Nỗ lực toàn cầu chống ô nhiễm thủy ngân

|

Công ước Minamata nhắm đến việc chấm dứt việc sử dụng và phát tán thủy ngân toàn cầu. Bằng cách đưa ra các biện pháp giảm thiểu, loại bỏ các sản phẩm và quy trình sử dụng thủy ngân, một chất cực kỳ độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường, Công ước đang từng bước hướng đến một tương lai không có thủy ngân.

Một thỏa thuận toàn cầu

Công ước Minamata về thủy ngân là hiệp ước toàn cầu nhằm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường do những ảnh hưởng có hại của thủy ngân. Ngày 9/1/2013, hàng nghìn đại biểu từ 140 quốc gia đã thông qua Công ước Minamata về thủy ngân sau 4 năm đàm phán. Ngày 10/10/2013, tại Hội nghị ngoại giao ở Kumamoto (Nhật Bản), các nước đã tiến hành ký kết Công ước, đánh dấu sự ra đời của một thỏa thuận được ca ngợi là chiến thắng của ngoại giao quốc tế. Khoảng 147 quốc gia và vùng lãnh thổ đã phê chuẩn thỏa thuận, trong đó kêu gọi các thành viên loại bỏ dần việc sử dụng thủy ngân trong sản xuất, cấm mở các mỏ thủy ngân mới và hạn chế phát thải thủy ngân vào môi trường.

Công ước Minamata xác định thủy ngân là “một hóa chất gây quan ngại toàn cầu” với đặc tính lan truyền rộng trong không khí, tồn tại bền trong môi trường nhân sinh, khả năng tích tụ sinh học trong các hệ sinh thái và gây những tác động tiêu cực đáng kể đối với sức khỏe con người và môi trường. Văn bản quốc tế về thủy ngân ra đời nhằm giảm phát thải thủy ngân vào không khí, nguồn nước và đất, theo đó thiết lập những quy ước về lưu trữ và thải bỏ hóa chất này.

Công ước cũng đặt ra quy định về xuất khẩu thủy ngân và cấm sản xuất cũng như xuất, nhập khẩu các sản phẩm có chứa thủy ngân, quy định các thành viên tiến tới áp dụng những biện pháp thích hợp, các công nghệ kiểm soát phát thải tốt nhất ở mọi nhà máy năng lượng, lò hơi và lò nấu chảy kim loại mới, không được phép sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu các sản phẩm chứa thủy ngân như nhiệt kế, pin… Hoạt động khai thác mỏ thủy ngân nguyên sinh cũng bị cấm, trừ những mỏ cũ đang khai thác phải ngừng hoạt động sau 15 năm từ ngày Công ước có hiệu lực.

Một số hoạt động, sản phẩm, trang thiết bị y tế và công nghiệp mỹ phẩm có sử dụng thủy ngân, như hàn răng bằng amalgam bị cấm từ năm 2020. Các nước thống nhất giảm sử dụng thủy ngân trong vật tư y tế bằng cách tăng sử dụng các chất thay thế, xây dựng chương trình hoặc thực hiện các biện pháp thay thế khác. “Công ước Minamata là một thỏa thuận toàn cầu quan trọng đối với con người và hành tinh này”, bà Monika Stankiewicz, Thư ký điều hành của Ban thư ký Công ước Minamata cho biết. “Việc sử dụng thủy ngân không phải là điều cần thiết. Khi chúng ta đạt được những bước tiến trong loại trừ thủy ngân, tôi hy vọng sẽ thấy nhiều quốc gia hơn nữa tham gia Công ước Minamata”, bà cũng nhấn mạnh.

Mối đe dọa sức khỏe nghiêm trọng

Theo AP, công ước về thủy ngân được đặt theo tên thành phố ven biển Minamata của Nhật Bản, nơi đã xảy ra một thảm họa y tế, khiến người dân và thế giới nhận thức được tầm quan trọng của việc loại trừ thủy ngân. Mặc dù được sử dụng rộng rãi, thủy ngân đã được biết đến trong nhiều thế kỷ là chất độc. Việc tiếp xúc có thể gây ra một loạt các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm cả tổn thương não không thể phục hồi. Nhưng phần lớn các tập đoàn công nghiệp đã không coi trọng vấn đề ô nhiễm thủy ngân cho đến khi thảm họa diễn ra chậm rãi và lan rộng ở Minamata. Theo đó, từ năm 1932 đến năm 1968, một nhà máy hóa chất ở thành phố ven biển đã xả chất lỏng có chứa nồng độ metyl thủy ngân cao - một hợp chất chứa thủy ngân - vào vịnh địa phương khiến nhiều người và môi trường nhiễm độc.

Người dân không hề biết rằng, hóa chất này sẽ tích tụ trong cá và hải sản mà họ ăn trong nhiều năm liền. Năm 1956, trường hợp đầu tiên ở người mắc căn bệnh được gọi là “bệnh Minamata” đã được ghi nhận. Hàng nghìn người khác bị tổn thương não, tê liệt, nói năng không mạch lạc, mê sảng và nhiều triệu chứng khác trong những thập kỷ tiếp theo. Mèo, quạ, cá và các loài động vật khác cũng biểu hiện các triệu chứng tương tự.

