Tác động từ giảm phí trước bạ cho ô-tô

|

Việc giảm thuế trước bạ cũng chỉ có thời hạn trong vòng 6 tháng. Liều thuốc giảm 50% này được đánh giá là chưa xử lý triệt để gốc rễ vấn đề của ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Tài chính khẩn nghiên cứu tác động, hoàn thiện, đề xuất Chính phủ Nghị định về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước ngay trong tháng 7/2024, trong bối cảnh Bộ này vừa xin rút đề xuất giảm 50% mức phí trước bạ trước đó. Động thái này nhận được sự quan tâm rất lớn của thị trường khi ngành công nghiệp ô-tô trong nước liên tục lao dốc, chưa có dấu hiệu phục hồi.

Có nên duy trì "liều thuốc" giảm 50% phí trước bạ?

Kể từ năm 2020, Bộ Tài chính đã nhiều lần đề xuất thực hiện chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô-tô lắp ráp, sản xuất trong nước. Trong hai lần trước (từ ngày 29/6 - 31/12/2020 và từ ngày 1/12/2021 - 31/5/2022) chính sách này đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, góp phần kích thích tâm lý mua sắm ô-tô của người dân, đồng thời giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô-tô lấy lại đà tăng trưởng doanh số. Lần gần đây nhất là đề xuất việc triển khai thực hiện từ ngày từ 1/8/2024 đến 31/2/2025.

Nhận định về tác động của các đề xuất này, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, kinh nghiệm 2 lần giảm trước đây cho thấy, chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã góp phần thúc đẩy sức mua, tạo đà cho việc tái sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng, phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành sản xuất, lắp ráp ô-tô trong nước. Đặc biệt trong bối cảnh ngành ô-tô đang tiếp tục gặp khó như hiện nay thì việc cân nhắc tiếp tục giảm thuế là cần thiết.

Thực tế, theo nhiều chuyên gia, khi thị trường đi xuống, bài toán giảm thuế phí thường được nhiều quốc gia áp dụng nhằm kích thích tiêu dùng. Qua đó tác động tích cực lên toàn bộ ngành sản xuất, góp phần cứu thị trường ô-tô khỏi nguy cơ khủng hoảng.

Tuy nhiên, trong hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước gửi Bộ Tư pháp mới đây, Bộ Tài chính lại kiến nghị rút đề xuất giảm 50% phí trước đó. Nguyên nhân được đưa ra là do nhiều bộ, ngành bày tỏ lo ngại đề xuất này sẽ vi phạm cam kết quốc tế, dẫn tới nguy cơ bị xử phạt vi phạm hoặc trả đũa từ các nước mà Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang, nên cần xây dựng phương án để chủ động ứng phó.

Việc rút đề xuất này đã khiến thị trường xe ô-tô Việt Nam ngay lập tức rơi vào trạng thái thấp thỏm chờ chính sách mới, đặc biệt, với xe sản xuất và lắp ráp trong nước. Bởi, theo nhiều nhà phân phối, thời gian qua, các hãng xe nhập khẩu liên tục đưa ra các chính sách ưu đãi rất hấp dẫn. Điều này đã giúp xe nhập khẩu có tăng trưởng tốt trong những tháng vừa qua, thậm chí vượt cả xe lắp ráp trong nước. Do đó, việc "rút" đề xuất giảm lệ phí trước bạ với ô-tô, về lâu dài, nếu không có giải pháp bù đắp sẽ không có lợi cho thị trường xe Việt. Số liệu bán hàng gần nhất của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô-tô Việt Nam (VAMA) cũng cho thấy rõ điều này. Trong tháng 4/2024, các thành viên thuộc VAMA đã bán ra thị trường tổng cộng 24.350 xe. Tuy nhiên, doanh số bán xe lắp ráp trong nước chỉ đạt 11.983 xe, trong khi doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt 12.367 xe.

Cần chính sách dài hơi

Không phủ nhận những tác động tích cực trong ngắn hạn của chính sách giảm lệ phí trước bạ đã từng áp dụng, nhưng nhiều chuyên gia chỉ ra những bất lợi nếu Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách này. Thay vì đó, cần nghiên cứu để đưa ra những giải pháp mang tính dài hơi hơn.

Theo PGS, TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô-tô, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, nếu không thực hiện giảm phí trước bạ 50%, khó khăn của ngành sản xuất ô-tô trong nước có thể trầm trọng thêm. Tuy nhiên, cũng không thể phụ thuộc vào "liều thuốc" 6 tháng này mãi được. Đã tới lúc phải tính tới những chính sách dài hơi hơn cho ngành trong bối cảnh Việt Nam đang chịu rất nhiều áp lực từ các hiệp định thương mại tự do.

Cùng chung quan điểm này, luật sư Trương Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law đánh giá, có thể nhìn thấy rõ lợi ích trước mắt cho người mua xe và doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách này vào nửa cuối năm ngoái (1/7/2023 - 31/12/2023) đã không còn vực nổi thị trường ô-tô, vốn bị suy giảm mạnh bởi sức mua yếu. Trong khi đó, nếu tiếp tục kéo dài chính sách này, Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ vi phạm các điều khoản về không phân biệt đối xử với hàng hóa trong nước và nhập khẩu của các FTA.

"Trước khi thực hiện, Việt Nam cần phải nghiên cứu kỹ lại các chính sách trợ cấp cho hàng hóa trong nước, đặc biệt là trợ cấp giảm phí, lệ phí, giảm thuế có vi phạm các cam kết của Việt Nam với các tổ chức quốc tế và các hiệp định thương mại song phương và đa phương hay không. Bên cạnh đó, xu thế hỗ trợ bằng thuế, phí chỉ là giải pháp tạm thời, không thể giải quyết tận gốc vấn đề", luật sư Trương Thanh Hà chia sẻ.

Không chỉ thế, việc giảm thuế trước bạ cũng chỉ trong vòng 6 tháng, liều thuốc giảm 50% này được đánh giá chưa xử lý triệt để gốc rễ vấn đề của ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần có một phương án chính sách dài hơi, bền vững hơn để giải quyết vấn đề một cách toàn diện. Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp hỗ trợ đối với ô-tô trong nước. Điều này sẽ giải quyết vấn đề giảm giá thành cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước vì tăng được tỷ lệ nội địa hóa.

Tại Công điện ngày 21/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tháng 7 và quý III/2024. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu tác động, hoàn thiện, đề xuất Chính phủ nghị định về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong tháng 7.