Cùng nhà mà vợ chồng ít được gặp nhau!
“Nghề gì cũng thế, có buồn, có vui, có vất vả gian truân thì có vinh quang, hạnh phúc. Nhìn mỗi chuyến tàu qua bình yên là hạnh phúc lắm rồi”, anh Tuyển tâm sự. Nhìn khuôn mặt khắc khổ, cộng thêm bộ ria rậm thì chắc chẳng ai nghĩ anh năm nay mới 30 tuổi. Trạm gác cách nhà gần 20 km nên mỗi ngày hết ca trực anh Tuyển lại đi về, thấm thoắt cũng đã sáu năm làm nghề gác chắn tàu, công việc cũng có chừng ấy việc. Thoạt tiên nhìn nhàn hạ, chẳng áp lực nhưng luôn luôn trong trạng thái “túc trực”. “Hằng ngày, người trực chắn tàu trực điện thoại, nghe báo tàu chạy ở hai đầu khu gian; trực tiếp kiểm tra đường bộ và đường sắt tại đường ngang đồng thời đẩy, kéo barie bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đường bộ khi qua đường ngang; đón và tiễn tàu qua đường ngang…”, anh Tuyển kể vắn tắt.
Với cung đường tầm 20 m ngang, gác chắn Hà Thanh phải bảo đảm an toàn cho tàu qua, nhất là người và các phương tiện vận tải cắt ngang gác chắn. Anh Tuyển cho hay: “Quanh năm, kể cả ngày lễ, Tết chúng tôi vẫn phải ngồi canh lịch tàu chạy, kéo gác chắn. Phần lớn người dân tuân thủ quy định về an toàn đường sắt, nhưng không loại trừ một số người, phương tiện khi có tín hiệu dừng lại vẫn cố tình băng qua đường. Tình trạng này ngày nào cũng có và hầu như xảy ra mọi nơi. Cũng mong họ hiểu ra để khắc phục và lấy sự an toàn cho số đông làm chuẩn”.
Cùng thực hiện nhiệm vụ với anh Tuyển là anh Thời, năm nay 29 tuổi, chưa lập gia đình. Trung bình mỗi ca, anh Tuyển và anh Thời đón và tiễn 15 chuyến tàu. Một ca có 12 tiếng, một ngày được chia làm hai ca. Ca ngày từ 6 giờ đến 18 giờ và ca tối từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. “Nghe qua thì có vẻ dễ dàng và an toàn nhưng cũng lắm nỗi gian truân”, anh Tuyển chép miệng. Ở đoạn đường ngang mà anh gác trạm, hai đầu đường sắt là đường cong nên rất khó để quan sát tàu và căn giờ đóng chắn barie. Vì thế, để bảo đảm an toàn cho những chuyến tàu cũng như người tham gia giao thông đường bộ, các anh thường phải đóng chắn sớm hơn giờ báo. Tuy nhiên, vì người đi đường không hiểu nên thường hay mắng nhiếc, nặng lời. “Những lúc như thế, chúng tôi chỉ biết lặng im, nở nụ cười trừ rồi tiếp tục công việc. Mình đứng đợi lâu cũng bồn chồn, sốt ruột nên hiểu được suy nghĩ của mọi người mà”, anh Tuyển cười hiền nói.
Nghề gác chắn tàu phải đi sớm về hôm. Như anh Tuyển, từ tờ mờ sáng, anh đã dậy đi làm và về đến nhà khi trời tối sẫm. Vợ anh Tuyển cũng làm nghề gác tàu ở cung đường Ga Sa Lung (huyện Vĩnh Linh). Anh chị phải gửi hai con nhỏ nhờ bà ngoại trông nom vì vợ chồng làm đối lập ca nhau. Anh làm ca ngày, chị làm ca tối. “Cả năm, vợ chồng chỉ nhìn mặt nhau được có vài ngày thôi. Lúc mình đi làm thì cô ấy vừa về nhà. Lúc mình về thì vợ lại đi. Vì ca trực đã cố định như vậy rồi. Nhiều khi thiếu người, tôi phải làm liên tục hai ca, tức là thức trắng 24 giờ. Thương con lắm nhưng mình phải cố gắng vì tương lai các con”, anh Tuyển chùng giọng.
