Cân nhắc giảm xét tuyển sớm vào đại học

|

“Các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) có thể sẽ chỉ được phép tuyển sinh sớm 20% chỉ tiêu”, đây là một trong những điểm mới tại Dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung Quy chế Tuyển sinh vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố. Việc này nhằm hạn chế xét tuyển sớm với mục tiêu tăng tính công bằng trong tuyển sinh.

Bảo đảm công bằng trong xét tuyển

Hiện có tới 20 phương thức xét tuyển khác nhau, mở ra nhiều cánh cửa cho thí sinh vào ĐH. Nhưng để mở được, không ít thí sinh phải đầu tư công sức để ôn luyện và gia đình đầu tư tiền bạc cho các em thi các chứng chỉ quốc tế. Trường hợp em Nguyễn Tuấn Thành (lớp 12 Trường THPT Bắc Lương Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội) là một thí dụ. Một tuần hai buổi, sau khi tan học ở trường về, chỉ kịp ăn bữa nhẹ, Thành đã phải đi xe máy hơn 30 km đến Trung tâm Tiếng Anh trên phố Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) để ôn thi chứng chỉ quốc tế IELTS cùng nhiều học sinh đồng lứa khác. “Trước đây, em đã học tiếng Anh ở nhiều nơi, tốn kém nhiều tiền bạc mà chưa đạt kết quả như mong muốn. Để ôn luyện chứng chỉ IELTS, gia đình đã nộp học phí cho em cỡ 50-60 triệu đồng rồi. Em muốn trúng tuyển vào các trường ĐH tốt nhất nên vừa ôn chứng chỉ ngoại ngữ, vừa ôn tập kỳ thi THPT của Bộ GD&ĐT nên rất vất vả”, Thành nói.

Nhiều trường ĐH còn xét tuyển chứng chỉ SAT-một bài thi đánh giá năng lực của Mỹ với mức học phí ôn luyện được coi vào hàng đắt đỏ hơn cả luyện chứng chỉ IELTS. Chưa hết, 8 trường ĐH trong nước còn tổ chức các kỳ thi riêng để đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Tùy theo điều kiện và khả năng của thí sinh mà tổng chi phí để ôn luyện và thi tất cả các loại chứng chỉ có thể lên đến cả trăm triệu đồng. Như vậy, với những thí sinh không có điều kiện thì cũng ít có cơ hội để tham gia xét tuyển bằng các phương thức trên.

Việc xét tuyển ĐH hiện nay chia làm hai đợt: Các trường xét tuyển sớm, từ trước khi có điểm thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển chung đợi sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT. Các trường có thể sử dụng một hoặc nhiều phương thức để xét tuyển sớm (Tuyển học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế; Xét học bạ; Xét điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy; Xét chứng chỉ bài thi chuẩn hóa quốc tế SAT; Xét chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (IELTS, TOEFL, TOEIC…).

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh. Trong đó, quy định các trường chỉ được dành 20% chỉ tiêu cho xét tuyển sớm. Theo Bộ GD&ĐT, những năm qua, công tác tuyển sinh ĐH-cao đẳng (CĐ) đã có những đổi mới theo hướng bảo đảm quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục nhưng lại nảy sinh tình trạng các trường dành quá nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm. Do đó, cần phải giới hạn lại để việc xét tuyển sớm chỉ tập trung vào những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội, hạn chế tác động đến việc học tập của học sinh lớp 12 cũng như việc ôn thi tốt nghiệp THPT.

Bộ GD&ĐT đề xuất ngay từ năm 2025, các cơ sở giáo dục ĐH chỉ được dùng 20% chỉ tiêu cho việc xét tuyển sớm. Hiện, việc phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức xét tuyển sớm đang được nhìn nhận là không có cơ sở khoa học. Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho rằng: “Việc này đã đẩy điểm trúng tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT lên rất cao ở nhiều trường, nhiều ngành mà có độ cạnh tranh lớn. Thực tế, đã có những thí sinh đỗ tốt nghiệp tới 39 điểm mà vẫn trượt ĐH. Điều này gây ra sự bất công bằng về cơ hội cho các thí sinh khi mà không có điều kiện tiếp cận với nhiều phương thức xét tuyển khác nhau”.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Thứ trưởng GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đánh giá: “Các cơ sở đào tạo phải chuẩn bị từ đầu năm cho công tác tuyển sinh, thu hồ sơ xét tuyển; các em học sinh đang học lớp 12 chạy đôn chạy đáo để giành chứng chỉ làm hồ sơ; các trường THPT, thầy, cô giáo phải xác nhận để cho công tác tuyển sinh này. Tất cả đều vất vả nhưng hiệu quả mang lại thì không cao”.

Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, có 8 nguyện vọng trúng tuyển xét tuyển sớm thì chỉ có 2 nguyện vọng theo học. Nói cách khác, cứ có hai thí sinh trúng tuyển sớm thì chỉ có một em nhập học, bởi trung bình một em có 4 nguyện vọng. Trong khi, xét tuyển sớm, mỗi trường sẽ làm độc lập, đến khi Bộ tiến hành xét tuyển chung để các thí sinh lựa chọn nguyện vọng sẽ sinh ra thí sinh ảo.

