Chờ diện mạo mới của vỉa hè đô thị

|

Sẵn lòng thực hiện nghĩa vụ khi sử dụng công sản vỉa hè, cùng sự nhập cuộc của các đơn vị chức năng, người dân đang mong chờ diện mạo mới ngăn nắp, tinh tươm hơn của thành phố; và cũng kỳ vọng kinh tế vỉa hè không chỉ “cất cánh”, mà còn hướng đến hình thành nét văn hóa, bản sắc của đô thị TPHCM.

Phía trong vạch kẻ trên vỉa hè ở một đoạn đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TPHCM) được sử dụng để kinh doanh, buôn bán. Ảnh: THU HOÀI

Nhà cách trường chưa đến 200m, nhưng ngày nào chị Liên cũng đưa đón con bằng xe gắn máy, sau một lần thằng bé đi bộ dưới lòng đường và bị xe tông. Vỉa hè rộng, nhưng cả đoạn dài không còn chỗ trống nào dành cho người đi bộ.

Diện mạo đô thị nhếch nhác, với vỉa hè bị lấn chiếm, “cắt khúc” vô tội vạ, đã tồn tại quá lâu. Từ ngày 1-1-2024, bằng việc triển khai thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố theo Nghị quyết 15/2023 của HĐND TPHCM, vỉa hè được trả lại đúng chức năng, là… đa chức năng (giao thông, kinh tế, không gian công cộng dành cho người đi bộ). Đây đã và đang là xu thế của nhiều quốc gia phát triển trong quy hoạch đô thị, khi một bộ phận người dân có nhu cầu lớn sử dụng tạm thời lòng đường và hè phố. Việc triển khai thu phí còn cởi trói tâm lý cho không ít đối tượng. Nhiều chủ kinh doanh mong chờ được đóng phí, thay vì sử dụng lòng đường, vỉa hè trong sự phấp phỏng và tìm cách đối phó với lực lượng chức năng.

Đến nay, hiện trạng hạ tầng từng vỉa hè, tuyến đường đã được các địa phương rà soát, lập danh mục phân loại rõ, đồng thời các địa phương đang nỗ lực tuyên truyền, hướng dẫn người dân việc triển khai thu phí. Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 6-2-2023 của Thành ủy TPHCM về tiếp tục tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn TPHCM cũng đang được triển khai với quyết tâm lớn. Trong đó, nêu cao trách nhiệm và vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương; cũng như xác định quản lý lòng, lề đường là một trong những tiêu chí đánh giá cán bộ, kết quả hoàn thành nhiệm vụ.

Sẵn lòng thực hiện nghĩa vụ khi sử dụng công sản vỉa hè, cùng sự nhập cuộc của các đơn vị chức năng, người dân đang mong chờ diện mạo mới ngăn nắp, tinh tươm hơn của thành phố; và cũng kỳ vọng kinh tế vỉa hè không chỉ “cất cánh”, mà còn hướng đến hình thành nét văn hóa, bản sắc của đô thị TPHCM. Như Giáo sư Annette M. Kim, người vô cùng tâm huyết khám phá vỉa hè TPHCM, đúc kết trong cuốn Đời sống vỉa hè Sài Gòn rằng: “Nếu thành phố muốn tăng cường phát triển du lịch thì vỉa hè là một trong những khía cạnh nên được chú ý nhất”.

Câu hỏi còn lại là, một chủ thể khác mưu sinh trên đường phố, vỉa hè - người bán hàng rong, xe đẩy sẽ “về đâu” trong cuộc tái lập trật tự này? Sự đa dạng, năng động và sáng tạo của mảnh đất dung nạp không chỉ dừng ở sự giới hạn mục đích trong công tác quy hoạch, mà còn nên hướng đến mở rộng đối tượng thụ hưởng, được lợi.

“Bất ngờ phố thị” là khái niệm đang được nhiều quốc gia phát huy trong quy hoạch và phát triển đô thị. Ở đó, việc tổ chức kinh doanh có thời hạn và điều kiện được các đối tượng kinh tế luân phiên chia sẻ, sử dụng, không chỉ tạo điểm nhấn cho kinh doanh đường phố mà còn phát huy trọn vẹn công năng của vỉa hè, lòng đường. Đặc biệt, đây cũng là sự phù hợp trong chủ trương không để ai bị bỏ lại phía sau, đảm bảo công tác an sinh của thành phố dành cho người yếu thế.