Nepal hỗ trợ người tự kỷ

|

Những năm gần đây, nhiều dịch vụ chăm sóc người tự kỷ được triển khai tại Nepal, thắp lên hy vọng về phát hiện sớm và điều trị căn bệnh này.

Theo tổ chức phi chính phủ Autism Care Nepal Society (ACNS), tính đến năm 2019, có khoảng 300 nghìn trẻ em ở Nepal được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ. Song, con số thực tế có khả năng cao hơn do nhận thức hạn chế của người dân. Thực trạng này đang thúc đẩy nhiều tổ chức ở Nepal hành động.

Được thành lập từ năm 2008 tại thành phố Lalitpur, ACNS là tổ chức được vận hành bởi những người có con là trẻ tự kỷ. Hiện, ACNS cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ và chăm sóc người tự kỷ như tham vấn, đánh giá và chẩn đoán tự kỷ, tập huấn cho cha mẹ và con, tập huấn cho giáo viên dạy trẻ tự kỷ… Trong đó, dự án tập huấn “Cha mẹ và con” là một trong những chương trình thành công nhất của ACNS, được triển khai trên 55 huyện của bảy tỉnh nước này. Điều khác biệt trong cách làm của ACNS là việc không áp dụng một phương pháp cho mọi đứa trẻ, mà mỗi trẻ sẽ được thiết kế một lộ trình phát triển phù hợp nhất với năng lực tiếp nhận của mình.

Năm 2018, mong muốn hỗ trợ các gia đình có con tự kỷ trong vùng đã thôi thúc vợ chồng chị Thapa thành lập một trung tâm ACNS tại thành phố Birendranagar, thủ phủ tỉnh Karnali. Chỉ với 5 nhân viên, trung tâm của anh chị đã tập huấn cho 35 gia đình. Sumitra Shahi, em gái của chị Thapa, hiện là giảng viên duy nhất của tỉnh Karnali về giáo dục trẻ có nhu cầu đặc biệt.

Bất chấp nỗ lực của cặp vợ chồng và sự trợ giúp từ ACNS tại Lalitpur, việc vận hành trung tâm vẫn gặp không ít khó khăn. “Do ngân sách và nhân lực hạn chế, chúng tôi chưa thể chăm sóc được nhiều trẻ tự kỷ như kỳ vọng. Bên cạnh đó, tập huấn cho phụ huynh cũng là một thách thức khi không nhiều người sẵn sàng dành thời gian để học”, chị Thapa cho biết.

Còn tại Lalitpur, một trung tâm quốc gia về người tự kỷ đang được ACNS lên kế hoạch, với hy vọng đáp ứng toàn diện hơn nhu cầu của các cá nhân và gia đình bị ảnh hưởng. ACNS cũng mong muốn làm việc cùng Bộ Giáo dục, Bộ Y tế và Bộ Phụ nữ, Trẻ em và Phúc lợi xã hội của Nepal để đa dạng hóa và phổ biến rộng rãi hoạt động chăm sóc người tự kỷ.