Luật Phục hồi thiên nhiên của EU

|

Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua văn kiện đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) về mục tiêu khôi phục các hệ sinh thái ở tất cả các nước thành viên, giúp các nước sớm thực hiện hóa những cam kết về khí hậu và đa dạng sinh học cũng như tăng cường an ninh lương thực.

Nỗ lực phục hồi môi trường sống

Theo trang tin Euro News, EP ngày 27/2 đã “bật đèn xanh” cho một dự luật quan trọng nhằm phục hồi thiên nhiên trên toàn lãnh thổ EU. Dự luật được thông qua với 329 phiếu ủng hộ, 275 phiếu chống và 24 phiếu trắng. Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong bối cảnh người nông dân trên khắp châu Âu tiến hành các cuộc biểu tình kéo dài trong nhiều tuần nhằm phản đối Thỏa thuận Xanh của EU, gói chính sách giúp khối đạt được các mục tiêu về khí hậu, nhưng bị người nông dân cho là đe dọa đến sinh kế của họ.

Trang tin chính thức News European Parliament của EP cho hay, Ủy ban châu Âu (EC) lần đầu đề xuất dự luật về phục hồi thiên nhiên vào ngày 22/6/2022. Theo đánh giá của EC, hơn 80% môi trường sống ở châu Âu trong tình trạng suy thoái. Do đó, một văn bản luật về phục hồi thiên nhiên sẽ góp phần giúp EU vực dậy môi trường sống vốn được ghi nhận trong tình trạng suy yếu trên khắp các vùng đất liền và biển của EU, đồng thời giúp khối đạt được các mục tiêu về khí hậu và đa dạng sinh học cũng như thực hiện các cam kết quốc tế.

Theo tính toán của EC, luật mới cũng sẽ mang lại lợi ích kinh tế đáng kể khi 1 euro đầu tư cho khôi phục thiên nhiên sẽ mang lại lợi ích ít nhất là 8 euro. EC kỳ vọng đạo luật này sẽ đáp ứng mong đợi của người dân liên quan trách nhiệm bảo vệ và phục hồi đa dạng sinh học, cảnh quan và đại dương như được nêu trong các đề xuất trong kết luận của Hội nghị về tương lai của châu Âu diễn ra hồi tháng 5/2022.

Luật vừa mới được thông qua đặt mục tiêu cho EU khôi phục ít nhất 20% diện tích đất và biển của khối vào năm 2030 và gần như tất cả các hệ sinh thái cần phục hồi vào năm 2050. Để đạt được các mục tiêu chung của EU, các quốc gia thành viên phải khôi phục ít nhất 30% môi trường sống được quy định trong luật mới, bao gồm rừng, đồng cỏ, vùng đất ngập nước cho đến sông, hồ và các rạn san hô, từ tình trạng kém sang tình trạng tốt vào năm 2030. Con số này cần tăng lên thành 60% vào năm 2040 và 90% vào năm 2050.

Văn bản luật này cũng quy định rằng, các nước EU vào thời điểm thích hợp nên ưu tiên khôi phục các môi trường sống ở tình trạng không tốt và nằm trong các địa điểm “Natura 2000”, một mạng lưới các khu bảo tồn của EU chứa các loài và hệ sinh thái có nguy cơ tuyệt chủng cho đến năm 2030. Những khu vực này là “thiết yếu” cho việc bảo tồn thiên nhiên và EU hiện có nghĩa vụ bảo đảm rằng, các khu vực Natura 2000 được bao phủ bởi các biện pháp phục hồi lâu dài. Các quốc gia thành viên cũng sẽ phải thông qua các kế hoạch khôi phục quốc gia, trong đó nêu chi tiết cách thức đạt được các mục tiêu này.

Để cải thiện đa dạng sinh học trong hệ sinh thái nông nghiệp, các nước EU sẽ phải đạt được tiến bộ ở hai trong ba chỉ số, gồm chỉ số các loài bướm đồng cỏ, tỷ lệ đất nông nghiệp có đặc điểm cảnh quan đa dạng cao và trữ lượng carbon hữu cơ trong đất khoáng trồng trọt. Các biện pháp nhằm tăng chỉ số về các loài chim trên đất nông nghiệp cũng cần được chú trọng, bởi loài chim là chỉ số quan trọng về tình trạng đa dạng sinh học nói chung.

Khôi phục đất than bùn đã thoát nước là một trong những cách hiệu quả nhất về mặt chi phí để giảm phát thải trong lĩnh vực nông nghiệp, do đó các nước EU hướng tới mục tiêu khôi phục ít nhất 30% diện tích đất than bùn đã cạn nước vào năm 2030, 40% vào năm 2040 và 50% vào năm 2050.

Luật yêu cầu tạo ra xu hướng tích cực ở một vài chỉ số trong hệ sinh thái rừng và trồng thêm khoảng 3 tỷ cây xanh. Các quốc gia thành viên cũng sẽ phải khôi phục ít nhất 25.000 km sông thành dòng chảy tự do, đồng thời bảo đảm không có tổn thất về tổng diện tích không gian xanh và độ che phủ tán cây đô thị.

