Những bác sĩ mang quân hàm bám bản

|

Những ngày Điện Biên vào thời gian của những trận mưa lớn và sạt lở, những con đường sâu hun hút vào bản đã xa lại càng xa và lầy lội khó đi. Nhưng một khi người dân đã gọi thì nhất định sẽ đến. Đó là điều rất hiển nhiên của những người bác sĩ quân y với hàng chục năm công tác bám bản trên địa bàn với 28 xã biên giới khó khăn của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 379 tại Khu kinh tế quốc phòng Mường Chà.

Những thầy thuốc “vượt ngàn chông gai” bám bản

Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 379, đóng quân tại xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên), làm nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng trải rộng trên khu vực 3.636 km2 thuộc bốn huyện biên giới: Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ của tỉnh Điện Biên và Mường Tè của tỉnh Lai Châu. Đoàn phóng viên chúng tôi có mặt tại đây vào những ngày cao điểm sạt lở, đường vào bản khó đi vô cùng. Sợ phóng viên vất vả, ngoài chuẩn bị túi thuốc, đồ nghề thăm khám, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Giàng Thị Tâm còn tất bật đi kiếm vài đôi ủng và mấy chiếc ô phòng những cơn mưa lớn bất chợt. Hướng đi của đoàn là tới bản Sân Bay, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ. Cánh phóng viên bước lập bập, còn các y, bác sĩ vẫn cứ thoăn thoắt, đến mỗi ngôi nhà sẽ dừng lại hỏi thăm và hẹn hôm khác sẽ vào ngồi chơi lâu hơn.

Suốt hàng chục năm công tác, những chuyến đi vào sâu trong bản như thế này đã trở nên quen thuộc, cứ người dân gọi là đi. Tại địa phận của Khu Kinh tế - Quốc phòng Mường Chà, có nhiều xã bản rất xa xôi, có trận mưa lớn là gần như bị chia cắt, người dân ốm đau, già cả chẳng thể đi đến bệnh xá lấy thuốc, thăm khám. Ấy cũng là lúc những người bác sĩ quân y như chị Giàng Thị Tâm sẽ phải “vượt nắng, thắng mưa” đến tận nơi.

Từ một cô thiếu nữ người H’Mông được Đảng và Nhà nước cử đi học, bác sĩ Giàng Thị Tâm đã có hơn 20 năm gắn bó ở Bệnh xá quân y Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 379 với những người đồng bào nơi đây. Những ngày đầu bệnh xá mới thành lập, vô vàn khó khăn, thiếu thốn, cộng với sự “mong manh” của cô thiếu nữ ngày ấy đã trở thành những ký ức khó quên của chị Tâm.

“Những ngày đấy khi tôi mới về công tác thì thiếu thốn trăm bề, chiếc máy bơm cũng chưa có, muốn dùng phải múc từng gầu nước giếng. Chiếc giếng ấy cũng là nơi mình hay trốn ra để khóc mỗi lúc nhớ nhà. Trẻ mà, nhiều cảm xúc lắm, cứ nhớ bố mẹ rồi công việc chưa quen thì khóc thôi” - Bác sĩ Tâm nhớ lại - “Rất may có các anh chị trong đoàn động viên, nỗi nhớ nhà dần cũng nguôi ngoai. Ngày ấy đường sá nó không thuận tiện như bây giờ, muốn đi vào bản cũng mất nửa ngày, mà cứ một túi thuốc với đồ khám bệnh là đi thôi, đi nhiều cũng quen, bệnh nhân mình cũng là người thân của mình. Tập trung vào công việc, nỗi nhớ nhà cũng dần nguôi ngoai”.

Khó khăn từ những ngày đầu và đến giờ vẫn chưa hết khó. Nhưng bộ đội mà nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Đó cũng là tâm niệm của người thầy thuốc quân y Vũ Bá Thành, một chàng trai quê Hòa Bình đã ngược lên vùng đất này 16 năm.

