Tăng trưởng tín dụng khó về đích

|

Số liệu về tăng trưởng tín dụng đang cho thấy khả năng hấp thụ nguồn vốn ngân hàng còn yếu, trong khi đó chỉ còn một thời gian rất ngắn nữa là năm 2023 sẽ kết thúc.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024, bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết, tính đến ngày 13/12, tín dụng tăng 9,87% so với cuối năm 2022, còn cách khá xa so với định hướng điều hành tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong năm 2023 (14%). Như vậy, chỉ trong khoảng thời gian hơn nửa tháng còn lại của tháng 12, nền kinh tế phải hấp thụ khoảng 4,13% tăng trưởng tín dụng còn lại.

Khó kết nối cung cầu

Theo nhận định của một số chuyên gia, nguyên nhân của việc tăng trưởng tín dụng chậm được cho là đến từ cả các tổ chức tín dụng lẫn người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, đối với doanh nghiệp và người dân, do nền kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình sản xuất, kinh doanh, khiến nhiều người dân, doanh nghiệp không muốn vay vốn, nơi muốn vay lại khó tiếp cận nguồn vốn do không còn tài sản bảo đảm, không đáp ứng được các quy định của ngân hàng. Còn về phía các ngân hàng, hầu hết đều có xu hướng cẩn trọng khi quyết định cho vay, do lo ngại nguy cơ nợ xấu, nên không hạ chuẩn tín dụng, khó tiếp cận.

Không cho vay được khiến các ngân hàng rơi vào tình trạng “thừa tiền”, bắt đầu xuất hiện “cuộc đua” giảm lãi suất huy động trong những ngày cuối năm. Đây là diễn biến hiếm thấy, bởi các ngân hàng thường có xu hướng hút tiền gửi khách hàng trong những tháng cuối năm để đáp ứng nhu cầu cho vay mùa cao điểm.

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều ngân hàng vừa đồng loạt phát đi thông báo giảm lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. Đặc biệt, sự chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng tư nhân và nhóm ngân hàng quốc doanh đã không còn đáng kể.

Cụ thể, với kỳ hạn 12 tháng, VietinBank, BIDV, VPBank cùng niêm yết mức 5,3%/năm, trong khi Vietcombank và MB chỉ 4,8%/năm; đối với kỳ hạn dưới 3 tháng, hầu hết các ngân hàng đều ghi nhận ở mức dưới 3%/năm.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, lượng tiền lớn vẫn chảy ngược lại ngân hàng dù lãi suất đã giảm nhiều kể từ đầu năm, nên các ngân hàng buộc phải đưa mặt bằng lãi suất chạm đáy, nhằm phát đi một thông điệp người dân nên chuyển hướng dòng tiền sang sản xuất, đầu tư…

Lãi suất huy động xuống thấp lịch sử, lãi suất cho vay thực tế cũng đã ghi nhận giảm khoảng 2-2,5% cho các khoản vay phát sinh mới. Tuy nhiên, lãi suất dành cho các khoản vay hiện hữu vẫn dao động từ 10-12%/năm, do có độ trễ 3 - 6 tháng so với lãi suất huy động và có sự phân hóa về mức độ giảm giữa các ngành nghề.

Trong khi đó, như đã nói ở trên, để có thể vay vốn, các doanh nghiệp cần phải đáp ứng những quy định rất chặt chẽ của ngân hàng, có những doanh nghiệp có tài sản thế chấp nhưng vẫn không vay được hoặc chỉ vay được rất ít so với nhu cầu.

Theo ông Lại Đức Dũng, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm VISAFO, các doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn trong tình trạng thiếu vốn kinh doanh, đặc biệt là mùa cao điểm sản xuất cuối năm. Tuy nhiên, do hầu hết doanh nghiệp đã vay ngân hàng để đầu tư máy móc, thu mua nguyên liệu… và đã thế chấp hết tài sản từ trước đó, nên hiện tại muốn vay thêm là bất khả thi.

Không kỳ vọng quá cao

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng trì trệ, thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại liên tục tung ra các gói ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng doanh nghiệp nhằm tận dụng tính chất mùa vụ kinh doanh cuối năm. Tuy nhiên, vẫn là câu chuyện cũ, nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được các gói tín dụng ưu đãi này cho dù nhu cầu vốn luôn hiện hữu.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, từ những thực tế diễn ra trong hơn 11 tháng năm 2023 vừa qua cho thấy, khả năng vay vốn của doanh nghiệp trong năm 2023 xuống rất thấp, nên việc giảm lãi suất dù vẫn mang lại tác động nhưng chưa giải quyết được khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nhất là nhóm doanh nghiệp bất động sản.

Hồi cuối tháng 11, do tăng trưởng tín dụng của hệ thống không đồng đều, một số tổ chức tín dụng tăng khá cao, nhưng cũng có tổ chức tín dụng tăng thấp, thậm chí tăng trưởng âm. Để đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng phục vụ nhu cầu vốn cho quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế, nên NHNN quyết định cấp thêm hạn mức cho một số tổ chức tín dụng.

Theo đó, các tổ chức tín dụng có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được thông báo sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022, đồng thời ưu tiên cho những tổ chức tín dụng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian qua.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là biện pháp “tâm lý” bởi tăng trưởng tín dụng toàn ngành vẫn đang ở mức thấp. Bên cạnh đó, bài toán kết nối cung cầu vẫn còn nhiều nút thắt, trong khi chỉ còn ít ngày nữa là năm 2023 kết thúc, việc đạt được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là điều hết sức khó khăn.

Nhiều chuyên gia dự báo, tăng trưởng tín dụng năm 2023 chỉ có thể đạt khoảng 10-11%, phù hợp với mức tăng trưởng GDP 4,7-5%, không nên kỳ vọng quá cao đến 14%, bởi phải cân bằng rủi ro ngân hàng chấp nhận được và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đặt ra khi tăng trưởng GDP là 6,5%. Còn dự báo hiện nay phần lớn cho rằng tăng trưởng GDP chỉ đạt khoảng 5% nên tăng trưởng tín dụng từ 11-12% là phù hợp với năm 2023.

Thực tế, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhưng vẫn bảo đảm chất lượng khoản vay, cần sự hỗ trợ và vào cuộc của rất nhiều yếu tố. Trong đó, có sự phối hợp hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.

Tại Thông báo số 527/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô đã chỉ rõ, quan điểm chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ là các tổ chức tín dụng cần phải bám sát, bình tĩnh, nắm chắc tình hình, các lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế để chủ động, linh hoạt cung cấp tín dụng cho nền kinh tế và phục vụ sản xuất, kinh doanh, tập trung cho ba động lực tăng trưởng là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.

Việc điều hành tín dụng cần phải kịp thời hơn, nhanh hơn, ứng phó, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, ban hành các cơ chế chính sách tín dụng phải sát với tình hình theo tinh thần lắng nghe, cầu thị, tiếp thu ý kiến của các chủ thể liên quan, không duy ý chí, bảo thủ và không chủ quan, lơ là, thiếu thực tế. Từ đó, bảo đảm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi và dễ dàng hơn.