Còn dư địa để hạ lãi suất điều hành

|

Thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục giữ lãi suất cao cho đồng USD tới tháng 9, thậm chí sẽ không giảm lãi suất trong năm nay đã khiến đồng tiền của nhiều nước tăng tốc mất giá so với USD, chịu áp lực phải tăng lãi suất để bình ổn tỷ giá, hoãn thi hành chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, dự báo của tổ chức Fitch Solutions cho rằng Việt Nam vẫn còn dư địa để hạ lãi suất điều hành.

Để bình ổn tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có ba bước. Thứ nhất, nâng lãi suất liên ngân hàng bằng cách hút thanh khoản bằng tín phiếu và các nghiệp vụ khác. Thứ hai, thăm dò, ổn định thị trường bằng cách bán một phần dự trữ ngoại hối. Thứ ba, tăng lãi suất điều hành trong trường hợp hai bước đầu chưa đủ để hạ nhiệt tỷ giá. Thực tế, tính đến cuối tháng 4, đồng Việt Nam đã mất giá khoảng 4,9% và NHNN đã phải thực hiện hai bước đầu tiên.

Cụ thể, vào ngày 11/3, NHNN đã phát hành tín phiếu nhưng tỷ giá vẫn tiếp tục tăng 2,7%. Riêng trong tháng 4, đồng Việt Nam đã mất giá khoảng 1%. Có thời điểm đồng Việt Nam xuống đến mức thấp nhất là 25.463 đồng/USD trong phiên giao dịch ngày 19/4. Điều này đã khiến NHNN phải tiến hành bước hai, bán dự trữ ngoại hối giao ngay với mức giá 24.450 đồng/USD. Hiện tại, tỷ giá đang ở mức là 25.430 đồng/USD.

Nhưng báo cáo rủi ro quốc gia của Fitch Solutions vẫn kỳ vọng NHNN sẽ cắt giảm lãi suất điều hành 50 điểm cơ bản xuống 4% trong năm 2024. Báo cáo giải thích dựa trên dự báo nền kinh tế có thể sẽ chỉ đạt mục tiêu tăng trưởng ở khoảng 5,5%, do đó lạm phát sẽ nằm dưới mức mục tiêu 4% của NHNN, đồng thời khi FED có tín hiệu nới lỏng, thời điểm cắt giảm lãi suất điều hành sẽ diễn ra vào khoảng tháng 7 năm nay.

Trong ngắn hạn, tỷ giá hối đoái chưa phải là mối quan tâm hàng đầu của NHNN vì các nghiên cứu cho thấy, bất cứ xung lực lạm phát nào đến từ tỷ giá hối đoái yếu hơn, sẽ đều phải mất khoảng 1,5 năm để tác động đến nền kinh tế. Dữ liệu hiện có cho thấy lạm phát sẽ giảm từ khoảng 4% so với cùng kỳ trong tháng 3 xuống còn 3,5% vào cuối năm, thấp hơn mục tiêu của NHNN. Nếu FED giảm lãi suất tổng cộng 75 điểm cơ bản trong năm 2024 (bắt đầu vào khoảng tháng 7) so với 100 điểm cơ bản trước đó thì những đợt cắt giảm sẽ làm tăng giá trị của đồng Việt Nam, giảm áp lực phải hỗ trợ tiền đồng của NHNN.

Tính đến hết quý I/2024, tăng trưởng tín dụng đang ở dưới mục tiêu 15%. Trong năm 2023, tăng trưởng tín dụng cũng chỉ đạt khoảng 13,5%, dưới mức mục tiêu 14-15%. Đây cũng là một động lực để nới lỏng chính sách tiền tệ hơn so với quý trước. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ và khuyến khích cho vay cũng có thể làm giảm tỷ lệ nợ xấu. Trong phạm vi các khoản vay có lãi suất thả nổi, việc cắt giảm lãi suất và giảm chi phí trả nợ có thể giúp các doanh nghiệp không bị nợ quá hạn. Điều này đặc biệt hữu ích để giảm căng thẳng tài chính của các nhà phát triển bất động sản. Tỷ lệ nợ xấu của các doanh nghiệp này đã giảm nhẹ xuống 4,5% trong quý IV/2023 và có thể giảm xuống 3,5% vào cuối năm nay.

Hiện tại, lượng kiều hối tăng lên một phần do đồng Việt Nam suy yếu nhưng đây không phải là một tín hiệu tiêu cực của nền kinh tế. Trên thực tế, lượng kiều hối gửi về Thành phố Hồ Chí Minh có mức tăng đáng kể 35% trong quý I/2024, đạt mức cao kỷ lục trong năm thứ 3 liên tiếp. Dự kiến, nguồn kiều hối, xuất khẩu điện tử tăng, du lịch nội địa sẽ hỗ trợ cán cân tài khoản vãng lai trong năm 2024. Thực tế, thặng dư tài khoản vãng lai đang tăng lên và được dự báo sẽ ở mức 2% GDP trong năm 2024, từ mức 1,5% GDP trong năm 2023.