“Từ quê tôi ở Hòa Bình đến đây độ 500 km. Ở đây trời nắng thì không sao nhưng mà trời mưa, dính sạt lở thì không có phương tiện nào, mình bắt buộc phải đi bộ thôi. Mình phải vác cả ba-lô, quân tư trang mà đi chứ không đi người không. Có những thời điểm sạt lở mình đi bộ mất khoảng 2 đến 3 giờ” - bác sĩ Thành kể về những lần từ quê trở về bệnh xá đúng trận sạt lở với một nụ cười xòa. Lên Điện Biên công tác, chỉ riêng đường đến bệnh xá đã là cả một hành trình dài với nhiều vất vả và cả hiểm nguy, nhưng chưa khi nào anh Thành than vãn. “Mình là bộ đội thì nhiệm vụ nào cũng phải hoàn thành thôi. Không chỉ thế mà mình còn là bác sĩ nữa. Nghĩ thế thôi thì thấy khó khăn nào cũng có thể khắc phục mà làm tốt chứ không bao giờ ỷ lại hay nản chí gì cả, quyết tâm đến cùng thôi. Mình vinh hạnh được phục vụ nhân dân mà”, anh Thành tâm sự vậy.

Nỗ lực xóa hủ tục, nâng cao đời sống

Khi đoàn chúng tôi tới bản Phìn Hồ, xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ, chỉ vào một ngôi nhà xa xa ở một góc đồi, một đồng chí trong đoàn trêu chị Tâm: “Ân nhân nhà cô Máy có đến thăm gia đình không kìa” khiến chị Tâm cười xòa. Gọi là ân nhân bởi chính y sĩ Giàng Thị Tâm là người đã cấp cứu chị Thào Thị Máy kịp thời khi chị trót dại ăn lá ngón sau trận cãi vã với chồng.

“Em ấy ngày đó còn trẻ nên mới bồng bột ăn ngay lá ngón dọc đường, cũng may cấp cứu kịp thời, anh chồng cũng kịp đến với vợ nên cả nhà lại mừng vui, sau trận ấy chắc không còn dám cãi nhau nữa” - chị Tâm đùa với đôi mắt lấp lánh vì hạnh phúc khi nhớ lại những ký ức đẹp. Mỗi lần nhắc về những bệnh nhân được cứu sống, những ca cấp cứu được can thiệp kịp thời ánh mắt chị lại sáng lên như vậy. “Trong suốt 20 năm làm nghề, tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh cô bé 18 tuổi sinh con đầu lòng mà lại là sinh non. Chúng tôi đến nơi thì cô bé cũng sắp kiệt sức rồi. Hôm ấy mà chỉ chậm thêm vài chục phút thì không biết sẽ ra sao” - chị Tâm kể - “Sau khi mà sản phụ sinh em bé được 3,4 kg thì ai cũng mừng vì cả mẹ, cả con đều an toàn. Nhưng không phải ai cũng may mắn thế, với phong tục tập quán đã sinh con thì phải sinh ở nhà hoặc dựng lán ở trên rừng, có nhiều trường hợp thương tâm vì không cứu kịp”.

Bệnh xá quân y Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 379 được thành lập năm 2001. Đây cũng là thời điểm mà người dân bản chung quanh chưa hề biết đến thuốc thang, bác sĩ, chỉ biết hái lá thuốc nam hay nhờ thầy cúng về làm lý chữa bệnh. Hành trình để người dân tin vào các y, bác sĩ, tin vào thuốc của bộ đội cũng là một chặng đường không kém phần gian nan. Không chỉ tận tâm, tận sức, sẵn sàng xuống các bản làng xa để cấp cứu, sơ cứu người dân mà những người quân y này còn phải kiên nhẫn tuyên truyền các kiến thức ăn ở khoa học vệ sinh để người dân tin, hiểu và làm theo. Những cán bộ thầy thuốc này đã giúp người dân Mường Chà dần bỏ đi các hủ tục lạc hậu.

