Chờ xóa nhà siêu mỏng, siêu méo

|

Từ tháng 10/2024, diện tích đất ở tối thiểu ở nội thành Hà Nội không được nhỏ hơn 50 m2, sẽ không có thêm những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo và những mảnh đất sau thu hồi diện tích chưa tới 15 m2 tại Thủ đô. Quyết định mới của UBND thành phố Hà Nội được xem là những chuyển biến tích cực trong công tác thiết kế đô thị và quản lý trật tự xây dựng.

Bất cập quản lý quy hoạch và xây dựng

Sau dự án mở rộng ngõ 102 đường Trường Chinh (quận Đống Đa, TP Hà Nội), hiện còn một căn nhà duy nhất 9 m2 trên khu vực này với hai người sinh sống rất chật chội, điện nước đều không có. Cũng nằm trên tuyến đường Trường Chinh, căn nhà 212 nằm trên mặt đường, sau khi thu hồi đất để mở rộng đường thì chiều rộng “căn nhà” hiện tại chưa đến 1 m. Hiện, mặt tiền được chủ nhà chia ra để cho thuê… Hay ngay mặt ngõ 5 đường Trường Chinh là một “căn nhà” nhưng giống như một cây cột vừa đủ gắn tên biển ngõ với bức tường có chiều sâu 1 m, mặt tiền 3 m. Được biết, môi giới đã rao bán “căn lô góc” này lên tới 2 tỷ đồng.

Theo thống kê từ Sở Xây dựng Hà Nội, trên toàn thành phố hiện có khoảng 192 ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo, tập trung chủ yếu ở những quận như Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng và Thanh Xuân… Để xử lý tình trạng này, TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản, thậm chí giao trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu hệ thống chính quyền cơ sở. Thí dụ, năm 2016, UBND thành phố ban hành Chỉ thị 20/CT/UBND trong đó nêu rõ Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố về tình trạng còn tồn tại, phát sinh thêm các trường hợp nhà đất “siêu mỏng, siêu méo” trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý. Năm 2022, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục ban hành kế hoạch 218/KH-UBND trong đó yêu cầu các quận, huyện kiên quyết không để phát sinh nhà, đất thuộc diện này ở hai bên mặt đường, đặc biệt ở những tuyến phố mới, các dự án mở đường. Tuy nhiên, sau các dự án mở đường, tuyến phố mới vẫn xuất hiện những căn nhà, mảnh đất chỉ vài m2 làm mất mỹ quan đô thị.

Theo ý kiến các chuyên gia, do tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng nhưng hệ thống văn bản pháp luật chưa kịp thời điều chỉnh và việc quản lý quy hoạch đô thị, trật tự xây dựng của địa phương còn nhiều bất cập. Luật Quy hoạch đô thị trước đây đã đề cập: Khi mở đường, lấy vào 50 m, chính phần đó, là chỗ để đấu thầu, thiết kế công trình theo quy hoạch. Tuy nhiên, thực tế, quy hoạch xây dựng manh mún, thiếu sự đồng bộ giữa các khâu giải phóng mặt bằng, quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng…

Quy hoạch cần phải thực tế, có tầm nhìn

Ngày 27/9/2024, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 61 quy định về một số nội dung thuộc lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố, trong đó nêu rõ hình thức xử lý các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và mục đích quốc phòng, an ninh. Theo đó, các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại, đối với đất ở là thửa đất sau thu hồi có ít nhất một cạnh tiếp giáp tuyến đường giao thông và có diện tích đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ dưới 15 m², kích thước mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng dưới 3 m; thửa đất sau thu hồi không có lối đi và có diện tích đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa…

Quyết định cũng nêu rõ việc hợp thửa đối với các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại. Theo đó, trường hợp không thực hiện được việc hợp thửa đất do không đủ điều kiện để cho phép hợp thửa đất hoặc người sử dụng đất không có nhu cầu, không thực hiện được thỏa thuận hợp thửa đất, UBND cấp huyện quyết định thu hồi đất và thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, quản lý theo quy định của pháp luật.

Theo các chuyên gia, những mảnh đất “siêu mỏng, siêu méo” đều xuất hiện sau quá trình giải phóng mặt bằng, mở đường hay phân lô. Chính vì thế Quyết định 61 đi trước một bước nhằm giải quyết vấn đề nhà “siêu mỏng, siêu méo”, ngăn chặn ngay từ đầu việc xây dựng những căn nhà méo mó không đạt chuẩn trên những miếng đất nhỏ và méo còn dôi dư.

Liên quan đến quy định diện tích đất ở tối thiểu ở nội thành Hà Nội không được nhỏ hơn 50 m2 theo quy định mới, luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga, Đoàn Luật sư TP Hà Nội lưu ý: “Người dân vẫn được sử dụng bình thường đối với những thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích đủ điều kiện để tách thửa tối thiểu 50 m2 mà đã được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong trường hợp, đối với những thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận, nếu đủ điều kiện cấp như đất sử dụng ổn định, lâu dài, không có tranh chấp thì người dân vẫn được cấp giấy”.

Với những dự án đang triển khai thì sẽ thực hiện thu hồi nếu chủ hộ không hợp thửa, hợp khối được với nhà liền kề để tránh những nhà “siêu mỏng, siêu méo” ở các tuyến đường mới.