Điều diệu kỳ từ ống nghiệm

|

Cưới nhau hơn chục năm, cũng ngần ấy thời gian vợ chồng anh Đ. (huyện Phù Mỹ, Bình Định) vất vả hành trình “tìm” con. Đến nay, con của anh chị đã được ba tuổi, nhưng mỗi lần nhắc đến kỳ tích này anh vẫn không khỏi xúc động. Nhờ Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF-In Vitro Fertilization), cơ hội được làm cha mẹ đã mở ra cho nhiều cặp vợ chồng.

Những hành trình gian nan

Năm 2009, anh Đ. lấy vợ nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên vợ chồng thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Khi kinh tế bắt đầu ổn định, anh chị muốn có con thì mãi chưa thấy. Hai vợ chồng đã đi khắp các bệnh viện ở phía nam rồi ngược ra các bệnh viện phía bắc mà kết quả vẫn chỉ là con số không.

Tưởng không còn hy vọng nhưng năm 2018, nghe tin Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định bắt đầu triển khai Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), dù không nhiều hy vọng nhưng nghĩ còn nước còn tát, vợ chồng anh vẫn đăng ký. Thật bất ngờ, niềm vui đã mỉm cười với anh chị khi lần chuyển phôi đầu đã cho kết quả đậu thai.

Mới đây, vợ chồng chị N.T.T.T. (sinh năm 1984) và anh N.V.D. (sinh năm 1973) tại huyện Tây Sơn cũng rơi vào trường hợp như vậy. Lấy nhau gần chục năm mà chưa có con, khi nghe tin bệnh viện tỉnh có đơn vị hỗ trợ sinh sản thực hiện được kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, anh chị quyết định tìm đến với hy vọng sẽ được làm mẹ, làm cha như bao gia đình khác. Sau khi làm đầy đủ các xét nghiệm theo yêu cầu, chị T. được thực hiện kỹ thuật IVF. Kết quả xét nghiệm sau 12 ngày chuyển phôi cho thấy, chị đã đậu thai. Từ đây, các bác sĩ Khoa Hỗ trợ sinh sản bắt đầu lên kế hoạch dưỡng thai và theo dõi sát tình trạng thai nghén của chị T. Bởi đây là một trong những trường hợp bệnh nhân lớn tuổi nhất mà Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định tiếp nhận và điều trị thành công ngay trong lần chuyển phôi lần đầu.

Bác sĩ CK II Nguyễn Hữu Tiến, Phó Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện đa khoa Bình Định, người trực tiếp đỡ đầu ca thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) đầu tiên tại đây cho biết, mỗi ca điều trị thành công đều mang lại rất nhiều cung bậc cảm xúc với niềm vui không kém gì các cặp vợ chồng bệnh nhân. Đôi lúc thấy họ òa khóc không kiềm chế được khi nhận kết quả xét nghiệm báo có thai, mình cũng xúc động theo. Những lúc như thế này đội ngũ bác sĩ cảm thấy mình có ích, vì đã giúp đỡ được các cặp vợ chồng hiếm muộn đạt được ước nguyện làm cha mẹ.

Làm chủ kỹ thuật điều trị

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Tiến, khi đến chữa trị, các cặp vợ chồng sẽ được thăm khám đầy đủ để xác định nguyên nhân rồi đưa ra phương pháp điều trị thích hợp cho mỗi đôi. Hiện tại, mỗi ngày trung bình bệnh viện tiếp nhận 7-10 cặp vợ chồng đến khám tìm nguyên nhân. 20% trong số đó đồng ý điều trị tích cực bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (IUI) hoặc thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) để có con. Từ năm 2018 đến nay, bệnh viện đã điều trị thành công hơn 40 trường hợp, tỷ lệ thành công đạt tầm 42-44%.

“Chúng tôi còn thực hiện thành công hơn 30 ca thụ tinh nhân tạo, đạt tỷ lệ thành công chung hơn 20% từ năm 2019 đến nay. Có thể nói, đây là một chặng đường rất dài và đầy cam go với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ hơn 10 năm trước”, bác sĩ Tiến cho biết.

Được biết, năm 2018, Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) bắt đầu chuyển giao kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm cho Khoa Phụ sản, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định. Năm 2020, các bác sĩ của khoa đã có thể thực hiện độc lập, quá trình chuyển giao này kết thúc và đề nghị Bộ Y tế thẩm định. Ngày 7/2/2021 đánh dấu mốc của ngành y tế tỉnh Bình Định khi được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện, năng lực thực hiện kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm. Ngoài những kỹ thuật được chuyển giao từ Bệnh viện Từ Dũ, để củng cố và gia tăng niềm tin của bệnh nhân, công tác đào tạo tại Đơn nguyên hỗ trợ sinh sản vẫn thực hiện liên tục.

Bác sĩ CK II Võ Thành Nam Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bình Định cho biết, bệnh viện đang đa dạng hóa các loại hình khám, chữa bệnh từ xa, hợp tác ký kết, hỗ trợ chuyên môn từ tuyến trên và đặc biệt tiến tới phát triển mô hình khám, chữa bệnh dịch vụ. Từ đó đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh, giúp người bệnh có cơ hội tiếp cận với nhiều loại hình dịch vụ khám, chữa bệnh tại chỗ mà không phải chuyển lên tuyến trên.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm Việt Nam có khoảng một triệu cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản gặp vấn đề về vô sinh, hiếm muộn (khoảng 7,7%). Trong đó có 50% là cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30, cùng với đó là tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) cũng đang tăng, chiếm tỷ lệ 50%. Hiện nay, Bình Định là một trong ba tỉnh khu vực duyên hải Nam Trung Bộ thực hiện thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được Bộ