Sau khi được EP thông qua, văn bản luật về phục hồi thiên nhiên phải được Hội đồng châu Âu (EUC) ủng hộ trước khi được công bố trên tạp chí chính thức của EU và có hiệu lực 20 ngày sau đó.

Sự ủng hộ từ nhiều phía

Cơ sở khoa học cho Luật Phục hồi thiên nhiên của EU được EC trình bày trong các nghiên cứu đánh giá tác động, trong đó xem xét cả nhu cầu phục hồi hệ sinh thái và nguồn tài chính cần thiết để thực hiện các mục tiêu đó ở EU. Theo báo cáo Trạng thái tự nhiên ở EU năm 2020 của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), khoảng 80% môi trường sống ở EU có tình trạng bảo tồn “xấu” hoặc “kém” và chỉ 15% môi trường sống ở trong tình trạng “tốt”. Báo cáo của EEA cho hay, hơn một nửa diện tích đầm lầy và một nửa môi trường ở cồn cát đang trong tình trạng “tồi tệ”. Môi trường sống có diện tích nhỏ nhất là vùng ven biển trong tình trạng “tốt”.

Kể từ khi được đề xuất lần đầu vào năm 2022, Dự luật Phục hồi thiên nhiên đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều nhóm, bao gồm các hiệp hội năng lượng gió và năng lượng Mặt trời, hàng trăm nhà khoa học, hàng chục doanh nghiệp lớn, nhóm đại diện nông nghiệp hữu cơ của EU và các tổ chức phi chính phủ như Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), tổ chức Hòa bình Xanh, BirdLife International… Wetlands International Europe, một nhóm phi chính phủ gồm các tổ chức bảo tồn các vùng đất ngập nước cho biết, luật này sẽ giúp bảo đảm tương lai cho các vùng đất ngập nước quan trọng trên lãnh thổ EU.

Tuy nhiên, đảng Nhân dân châu Âu (EPP), nhóm lớn nhất trong EP, đã tuyên bố không ủng hộ Luật Phục hồi thiên nhiên để thể hiện tinh thần đoàn kết với những người nông dân. Theo Euro News, một trong những khía cạnh mà các nhóm chính trị phản đối luật mới này liên quan các yêu cầu phục hồi vùng đất than bùn đã cạn nước được sử dụng trong nông nghiệp.

Theo Luật Phục hồi thiên nhiên EU, các quốc gia thành viên được yêu cầu thiết lập các biện pháp phục hồi ít nhất 30% diện tích đất nông nghiệp nằm trong vùng đất than bùn đã cạn nước vào năm 2030. Mục tiêu này có thể đạt được bằng một loạt các biện pháp như chuyển đổi đất trồng trọt thành đồng cỏ lâu dài, thiết lập thảm thực vật hình thành than bùn. Các đảng bảo thủ phản đối mục tiêu này với lập luận rằng, Luật Phục hồi thiên nhiên sẽ đe dọa sinh kế của nông dân và ngư dân, làm giảm sản lượng lương thực và đẩy giá lương thực lên cao.

Reuters đưa tin, khoảng 3.000 nhà khoa học đã ký vào một bức thư ngỏ hồi tháng 6/2023 nhằm bác bỏ những tuyên bố rằng, Luật Phục hồi thiên nhiên sẽ gây hại cho sinh kế của người nông dân và đe dọa an ninh lương thực. Bức thư cho hay, những tuyên bố kiểu này không những thiếu bằng chứng khoa học mà thậm chí còn mâu thuẫn trong lập luận.

Đánh giá tác động của Luật Phục hồi thiên nhiên của EU, nhiều tổ chức cho biết, các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, những lĩnh vực kể trên sẽ được hưởng lợi về lâu dài vì chúng sẽ có khả năng chống chọi tốt hơn với thời tiết khắc nghiệt và nhờ đó giảm nguy cơ bùng phát dịch hại. Bên cạnh đó, luật cũng có điều khoản về “dừng khẩn cấp”, theo đó các mục tiêu về hệ sinh thái nông nghiệp có thể bị đình chỉ trong những trường hợp đặc biệt nếu chúng làm giảm nghiêm trọng diện tích đất cần thiết để sản xuất đủ lương thực cho tiêu dùng của EU.

Phó Chủ tịch Ủy ban Môi trường, Y tế công cộng và An toàn thực phẩm của EP, ông Cesar Luena đánh giá, Luật Phục hồi thiên nhiên là văn bản quan trọng đối với châu Âu, khi EU chuyển từ bảo vệ và bảo tồn sang khôi phục thiên nhiên. Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Thụy Điển Romina Pourmokhtari bày tỏ hy vọng, Luật Phục hồi thiên nhiên sẽ giúp EU xây dựng lại mức độ đa dạng sinh học lành mạnh, chống biến đổi khí hậu và đáp ứng các cam kết quốc tế của khối.