Tiến sâu hơn vào thị trường tài chính truyền thống
Theo CNN, SEC đã chính thức phê duyệt đề xuất cho phép 11 quỹ ETF bitcoin giao ngay được phép niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán hàng đầu của Mỹ, trong đó có Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE), Sàn Giao dịch quyền chọn Chicago (CBOE) và Nasdaq. Nhiều nhà quản lý tài sản từng nộp đơn xin phê duyệt ETF bitcoin kể từ năm 2013, nhưng SEC đã từ chối với lý do chúng dễ bị thao túng. Tuy nhiên, vào tháng 8/2023, một tòa án chỉ ra sự bất hợp lý của SEC khi từ chối đơn của Grayscale Investments đăng ký quỹ ETF bitcoin, buộc SEC phải cân nhắc lại lập trường của mình.
Các quỹ ETF bitcoin giao ngay được SEC phê duyệt gần đây bao gồm Grayscale Bitcoin Trust (GBTC), BlackRock’s iShares Bitcoin Trust (IBIT), ARK 21Shares Bitcoin ETF (ARKB), Bitwise Bitcoin ETF (BITB), Invesco Galaxy Bitcoin ETF (BTCO), WisdomTree Bitcoin Fund (BTCW), VanEck Bitcoin Trust (HODL), Franklin Bitcoin ETF (EZBC), Fidelity Wise Origin Bitcoin Trust (FBTC), Valkyrie Bitcoin Fund (BRRR) và Hashdex Bitcoin ETF (DEFI).
Hãng tin Reuters cho rằng, quyết định của SEC tạo ra bước ngoặt lớn đối với bitcoin, khi các nhà đầu tư có thể tiếp cận đồng tiền điện tử có vốn hóa lớn nhất thế giới này mà không cần trực tiếp nắm giữ. Các quỹ ETF giao ngay mua bitcoin trực tiếp từ các cá nhân hoặc tổ chức khác hoặc thông qua các sàn giao dịch tiền điện tử, sau đó phát hành số chứng chỉ quỹ tương ứng lượng bitcoin đang nắm giữ.
Như vậy, các nhà đầu tư cá nhân có thể dễ dàng mua bán chứng chỉ quỹ ETF bitcoin giao ngay giống như mua cổ phiếu thông qua các tài khoản chứng khoán truyền thống. Điều này giúp các nhà đầu tư tránh gặp những rắc rối hay rủi ro có thể gặp phải như khi sở hữu trực tiếp bitcoin. Bởi, nếu muốn sở hữu trực tiếp bitcoin, nhà đầu tư cần tự thiết lập và quản lý ví tiền điện tử hay tài khoản tại các sàn giao dịch tiền mã hóa, mà không ít trong số đó có tình trạng bảo mật không được bảo đảm, luôn có nguy cơ đối mặt các vụ tấn công.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp tiền điện tử cũng đã trải qua một loạt vụ phá sản và bê bối những năm gần đây như sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền điện tử FTX, với việc nhà sáng lập Sam Bankman-Fried bị kết tội lừa đảo. Một số sàn giao dịch khác đã bị cáo buộc vi phạm luật chứng khoán của Mỹ. Sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới Binance gần đây cũng đã nhận tội vi phạm luật của Mỹ về chống rửa tiền. Tất cả điều này khiến nhiều nhà đầu tư cảnh giác với tiền điện tử. ETF bitcoin giao ngay được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán hàng đầu và được quản lý chặt chẽ được cho là sẽ dễ tiếp cận hơn với mọi nhà đầu tư.
Những người ủng hộ kỳ vọng bước tiến này sẽ thúc đẩy nhu cầu về tiền điện tử, giúp đồng tiền này tiến sâu hơn vào thị trường tài chính truyền thống. Theo giới phân tích, đây là thắng lợi lớn đối với Phố Wall, đặc biệt là các nhà quản lý quỹ trị giá hàng nghìn tỷ USD. Các tổ chức có ETF bitcon giao ngay được SEC phê duyệt đều là các công ty tài chính lớn, trong đó BlackRock quản lý lượng tài sản trị giá hơn 9 nghìn tỷ USD. Số tài sản do Fidelity quản lý là hơn 11 nghìn tỷ USD.
ETF được ra mắt lần đầu vào những năm 1990 và có những bước phát triển vào đầu những năm 2000 khi các nhà đầu tư tìm kiếm cách thức đơn giản, với phí thấp để đặt cược vào chỉ số chứng khoán, hàng hóa hay lĩnh vực công nghiệp nào đó. Theo Hiệp hội các công ty đầu tư của Mỹ ICI, tính đến tháng 12/2022, tổng tài sản ròng của các quỹ ETF tại Mỹ là khoảng 6,5 nghìn tỷ USD.
