Xử lý nghiêm việc đổi tiền không đúng quy định

|

Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ban hành Chỉ thị 30/CT-TTg về tăng cường biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Trong đó, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xử lý nghiêm việc đổi tiền không đúng quy định. Tuy nhiên trên các diễn đàn mạng xã hội, loại dịch vụ này vẫn diễn ra khá sôi động bất chấp lệnh cấm từ cơ quan chức năng.

“Chợ đen” vẫn nhộn nhịp

Thông tin từ NHNN cho biết, việc hạn chế in tiền lẻ mới trong những năm gần đây đã giúp ngân sách tiết kiệm được 3.500 tỷ đồng. Do đó, NHNN tiếp tục không in tiền mới có mệnh giá nhỏ, dưới 5.000 đồng. Từ 2021, Sở giao dịch NHNN cũng không đổi tiền mới in cho doanh nghiệp, cá nhân.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, dịch vụ đổi tiền lẻ đang diễn ra rất sôi động trên “chợ mạng”. Không chỉ cá nhân, nhiều fanpage, hội nhóm đổi tiền lẻ, tiền mới liên tiếp được ra đời với quy mô lên với cả nghìn thành viên.

Hầu hết các bài đăng đều có nội dung tương tự nhau với mệnh giá tiền giấy được đổi từ 1.000 đến 200 nghìn đồng, với mức phí từ 4-15%, mệnh giá càng thấp có phí đổi càng cao. Đặc biệt, mức phí đổi tiền sẽ thay đổi liên tục theo thời gian, càng gần Tết sẽ tăng thêm khoảng 1-2%.

“Tiền đổi cho khách nhà tôi đều nguyên seri, nguyên cọc, nhận tiền, kiểm tra rồi mới thanh toán. Người có nhu cầu có thể đến đổi trực tiếp hoặc giao đi sau vài giờ hoặc vài ngày tùy xa, gần”, tài khoản Facebook Nguyễn Thị Nhàn cho biết.

Để thu hút khách hàng, nơi đổi tiền thậm chí còn khẳng định, luôn sẵn số lượng tiền lẻ mới, nếu cần số lượng nhiều có thể liên hệ trước để “shop liên hệ với ngân hàng xuất tiền”.

Đáng chú ý, các cơ sở này cũng cung cấp dịch vụ linh hoạt cho những loại tiền gần như mới với chi phí “mềm” hơn, chỉ từ 2-3% cho các mệnh giá. Đây được “giới chuyên nghiệp” gọi là “tiền lướt”, đến từ nguồn tiền công đức của người dân tại các đền, chùa, miếu đình, sau đó quay ngược ra thị trường.

Không chỉ “chợ” mạng, tại các điểm đổi tiền trên địa bàn Hà Nội, dù không hoạt động công khai như trước, nhưng cũng luôn sẵn sàng lượng tiền lớn để cung cấp khi có khách hàng hỏi đến với mức phí dao động từ 10-15%.

Ngoài ra, nơi đổi tiền cũng cung cấp dịch vụ đổi tiền có dãy số đẹp, hay là số seri trùng với ngày tháng năm sinh. Số càng độc, càng hiếm, mức phí đổi lại càng cao. Cùng với đó, những loại tiền lì xì “độc lạ” theo con giáp của năm, đồng 2 USD may mắn và nhiều loại tiền quà tặng của các quốc gia khác nhau... cũng được rao đổi.

Rủi ro lớn

Theo quy định, ngoài NHNN, chi nhánh NHNN, Sở giao dịch NHNN, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước thì mọi hoạt động thu, đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp.

Tuy nhiên, quy luật cung cầu luôn tồn tại trên thị trường, nhiều người phớt lờ những lệnh cấm để đạt được mục tiêu lợi nhuận, khách hàng cũng không quá quan tâm đến việc nơi đổi tiền là hợp pháp hay bất hợp pháp, miễn là đáp ứng được nhu cầu.

Quy trình đổi tiền cũng được nhà cung cấp hướng dẫn chi tiết. Sau khi trao đổi qua kênh điện thoại, hoặc Zalo, Facebook, khách hàng có thể sẽ phải đặt cọc trước 10% qua tài khoản ngân hàng, thẻ cào điện thoại, thậm chí có nơi không cần cọc. Người đổi tiền sẽ giao hàng tận nơi hoặc chọn một địa điểm giao dịch, có nơi cung cấp địa chỉ cho khách hàng đến lấy trực tiếp.

Nhìn vào quy trình có thể thấy mọi giao dịch đều rất công khai, minh bạch, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro lớn. Đã có những người khi nhận về cọc tiền bị rút ruột, không đúng seri lẫn tiền cũ nát, thậm chí không kiểm tra kỹ càng còn có thể nhận về tiền giả. Không ít trường hợp người đổi tiền chuyển khoản xong thì chủ Fanpage chặn liên lạc và mất tích.

Để tránh “tiền mất, tật mang”, luật sư Hoàng Lê (Đoàn luật sư Hà Nội) khuyến cáo, mỗi người dân trước khi giao dịch cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không chuyển tiền đặt cọc trước cho người lạ và nên đến ngân hàng để đổi tiền. “Quy định pháp luật đã hết sức cụ thể và rõ ràng, người dân nên tìm đến các cơ sở được phép đổi tiền để thực hiện giao dịch nếu có nhu cầu, không nên tin tưởng vào các cá nhân đăng bài quảng cáo trên mạng xã hội khi mình không có thông tin nhân thân chính xác để tránh tiền mất thật mà tiền mới thì không có”, luật sư Hoàng Lê khuyến nghị.

Hành vi đổi tiền để hưởng chênh lệch, thu phí đổi là vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, có thể bị xử lý, xử phạt nghiêm theo quy định tại Nghị định 88/2019. Cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng, tổ chức vi phạm mức xử phạt sẽ gấp hai lần đối với cá nhân.