
Điều gây đau đầu cho giới chức an ninh Philippines là nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan Abu Sayyaf có liên hệ với IS cũng liên quan Maute. AFP dẫn nguồn tin quân đội Philippines cho biết, thủ lĩnh của Abu Sayyaf là Isnilon Hapilon - kẻ chuyên chỉ đạo thực hiện các vụ bắt cóc con tin đòi tiền chuộc và cướp bóc, từng tuyên bố ủng hộ anh em nhà Maute. Isnilon Hapilon đã bị thương trong một vụ không kích của quân đội Philippines tại tỉnh Lanao del Sur hồi đầu năm nay và đang lẩn trốn. Tên này cũng nằm trong danh sách truy nã gắt gao của Mỹ. Theo tình báo Mỹ, Hapilon đã được các thủ lĩnh IS chỉ định làm kẻ đứng đầu nhánh IS tại khu vực Đông - Nam Á vào năm 2016.
Từ ngày 25-5 vừa qua, quân đội Philippines được sự yểm trợ của máy bay lên thẳng và xe bọc thép đã tiến hành chiến dịch truy quét phiến quân Hồi giáo Maute ở Marawi. Trước đó, Tổng thống Rodrigo Duterte quyết định ban hành thiết quân luật trên đảo Mindanao nhằm đối phó tình trạng bạo lực trên đảo do phiến quân Maute gây ra. Ít nhất 61 tay súng Maute đã bị tiêu diệt trong các cuộc giao tranh trên đường phố, trong khi đã có 15 binh sĩ Philippines thiệt mạng. Hàng trăm người dân tại các khu vực đụng độ ở Marawi đã được sơ tán khẩn cấp.
Cuộc truy quét Maute nhằm giành lại quyền kiểm soát Marawi được các chuyên gia quân sự nhận định là sẽ vấp phải nhiều khó khăn, do các tay súng cố thủ trong các tòa nhà và bắt hàng chục con tin làm lá chắn sống. Tuy nhiên, Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ không chùn bước cho tới khi nào quét sạch Maute ra khỏi Marawi.