Theo các nhà khoa học Nhật Bản, bệnh Minamata rất khủng khiếp, có thể so sánh với thảm họa hạt nhân ở Hiroshima hay Nagasaki. Ông Yoichi Tani, người phát ngôn của Hiệp hội hỗ trợ cho các nạn nhân mắc bệnh Minamata, một tổ chức đã vận động bồi thường cho nạn nhân ở Minamata từ năm 1970, cho biết: “Hiện tại, khoảng 70.000 nạn nhân đã được xác nhận ở khu vực Minamata, nhưng con số này còn tăng hơn thế nữa. Thiệt hại do ô nhiễm thủy ngân gây ra vẫn tiếp tục bị đánh giá thấp”.

Minamata đã trở thành biểu tượng cho sự nguy hiểm của thủy ngân. Nhiều quốc gia trên thế giới từ lâu đã phải vật lộn với bụi thải độc hại của nó. Năm 1995, giữa những lo ngại ngày càng tăng về sự gia tăng của các hóa chất độc hại, Cơ quan Môi trường LHQ (UNEP) đã kêu gọi hành động khẩn cấp đối với một loạt các chất gây ô nhiễm. Sáu năm sau, dưới sự hướng dẫn của UNEP, thế giới đã ký Công ước Stockholm, một hiệp ước toàn cầu nhằm loại bỏ hoặc hạn chế nhiều loại hóa chất độc hại, bao gồm thuốc trừ sâu và thủy ngân.

Để làm nổi bật vấn đề thủy ngân, UNEP đã đưa ra báo cáo đánh giá thủy ngân toàn cầu đầu tiên trên thế giới vào năm 2002. Đánh giá này phát hiện ra hầu như không có ngóc ngách nào trên Trái đất không bị thủy ngân ảnh hưởng, thậm chí thủy ngân còn được phát hiện ở Bắc Cực và nguyên tố này đang tích tụ trong các đàn cá trên khắp thế giới. Nghiên cứu đã được cập nhật nhiều lần, gần đây nhất là vào năm 2018. Bà Monika Stankiewicz cho biết: “Bản đánh giá năm 2002 đã đưa mọi cuộc thảo luận vào khoa học và dữ liệu. Điều này thật sự quan trọng và cho phép các nhà đàm phán đẩy nhanh tiến độ thảo luận một công ước quốc tế”.

Thông qua Quyết định số 25/5 ngày 20/2/2009 của UNEP, các quốc gia thành viên LHQ đã khởi động một hành động toàn cầu để quản lý thủy ngân một cách có hiệu quả và chặt chẽ hơn, mở đường cho Công ước Minamata ra đời 4 năm sau đó. Đến nay, mặc dù Công ước Minamata được thông qua vào năm 2013 và có hiệu lực từ năm 2018, nhưng thế giới vẫn còn nhiều việc phải làm để giảm thiểu mối đe dọa với sức khỏe con người.

Động lực để bảo vệ hành tinh

“Công ước Minamata là một hiệp ước rất quan trọng nhằm ngăn chặn thiệt hại do thủy ngân gây ra. Tuy nhiên, các hoạt động chỉ mới bắt đầu”, người phát ngôn của Hiệp hội hỗ trợ cho các nạn nhân bệnh Minamata cho biết. Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Minamata lần thứ 5 tại Geneva (Thụy Sĩ) tháng 10/2023, các bên tiếp tục thảo luận và tham gia tinh chỉnh thỏa thuận. Đại diện từ những thành viên đã thảo luận về nhiều vấn đề gai góc, bao gồm cách giảm việc sử dụng thủy ngân trong khai thác vàng quy mô nhỏ, hay tiến đến loại trừ thủy ngân trong mỹ phẩm…

Hiện nay, những thảo luận về hạn chế mới đối với các sản phẩm bổ sung thủy ngân, xem xét các giới hạn về thủy ngân trong chất thải và tìm hiểu cách cải thiện báo cáo quốc gia về ô nhiễm thủy ngân, đang tiếp tục tiến hành ở nhiều cấp độ. Ông Tani, đại diện các nạn nhân ở Minamata, kêu gọi các bên tham gia “tăng gấp đôi” nỗ lực để đẩy nhanh tiến trình này.

Khi Công ước bước sang thập kỷ thứ hai, các chuyên gia phấn khởi trước những tiến triển trong những năm gần đây. Hoạt động buôn bán thủy ngân đã chậm lại, các nhà sản xuất đã bắt đầu tìm ra những giải pháp thay thế thủy ngân trong nhiều sản phẩm và nhận thức của người dân về mối nguy hiểm của thủy ngân đã tăng lên. Nhưng, giới chuyên gia cảnh báo rằng, vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi ô nhiễm thủy ngân được giải quyết. Năm 2019, 2 triệu người đã tử vong do ô nhiễm hóa chất, nhiều trường hợp tử vong trong số đó có liên quan thủy ngân.

Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen cho biết: “Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước này nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, bao gồm cả trẻ em hay những thợ đào vàng quy mô nhỏ, khỏi những tác động có hại của loại chất độc thần kinh nguy hiểm này. Việc tăng cường hành động về thủy ngân là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe con người và môi trường khỏi ô nhiễm thủy ngân và giúp đạt được một hành tinh không ô nhiễm”.