Ngoài ra, từng trường, từng ngành không thể dự đoán được thí sinh ảo, dẫn đến các trường có tâm lý muốn xét tuyển sớm để đủ chỉ tiêu, có thêm nhiều chỉ tiêu xét tuyển sớm, dẫn tới xác định chỉ tiêu và điểm chuẩn không chắc chắn. Điểm chuẩn trúng tuyển thường được hạ thấp đi để có thí sinh trúng tuyển nhiều hơn. Từ khâu dự báo tỷ lệ trúng tuyển không đúng gây ra thiệt hại lớn, đồng thời không có căn cứ, dẫn đến điểm chuẩn trong đợt tuyển sinh chính của một số ngành tăng vọt. Có những em được 25 điểm có khả năng trúng tuyển nhưng sau đó điểm chuẩn nâng lên 26 điểm vì có những em đã trúng tuyển theo diện tuyển sinh sớm. “Đó là điều không công bằng”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định.

Quy chế Tuyển sinh đại học đang được lấy ý kiến đóng góp theo hướng bảo đảm công bằng cho thí sinh.

Chỉ nên áp dụng với xét tuyển bằng học bạ?

Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức tọa đàm về Dự thảo Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non với sự tham gia của khoảng 50 chuyên gia, những người có kinh nghiệm, trực tiếp làm công tác tuyển sinh. Rất nhiều ý kiến đồng thuận với dự thảo, bám theo nguyên tắc công bằng, chất lượng, hiệu quả.

Bà Vương Hương Giang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh, đây là địa phương có số thí sinh xác nhận nhập học vào các trường ĐH-CĐ lớn nhất cả nước trong nhiều năm qua. Riêng năm 2024, số thí sinh đăng ký xét tuyển là 107.127 em. Thực tế những năm qua khi hỗ trợ thí sinh tham gia xét tuyển sớm vào các trường ĐH-CĐ, Sở GD&ĐT Hà Nội nhận thấy, thí sinh đã làm nhiều hồ sơ đăng ký vào nhiều cơ sở giáo dục, dẫn tới việc các trường THPT mất rất nhiều thời gian, công sức để in sao học bạ, xác nhận hồ sơ cho thí sinh, trong khi đây là thời gian cao điểm cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Băn khoăn nhất lúc này là con số 20% dành cho xét tuyển sớm, trong khi lâu nay các trường dành từ 30-80% chỉ tiêu cho phương thức này. Nhiều ý kiến cho rằng, xét chỉ tiêu với phương thức xét tuyển bằng học bạ là cần thiết vì lâu nay đã có quá nhiều nghi ngờ về gian lận, điểm số học bạ. Nhưng với những phương thức xét tuyển khác như học sinh giỏi, học sinh có chứng chỉ quốc tế thì cần phải xem xét. PGS Vũ Duy Hải, Trưởng ban Tuyển sinh hướng nghiệp, ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng: “Ngành Bán dẫn hay Trí tuệ nhân tạo đang thu hút rất nhiều bạn học sinh giỏi mà nếu những ngành này cũng chỉ giới hạn trong khoảng 20% xét tuyển sớm thì số các em có thể trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển vào ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay sẽ đòi hỏi phải có thành tích đặc biệt xuất sắc. Vì vậy, theo tôi, Bộ GD&ĐT nên nới lỏng chỉ tiêu xét tuyển sớm cho từng ngành, từng chương trình đào tạo”.

GS, TS Khoa học Nguyễn Đình Đức, Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội đóng góp: “Nhờ có chính sách tuyển sinh sớm mà ĐHQG Hà Nội đã tuyển sinh được những em giỏi để tiếp tục theo đuổi đam mê trong các ngành khoa học cơ bản và trên thực tế, đó cũng là thông lệ của quốc tế, tỷ lệ của trường Công nghệ và nhiều trường khác đạt 50%. Nếu khống chế tỷ lệ 20% sẽ nảy sinh ra bất cập và không hợp lý cho các trường. Việc áp chỉ tiêu 20% chỉ nên áp dụng với xét tuyển học bạ thôi”.

Những năm qua, nhiều em học sinh thi tốt nghiệp đạt điểm cao nhưng lại không đỗ ĐH là hệ lụy của việc tuyển sinh sớm quá nhiều, trong khi chất lượng học bạ tại nhiều địa phương là vấn đề bỏ ngỏ. Bộ GD&ĐT đang mong muốn điều phối lại tính công bằng trong tuyển sinh. Tuy nhiên, việc xét tuyển sớm là bao nhiêu % cần được xem xét thấu đáo cũng như việc triển khai cần có các giải pháp kỹ thuật thấu tình, đạt lý bảo đảm tính khả thi cao.

PGS, TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính đề xuất: “Chúng ta cần mạnh dạn bỏ hình thức xét tuyển sớm, bởi con số 20% dành cho xét tuyển sớm không mang nhiều ý nghĩa. Đề nghị đẩy sớm thời gian xét tuyển đợt 1 để đợt 2, các trường tiếp tục tuyển sinh những em có nguyện vọng thật sự”.