Thêm câu chuyện đẹp về người lính mũ nồi xanh

|

Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn khi sang công tác ở Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 tại căn cứ quân sự Juba Compound Bentiu (Nam Sudan), Trung úy Nguyễn Sỹ Công (Học viện Quân y) còn dành nhiều thời gian cho các hoạt động cộng đồng. Anh chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt với người dân, dạy thêm tiếng Anh hay giới thiệu về ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam với trẻ em Nam Sudan và triển khai nhiều chương trình thiết thực khác. Trung úy Công đã chia sẻ với Thời Nay về hành trình ý nghĩa này.

Phóng viên (PV): Điều khiến anh tâm đắc nhất trong chuyến đi làm nhiệm vụ quốc tế tại Nam Sudan vừa qua là gì?

Trung úy Nguyễn Sỹ Công (NSC): Nhiệm vụ hằng ngày của tôi là khám, chữa bệnh và điều trị cho lực lượng gìn giữ hòa bình tại phái bộ và các nhân viên LHQ tại phái bộ đang tham gia công tác làm nhiệm vụ ở Nam Sudan. Bên cạnh công tác chuyên môn, điều khiến hành trình của tôi thêm ý nghĩa là có nhiều cơ hội tiếp xúc, đồng hành, sẻ chia cùng người dân và trẻ em nơi đây. Sau giờ làm việc, tôi thường dành thời gian làm quen, tìm hiểu về cuộc sống của người dân và tìm cách giúp đỡ, động viên họ trong khả năng. Vào các dịp lễ, Tết truyền thống của Việt Nam, chúng tôi thường làm thêm các món bánh trái, đặc sản quê hương và đến giao lưu với người dân. Mọi người vừa tò mò vừa thích thú, còn tôi, tôi thấy rất vui.

PV: Việc “làm bạn” cùng người dân và trẻ em mang đến cho anh những trải nghiệm đáng nhớ nào?

Trung úy NSC: Sau giờ làm, tôi thường tìm gặp bọn trẻ để tặng chút bánh kẹo, đồ chơi rồi dạy tiếng Anh cho các em. Tôi chọn dạy tiếng Anh vì muốn trẻ em nơi đây có thêm cơ hội tiếp cận với nguồn việc làm ổn định trong tương lai và hỗ trợ kinh tế gia đình. Học tiếng Anh xong, nếu tụi nhỏ còn hào hứng, tôi sẽ hướng dẫn thêm vài từ tiếng Việt. Chủ yếu là những từ giới thiệu về đất nước, văn hóa, ẩm thực Việt Nam. Mỗi ngày một chút, vốn từ tiếng Anh và tiếng Việt của các em ngày càng tăng lên. Thế nhưng, lòng tôi mãi trăn trở vì trẻ em nơi đây chịu lắm thiệt thòi khi cuộc sống quá thiếu thốn. Những món quà đơn giản với trẻ em Việt Nam nhưng sang đây lại khiến tụi nhỏ mê mẩn vì lần đầu được thấy. Tôi thương và muốn hỗ trợ các em nhiều hơn.

PV: Với vốn thời gian khá eo hẹp, anh còn thực hiện nhiều video giới thiệu về công việc của người lính mũ nồi xanh và cuộc sống người dân bản địa. Khi những video ấy được nhiều người yêu thích, anh thấy thế nào?

Trung úy NSC: Khi làm những video ấy, bản thân tôi không nghĩ hay mong cầu sự nổi tiếng mà chỉ muốn lưu lại những kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình ý nghĩa của mình. Cả kênh TikTok và YouTube của tôi đều chia sẻ dưới hình thức cá nhân về những trải nghiệm đáng quý trong hành trình, lan tỏa những hình ảnh đẹp và bình dị của bộ đội Việt Nam đến bạn bè khắp nơi. Tôi rất bất ngờ và hạnh phúc khi các video của mình được nhiều người yêu thích đến vậy.

PV: Việc thực hiện và chia sẻ các video lên mạng internet của anh có gặp khó khăn không?

Trung úy NSC: Phải nói là rất thử thách vì cơ sở hạ tầng tại Nam Sudan chưa phát triển nhưng nếu tìm cách, mình sẽ làm được điều mình muốn. Vì muốn truyền tải thông điệp chính xác, gần gũi nhất, sau khi quay các video, tôi chỉ cắt ngắn nếu quá dài, còn lại giữ nguyên nội dung, không chỉnh sửa gì. Sau khi quay hoàn chỉnh, tôi tiến hành nén dữ liệu và gửi về Việt Nam, nhờ em trai đăng tải giúp lên các kênh của mình. Tôi thường chọn gửi các video vào khung từ 0-5 giờ sáng vì khi đó đường truyền mạnh nhất.

PV: Được biết, sắp tới, anh sẽ có chuyến công tác lần 2 tại Nam Sudan?

Trung úy NSC: Tôi đang trong quá trình tập huấn chuẩn bị cho chuyến công tác thứ hai. Khi nghe cấp trên báo thông tin, tôi rất mừng vì có cơ hội gặp lại các em nhỏ và thực hiện những kế hoạch còn dang dở. Tôi sẽ đem theo nhiều hạt giống và hướng dẫn người dân nơi đây cách trồng trọt hoàn chỉnh, rồi dạy thêm tiếng Anh, kỹ năng sống cho các em nhỏ. Chuyến đi đầu tiên, hành lý phần nhiều là đồ dùng cá nhân nhưng trong chuyến đi sắp tới, tôi sẽ ưu tiên cho đồ chơi, quần áo cũ làm quà gửi tặng các em. Sau tất cả, điều tôi mong chờ là nền hòa bình và cuộc sống ổn định cho người dân nơi đây vì họ đã trải qua quá nhiều khổ cực, bất an.

PV: Cảm ơn anh với những chia sẻ và chúc anh hoàn thành tốt nhiệm vụ với chuyến công tác lần 2!