Tìm cách bảo vệ bờ biển Hội An

|

Nhiều năm gần đây, bờ biển Hội An liên tục bị xâm lấn nhưng chưa có cách “trị” hiệu quả. Năm nay, bão chưa ghé tới nhưng người sống bên bờ biển vẫn lo lắng bộn bề.

Không nhận ra cảnh cũ

Trở lại bờ biển Hội An (Quảng Nam) năm nay, anh Lê Văn Thành, Việt kiều sinh sống ở Bắc Âu, cho biết: “Chúng tôi có một chút lúng túng, một chút ngỡ ngàng vì không nhận ra bờ biển như những năm trước”.

Sau ba năm trở lại, anh Thành cho hay: “Những hàng dương, hàng dừa và nhiều nhà hàng ven biển năm đó đã không còn nữa. Hai vợ chồng cứ nhìn vào cảnh quan rồi nhìn nhau và không tin nổi sóng biển đã phá hoại những gì thuộc về kỷ niệm trong bức ảnh cũ trên điện thoại của chúng tôi”. Vợ anh Thành nói: “Nhìn những cọc tre người dân gia cố bờ cát mà nghĩ nó như “một trận địa phòng thủ”. Chống chọi thiên nhiên như vậy rất mong manh và việc cắm cọc tre lô nhô rất nguy hiểm cho con người”.

Nhớ lại, sau cơn bão tháng 10/2020, bờ biển Hội An tan nát. Suốt dọc chiều dài hơn 3 km bờ biển ngổn ngang cây đổ, nhà hàng xiêu vẹo, resort bay mái... Sau bão, mỗi nhà là một công trường, gia cố bờ bằng bao cát, dây thép, cọc tre với một tinh thần không lùi bước. Sau đó, bão vùi dập thêm vài bận nữa, mọi công sức đều cuốn theo con sóng. Cuối năm 2021 lại quay lại quần thảo, một bài kiểm tra cho những trận địa gia cố trên và phần thắng vẫn thuộc về thiên nhiên.

Tại một địa điểm thuộc khu dân cư bên bờ biển Tân Thịnh (Cẩm An, Hội An), chị Nguyễn Thị Loan với cửa hàng thời trang kiêm bán cà-phê bên biển có lẽ là một chủ hộ kiên cường nhất. Bởi mỗi tháng vài lần, vợ chồng chị cùng người thân không chỉ bỏ công sức bê đá lồng trong thép mắt cá giữ bờ, giữ nhà mà còn thuê thợ và máy múc về gia cố phần ngoài mép biển nhằm giữ lại cái cửa hàng chênh chao bên sóng.

Chính sự gia cố này đã giữ được khoảng 15 m chiều dài bờ biển nhưng lại tạo ra sự ngăn cách của người đi dạo bên bờ biển. Chị Hà Thị Hường, hướng dẫn viên du lịch, cho biết: “Nghỉ dài ngày đưa bé con đi tắm biển, nhìn thấy một người bạn ở bên phía kia nhà chị Loan nhưng vướng bờ kè, sang không được mà vẫy tay thì không xong. Tôi cũng không lội qua chỗ bờ kè đó vì sợ sóng xô, đá ngầm và những dây thép mà họ đã nhồi xuống để gia cố rất nguy hiểm”.

Điệp khúc biển lở bờ

Trước đây, bờ biển Hội An tính từ An Bàng đến Cửa Đại là bờ biển đẹp, có những hàng dương, rặng dừa cùng nhiều nhà dân sống bằng nghề đánh cá với khung cảnh thanh bình. Nhưng từ khi có du lịch đến, nhà đầu tư về, nhiều diện tích bờ biển đã trở thành sở hữu riêng của vài khách sạn, resort. Khi bờ cát bắt đầu bị biển lấn cũng là lúc các doanh nghiệp gia cố giữ tài sản của mình. Chính sự gia cố có tính tự phát này tạo nên những bờ vực đá nhìn rất sợ và đã đánh mất bãi tắm trước mặt biển.

Nguyên Bí thư thành phố Hội An Nguyễn Sự đã từng nhận ra sai lầm của mình là cấp phép cho các doanh nghiệp đầu tư khách sạn bên ngoài đường ven biển, là đường Lạc Long Quân và đường Âu Cơ.

Chuyện sạt lở bờ sông, bờ biển nhiều năm nay như một câu chuyện thường tình và chưa có biện pháp giải quyết căn cơ, thấu đáo. Nhìn điểm sạt lở và công sức gia cố tại nhà chị Nguyễn Thị Loan, kỹ sư chuyên ngành xây dựng biển Nguyễn Bá Húng, cho rằng: “Nó không bền vững nhưng lại tạo ra những xói lở cục bộ”.

Về phần sạt lở kéo dài, nay vỡ chỗ này, mai vỡ chỗ khác, TS Nguyễn Thanh Hùng (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam) đánh giá nguyên nhân gây sạt lở bởi “Yếu tố ngoại sinh: gió, bão, sóng, dòng chảy. Yếu tố nội sinh: bùn, cát (đã bị mất đi ở một vài chỗ khác). Yếu tố nhân sinh: hồ đập thượng nguồn, xây dựng các công trình ven biển, suy thoái các rạn san hô do ghe dã cào, cào nghêu, ô nhiễm môi trường do xả rác nhựa ra biển”. Giải pháp phòng chống xói lở bờ biển, theo TS Hùng đưa ra là thoái lui (không làm gì cả), thích nghi (chung sống với xói lở) và bảo vệ (chống xói lở).

Hiện, chính quyền TP Hội An đang đi theo cách thứ ba tức là bảo vệ. Một vài điểm “kè mềm” bằng cách thiết lập một con đê biển chìm xuống, cách bờ khoảng 50 m ít nhiều tạo ra hiệu quả không gây sạt lở bên trong và vẫn giữ được bờ cát, bãi tắm đẹp.

Như vậy, bờ biển Hội An sẽ còn phải chờ cho đến khi hoàn thành bờ “kè mềm”. Khó có thể nói trước được điều gì vì thiên nhiên, thời tiết trong thời gian gần đây liên tục gây ra những đảo lộn, khó lường. Người dân và cả du khách đều mong bờ kè sớm hoàn thiện. Mong Hội An an lành như tên gọi, vượt qua mùa bão cận kề.

Tỉnh Quảng Nam vừa phê duyệt dự án chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An với mức kinh phí 982 tỷ đồng. Nguồn vốn do chính phủ Pháp tài trợ không hoàn lại, vốn vay ODA và ngân sách của tỉnh. Mục tiêu là bảo vệ diện tích đất 3,2 km2 đất dân cư, bảo vệ 1.300 hộ dân ven biển, thời gian thực hiện đến năm 2026.