Nguy cơ hiện hữu

|

Nhân Ngày Quốc tế loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, được tổ chức vào ngày 26/9 hằng năm, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm túc tại Khóa họp thứ 79 Đại hội đồng LHQ về tình trạng căng thẳng toàn cầu gia tăng và nguy cơ tái diễn phổ biến vũ khí hạt nhân.

Ông Guterres nhấn mạnh, những rạn nứt về địa-chính trị và mất tin tưởng ngày càng tăng trên quy mô toàn cầu đã làm leo thang căng thẳng và thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới. Ông nhận định: "Thay vì đối thoại và ngoại giao để chấm dứt mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân, một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân khác đang hình thành và việc phô trương sức mạnh quân sự đang tái hiện như một chiến thuật cưỡng ép".

Người đứng đầu tổ chức hợp tác đa phương lớn nhất thế giới kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa ra thông điệp thống nhất và kiên quyết: Cách duy nhất để loại bỏ mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân là loại bỏ chúng. Đề cập đến trách nhiệm của các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, ông Guterres kêu gọi các nước này nêu gương bằng cách tôn trọng các nghĩa vụ giải trừ vũ khí và cam kết không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân hay đe dọa sử dụng chúng.

Cảnh báo của Tổng Thư ký LHQ được đưa ra trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine đang có những diễn biến căng thẳng, có nguy cơ trở thành một cuộc chiến ủy quyền, giữa một bên là Nga và phía bên kia là các quốc gia phương Tây. Tổng thống Putin mới đây đã công bố loạt đề xuất sửa đổi đối với học thuyết hạt nhân của nước này. Trong đó, một điểm cập nhật chính của học thuyết hạt nhân là việc mở rộng danh sách "những mối đe dọa quân sự" nằm trong phạm vi áp dụng chính sách răn đe hạt nhân của Nga. Về phần mình, Mỹ cũng sẽ vẫn giữ nguyên quyền duy trì khả năng răn đe hạt nhân và quyền này được mở rộng cho các đồng minh. Còn tại Trung Đông, giao tranh lan rộng có thể đẩy hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là Iran và Israel vào thế đối đầu.

Xung đột tại nhiều điểm nóng khiến nguy cơ tái diễn phổ biến vũ khí hạt nhân trở nên cấp bách. Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh sự cần thiết phải củng cố và điều chỉnh các hiệp ước và công cụ hiện có, đặc biệt là Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), nhằm ngăn chặn sự lan rộng và thử nghiệm vũ khí nguyên tử.