Phân tích của Saviils cho thấy, Trung Quốc và Nga là hai thị trường du lịch phát triển nhanh nhất của Việt Nam. Ngoài việc được miễn thị thực du lịch, khách Nga thích đến nghỉ dưỡng tại Việt Nam vì chi phí thấp hơn so với các điểm đến khác trong khu vực. Về lượng khách nội địa, Savills cho rằng thu nhập hộ gia đình và cá nhân tăng mạnh trong 5 năm qua đã góp thêm 15% tăng trưởng vào du lịch nội địa của Việt Nam.
Cũng theo Savills Việt Nam, là trung tâm kinh tế lớn TP Hồ Chí Minh và Hà Nội hấp dẫn lượng lớn khách du lịch. Khách hội nghị và khách đi công tác đến hai thành phố này chiếm hơn 40% lượng khách du lịch quốc tế của cả nước. Năm ngoái, TP Hồ Chí Minh đón khoảng năm triệu khách và Hà Nội đón bốn triệu khách. Ngoài lý do là trung tâm, thì hai thành phố trên là điểm đến có nhiều đường bay quốc tế. Song hiện tại, khách đến TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đang giảm vì sự gia tăng số đường bay và công suất của nhiều chuyến bay thẳng đến những thành phố trọng điểm khác. Các điểm đến du lịch biển mới nổi như Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc đang trở nên cạnh tranh hơn, khi phát triển nhiều chuyến bay thẳng quốc tế mới. Các thành phố nghỉ dưỡng và đảo đã vượt qua TP Hồ Chí Minh và Hà Nội trong tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế.
Đến nay, nguồn cung hạ tầng lưu trú cho du lịch được xếp hạng sao trên cả nước đã đạt trên 420.000 phòng. Tăng trưởng du lịch đang tạo ra nhiều cơ hội cho thị trường khách sạn, nhất là phân khúc trung và cao cấp. Từ năm 2013 đến 2016, nguồn cung khách sạn từ bốn đến năm sao đã tăng trung bình 20% hàng năm để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế tại các khu nghỉ dưỡng cao cấp. Về cơ sở lưu trú phục vụ khách quốc tế, hiện TP Hồ Chí Minh có nguồn cung khách sạn lớn nhất cả nước, đạt gần 16.000 phòng khách sạn từ ba đến năm sao, cao hơn 70% so với Hà Nội. Công suất khai thác phòng khách sạn ở hai thành phố đều mới chỉ đạt mức 70%, nhưng trong ba năm tới, TP Hồ Chí Minh sẽ có thêm 3.500 phòng khách sạn mới được đưa vào khai thác. Tiếp đến là Nha Trang, nơi có số lượng phòng khách sạn lớn nhất trong số các thành phố ven biển, với hơn 12.000 phòng khách sạn ba đến năm sao và có công suất khai thác cho thuê đạt cao nhất. Thời gian lưu trú trung bình của du khách quốc tế cũng có sự thay đổi mạnh tùy địa phương, khi Nha Trang đạt 3,5 ngày, so với 2,8 ngày ở Đà Nẵng và 2,6 ngày ở Phú Quốc. Đà Nẵng hấp dẫn cả khách du lịch quốc tế và nội địa, với sân bay quốc tế và vị trí dọc “Con đường di sản quốc gia”, nhưng Savills cho rằng, việc đi lại dễ dàng trên lộ trình này đã làm giảm thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch đến Đà Nẵng. Phú Quốc dù được coi là điểm đến lý tưởng cho khách du lịch cao cấp hiện cũng đã có 2.500 phòng khách sạn từ ba đến năm sao. Tuy nhiên với việc phát triển khách sạn ồ ạt hiện nay, các chủ đầu tư sẽ đối mặt với cạnh tranh gay gắt trong tương lai.
Kiến trúc sư Trần Đình Bá cho rằng: Cần khai thác chặng bay ngắn để phát triển du lịch. Để khai thác hết tiềm năng về hạ tầng hàng không, cần cho phép thành lập thêm các hãng hàng không mới và mở thêm nhiều đường bay ngắn. Việc này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế - xã hội đối với các địa phương đã có sẵn sân bay. Trong điều kiện sân bay Tân Sơn Nhất quá tải hiện nay, vẫn có thể cho các hãng hàng không mới thành lập tham gia khai thác đường bay từ các tỉnh, thành phố trọng điểm du lịch ra các chặng như Cần Thơ - Côn Đảo; Cam Ranh - Côn Đảo; Hà Nội - Phú Quốc; Cần Thơ - Phú Quốc; Đà Nẵng - Côn Đảo. Ngoài ra cần cho phép hãng hàng không mới thành lập tăng cường khai thác các chặng bay ngắn nội địa hiện đang có rất ít chuyến hoặc mới chỉ có một hãng hàng không hoạt động như chặng Đà Nẵng - Hải Phòng; Huế - Hải Phòng; Đồng Hới - Cam Ranh hoặc Đà Nẵng - Pleiku; Huế - Buôn Ma thuột… để làm phong phú thêm các đường bay nội địa và tránh lãng phí hạ tầng sân bay.