“Ngày xưa chưa có bệnh xá là cứ phải cúng bái, mà cúng mãi có khi cũng chẳng khỏi, nhiều người là đi luôn đấy. Từ ngày có các cô, chú bộ đội là yên tâm ra bệnh xá, mà già yếu đau chân như ông, bà không đi được là cô, chú ấy lại đến tận nơi. Các bác sĩ nhiệt tình lắm, mấy lần ông bà bị bệnh, bị đau đều chữa khỏi cả” - bà Giàng Thị Ché, người dân trong bản Sân Bay, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên hồ hởi chia sẻ bằng thứ tiếng Kinh vẫn còn chưa quá sõi.

Gia đình bà và chồng đều được các y, bác sĩ của bệnh xá đoàn 379 giúp đỡ nhiều lần với những bệnh khác nhau. Chồng của bà Ché, ông Giàng A Súa cũng là một “người quen” của bệnh xá bởi căn bệnh gan của ông cứ ít lâu lại cần các y, bác sĩ thăm khám, cấp thuốc một lần: “Ngày trẻ mình uống nhiều rượu quá giờ gan nó đau, da nó vàng. Mấy hôm nay hết thuốc mà đường trơn, may có các cô, chú đến. Các cô, chú dặn uống thuốc kỹ lắm, còn dặn không được uống rượu nữa mới hết đau. Mình thấy đúng là mình phải nghe, cảm ơn các bác sĩ nhiều lắm”.

Đi dân nhớ, ở dân thương

Hành trình của chúng tôi đi qua bao nhiêu ngôi nhà có người là bấy nhiêu câu chào các cán bộ, chào các bác sĩ, là bấy nhiêu lời mời vào nhà uống rượu. Nhiều chục năm bám bản, những người y, bác sĩ thuộc Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 379 đã trở thành người thân, người nhà của đồng bào. Khi được hỏi về những “món quà quý” mà đồng bào dành cho, các y, bác sĩ quân y nhìn nhau cười vui vẻ.

“Quà của nhân dân thì chúng tôi nhận nhiều nhất chính là tình cảm. Nhân dân yêu quý các chú bộ đội rồi mà lại thấy các cô bộ đội lại càng yêu quý hơn” - chị Giàng Thị Tâm chia sẻ - “Bệnh nhân đến có gạo nếp hay có khi có con gà cứ kẹp mãi vào nách, muốn đưa cho các bác sĩ mà ngại không dám đưa. Hỏi là bác bảo gì mới dám đưa. Có khi có mỗi một chai rượu. Đấy là những tình cảm rất là chân thành của người đồng bào mà mình luôn trân trọng”.

Còn với y sĩ Vũ Bá Thành, nhắc về những tình cảm của người dân thì anh trêu là “vừa sợ, vừa vui”, bởi anh là người tửu lượng kém mà người dân vùng cao, tình cảm của họ thể hiện bằng chén rượu: “Bất cứ nhà ai có việc từ con trâu mới đẻ cho đến nhà cưới con, người ta đều chạy sang tận nơi gọi mình đến nhà uống rượu. Bản thân mình cũng không uống được rượu nhưng mà người ta gọi mình đi mình vẫn đi, bởi đấy là tình cảm của bà con mà. Mình đi không phải để uống chén rượu mà để bà con tin yêu của mình hơn”.

Bao nhiêu năm từ ngày thành lập bệnh xá là gần như từng ấy năm những người y, bác sĩ mang quân hàm này bền bỉ gắn bó với các bản làng, điều trị, cấp phát thuốc cho nhân dân. Từ những mái đầu còn xanh với trái tim đầy nhiệt huyết đến khi gương mặt đã có nét của sương gió vùng cao, y đức và tâm nguyện với nghề của họ vẫn không thay đổi.

Và những đôi chân vẫn đi không biết mỏi từ sáng sớm đến tối khuya tới các bản làng.