Vẫn còn nhiều hoài nghi
Năm 2021, SEC từng phê duyệt quỹ ETF bitcoin hợp đồng tương lai, tuy nhiên sản phẩm này không theo dõi biến động giá một cách chính xác và chi phí chuyển đổi hợp đồng tương lai có thể ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận, khiến chúng trở nên kém hấp dẫn hơn so các quỹ giao ngay. Ngoài Mỹ, ETF bitcoin giao ngay có thể được giao dịch tại châu Âu và Canada. Song, việc ETF bitcoin giao ngay được phê duyệt tại nền kinh tế số một thế giới mới thật sự là bước ngoặt lớn.
Ông Douglas Yones, người đứng đầu bộ phận sản phẩm giao dịch hoán đổi tại NYSE cho rằng, việc SEC phê duyệt ETF bitcoin giao ngay là một cột mốc đối với ngành ETF. Ông Andrew Bond, Giám đốc điều hành và là nhà phân tích cấp cao tại Rosenblatt Securities, một trong những tổ chức môi giới tài chính lớn của Mỹ, cũng đánh giá sự kiện này là một điều tích cực đối với việc thể chế hóa bitcoin như một loại tài sản.
Theo các nhà phân tích của Deutsche Bank, khoảng 4 tỷ USD vốn đã chảy vào các quỹ ETF bitcoin giao ngay, đặc biệt là các sản phẩm do BlackRock và Fidelity vận hành. Các nhà phân tích của Standard Chartered cho biết, các quỹ ETF bitcoin giao ngay có thể thu hút từ 50 tỷ đến 100 tỷ USD chỉ trong năm 2024. Trong khi đó, một số chuyên gia tin rằng các quỹ ETF bitcoin cũng có thể mở đường cho các sản phẩm tiền điện tử ra mắt các ETF trong tương lai.
Tuy nhiên, Chủ tịch SEC Gary Gensler vẫn gọi bitcoin là tài sản đầu cơ, dễ biến động và còn được sử dụng cho các hoạt động bất hợp pháp như tống tiền, rửa tiền, né các lệnh trừng phạt, tài trợ cho khủng bố. SEC nêu rõ cơ quan này còn nhiều hoài nghi về tiền mã hóa và quyết định trên không có nghĩa họ đã xác nhận hoặc chấp thuận bitcoin.
Chủ tịch SEC lặp lại quan điểm lâu nay của mình rằng bitcoin là một loại hàng hóa, không phải là chứng khoán và do đó sự chấp thuận đối với các quỹ ETF không phải là một tín hiệu cho thấy SEC sẽ nới lỏng việc quản lý thị trường tiền điện tử. Ông Gensler cũng nhấn mạnh rằng SEC chỉ phê duyệt ETF bitcoin giao ngay và không có kế hoạch phê duyệt bất kỳ ETF của các loại tiền mã hóa nào khác.
Ngày 23/1, giá của bitcoin đã giảm hơn một phần năm kể từ mức đỉnh hồi đầu tháng này. Đồng tiền điện tử có vốn hóa lớn nhất thế giới được giao dịch ở mức 38.900 USD, giảm 20,6% so mức 49.000 USD đạt được hôm 11/1 sau quyết định của SEC phê duyệt các quỹ ETF bitcoin giao ngay, đồng thời cũng là mức giá cao nhất trong vòng ba năm nay của bitcoin.
Trong khi đó, công ty nghiên cứu tiền điện tử Chainalysis công bố báo cáo cho thấy, lượng tiền mã hóa trị giá khoảng 24,2 tỷ USD đã được gửi đến các địa chỉ ví tiền điện tử bất hợp pháp trong năm 2023, bao gồm các địa chỉ đã được xác định là có liên quan tài trợ khủng bố và lừa đảo. Công nghệ blockchain hiện nay cho phép những người nắm giữ gửi tiền điện tử đi khắp thế giới mà không cần sử dụng hệ thống tài chính truyền thống. Chainalysis cho rằng, con số thực tế có thể còn vượt xa số 24,2 tỷ USD mà công ty này thu thập được.
Chainalysis cho biết, bitcoin là loại tiền điện tử hàng đầu được tội phạm mạng sử dụng vào năm 2021, tuy nhiên các đồng tiền mã hóa được neo giá ổn định theo các đồng tiền pháp định (stablecoin) đã trở nên phổ biến hơn trong hai năm qua, hiện chiếm phần lớn trong tổng khối lượng giao dịch bất hợp pháp.
Một báo cáo công bố ngày 15/1 của Liên hợp quốc cũng đánh giá, các sàn giao dịch tiền điện tử không được kiểm soát đã trở thành “nền móng” của kiến trúc tài chính được tội phạm có tổ chức ở Đông Nam Á sử dụng.