“Phao cứu sinh” của nông dân Kenya

|

Được thành lập để bảo tồn các giống hạt truyền thống, Viện Nghiên cứu tài nguyên di truyền tại Kenya giờ đây đang giúp các nông dân đa dạng hóa cây trồng với những hạt giống có khả năng chịu được tác động khắc nghiệt của biến đổi khí hậu (BĐKH).

Theo The Guardian, Viện Nghiên cứu tài nguyên di truyền được đặt trụ sở ở vùng đồi Kikuyu rậm rạp phía nam Kenya. Đây là nơi các nhà khoa học đang nỗ lực thúc đẩy một nền nông nghiệp bền vững. Viện được thành lập năm 1988, vào thời điểm “cách mạng xanh” bùng nổ ở Kenya, với nhiệm vụ lưu giữ các giống hạt truyền thống có nguy cơ biến mất do nông dân chuyển sang trồng các giống cây có năng suất cao hơn. Trong nhiều thập kỷ, viện đã hoạt động như một ngân hàng gene và hợp tác với các nhà nghiên cứu để cải tiến giống cây.

Tuy nhiên, khi BĐKH ngày càng đe dọa an ninh lương thực, với khoảng 50.000 mẫu giống cây trồng, viện nghiên cứu này đang trở thành “phao cứu sinh” cho nông dân. Giám đốc Viện Nghiên cứu, ông Desterio Nyamongo, cho biết: “Chúng tôi vốn được thành lập như một đơn vị bảo tồn, nhưng với tình hình BĐKH như hiện nay, viện buộc phải mở rộng hoạt động để đáp ứng nhu cầu của nông dân, đặc biệt các nông dân nhỏ lẻ rất cần có sự đa dạng hóa cây trồng để đối phó với thời tiết thất thường". Hiện nay, thông qua dự án “Hạt giống có khả năng chống chịu” hợp tác với Tổ chức Crop Trust, viện đang khôi phục những giống cây bản địa có khả năng chống chịu hạn hán và sâu bệnh nhưng đã bị lãng quên từ lâu.

Ngân hàng gene quốc gia của Kenya là một tổ chức nhỏ với nguồn lực hạn chế, hiện chỉ lưu trữ được một phần ba sự đa dạng thực vật cả nước. Ông Matthew Heaton, Giám đốc chương trình “Hạt giống có khả năng chống chịu”, nhận xét: “Dù ít được biết đến so các ngân hàng quốc tế, nhưng các ngân hàng gene quốc gia có vai trò rất lớn trong việc phát triển nông nghiệp địa phương”. Được khởi động từ năm 2019, dự án đã hỗ trợ ngân hàng gene quốc gia của Ethiopia, Ghana, Kenya, Nigeria và Zambia về tài chính và kỹ thuật, nhằm duy trì các giống cây trồng chống chịu tốt hơn và giàu dinh dưỡng, đồng thời mở rộng hỗ trợ cho nông dân địa phương.

Theo dữ liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), có ít nhất 28 quốc gia châu Phi sở hữu ngân hàng gene quốc gia. Hơn 1.300 nông dân trên khắp châu Phi đã tham gia dự án “Hạt giống có khả năng chống chịu”, áp dụng gần 300 giống cây trồng từ các ngân hàng gene vào canh tác.

Tại làng Obucuun, vùng nông thôn hạt Busia, gần biên giới Kenya-Uganda, trước khi có các giống lúa mới từ ngân hàng gene, việc trồng ngũ cốc rất khó khăn. Do BĐKH, chim chóc tăng cường phá hoại mùa màng khi các loài cỏ dại yêu thích của chúng ngày càng khan hiếm. Ông Ruth Akoropot, một nông dân 50 tuổi, chia sẻ: “Nếu không canh chừng, chúng tôi sẽ mất mùa hoàn toàn”. Lũ lụt gần đây ở Busia cũng đã cuốn trôi hạt giống, khiến tình trạng mất an ninh lương thực thêm trầm trọng. Do đó, những giống cây truyền thống từ ngân hàng gene, như lúa miến đỏ okoto ít bị chim tấn công, đã được cộng đồng địa phương yêu thích trở lại.

Ông Tobias Okando Recha, một nhà nghiên cứu tác động của dự án, nhận xét: “Các giống hạt truyền thống là những giống cây nông dân không cần bón quá nhiều phân mà vẫn cho năng suất tốt và chống chịu hiệu quả hơn các giống lai. Nhiều nông dân chỉ mới biết đến ngân hàng gene gần đây, vì thế đây là thời điểm vàng để nông dân nhận thức rằng, chính phủ có một kho tàng các giống cây trồng mà họ cần”.

Dù khoảng cách giữa nông dân và các ngân hàng gene đang dần thu hẹp, vẫn còn nhiều việc cần làm để các bộ sưu tập giống cây quý giá này đến được tay nông dân nhiều hơn. Ông Nyamongo cho biết, viện đang nỗ lực kêu gọi chính phủ cấp thêm kinh phí, đồng thời từ năm nay ngân hàng sẽ hợp tác với FAO để mở rộng hỗ trợ cho nông dân.

Dù dự án “Hạt giống có khả năng chống chịu” đang dần kết thúc, Crop Trust vẫn sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ các ngân hàng gene. Ông Heaton nhận định: “Ngân hàng gene không phải là bảo tàng mà là một nguồn lực cho tương lai. Bằng cách kết nối chúng với nông dân, chúng ta có thể tăng cường khả năng chống chịu và bảo đảm an ninh lương thực cho địa phương".