“Nghề gác tàu phải làm việc quanh năm suốt tháng, không có ngày nghỉ, kể cả ngày lễ hay tết nhất. Chúng tôi bị người dân cằn nhằn như cơm bữa, nghe nhiều thành quen nên lúc nào nghe mắng là lại cười cười cho họ vui vẻ. Nhiều hôm, một vài thanh niên say xỉn, thấy đèn báo đỏ và chúng tôi đã kéo chắn nhưng vẫn cố tình vượt qua. Chúng tôi khuyên nhủ thì liền bị họ đuổi đánh, dọa nạt”, anh Thời kể tiếp. Trong ca trực suốt 12 giờ đồng hồ, các anh phải tập trung và giữ mình luôn tỉnh táo, không được ngủ nghỉ. “Mấy năm nay, Tết nào, tôi cũng đi trực ở trạm cả. Mọi công việc ở nhà đều nhờ tay bố mẹ sắp xếp. Thời gian dành cho gia đình và người thân rất ít nên nhiều khi muốn tìm hiểu ai đó cũng ngại. Nhiều khi có lịch nghỉ bù nhưng vì ngành đường sắt thu nhập thấp nên chúng tôi tranh thủ làm thêm để tăng thu nhập”.
Mỗi ngày đi bộ 3,8 vạn bước chân
Dưới cái nắng gần như “bức tử” của đất lửa Quảng Trị, chúng tôi tìm gặp anh Nguyễn Văn Thái (47 tuổi) đang cặm cụi trên dặm đường ray. Nhìn dáng người thấp đậm của anh Thái giữa đường tàu dài hun hút, chợt cảm giác cô đơn khiến chúng tôi chùng lòng. Cứ đứng quan sát hồi lâu chúng tôi mới tiếp cận anh và bắt đầu trò chuyện. Anh Thái bước chân vào ngành đường sắt từ năm 1993 với công việc duy tu, bảo dưỡng đường sắt. Sau 12 năm, anh chuyển sang làm tuần tra đường ray, hiện tại anh là Tổ trưởng tuần đường thuộc cung đường Hà Thanh (Đội quản lý đường sắt 2, Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên). Để chúng tôi hiểu thêm về nghề nghiệp của mình, anh kể: “Hằng ngày công việc của tôi có ba nhiệm vụ chính: Kiểm tra kỹ lưỡng, theo dõi thường xuyên, phát hiện kịp thời những hư hỏng, trở ngại trên đoạn đường tuần tra; kịp thời sửa chữa các hư hỏng, chướng ngại trên đoạn đường tuần tra và tham gia bảo dưỡng đường theo nội dung quy định; nhanh chóng, kịp thời bắt giữ các đoàn tàu khi có chướng ngại, hư hỏng đe dọa đến an toàn đoàn tàu, tham gia bảo vệ đường sắt và các đoàn tàu chạy trên đoạn đường tuần tra…”. Mỗi ca trực, anh Thái đi tuần đường từ Km 604 + 615, có chiều dài 11 km, đi qua địa phận hai huyện Gio Linh và Cam Lộ, qua hai đường ga và bốn bộ ghi. “Một ca trực, tôi đi và về ba lượt. Mỗi lượt, tôi đi được 15.400 bước chân. Nhân đôi lên thì trung bình một ngày, tôi đi bộ hơn 30.800 bước chân cho 22 km. Đó là chưa kể đi qua hai đường ga nữa”, anh Thái nhẩm tính về quãng đường mình đi mỗi ngày trong vòng 14 năm qua.
Trước đây, đi tuần thường có hai người nhưng 10 năm trở lại đây, chỉ có một người đi tuần đường mỗi ca. Độc hành quãng đường dài 11 km, lỡ may đau ốm, bệnh tật hay gặp tai nạn thì rất khó để được cứu chữa kịp thời mà phải tự lo cho bản thân. Đặc thù của nghề tuần đường là phải đúng tiến độ, thời gian đi tuần, bất kể thời tiết nên nhiều hôm trời mưa như trút nước hay nắng như nổ nứa nổ tre thì anh Thái vẫn lên đường làm nhiệm vụ. Nhiều hôm gặp phải trời mưa gió, anh vẫn đi tuần vì không sẽ chậm giờ giao ban và khi trời mưa, đường sắt thường gặp sự cố, hỏng hóc.
Anh kể: “Một hôm tôi đi tuần gặp trời giông gió. Lúc đó khoảng 2 giờ sáng, đang ở đoạn đường xa khu dân cư thì sấm chớp đùng đoàng, sét đánh ngang tai như xé toạc cả bầu trời, mưa xối xả như trút nước. Chỉ có tôi giữa đồng không mông quạnh, trong người lại mang theo nhiều dụng cụ đồ nghề toàn sắt thép nên phải nhanh chân chạy tìm một ngôi nhà dân để trú ẩn. Lúc đó, tôi chỉ biết lạy trời. May sao, chạy được một lúc thì tôi gặp nhà dân và vào đó xin trú tạm”.
Bỗng mưa rơi lác đác. Cơn mưa không đủ làm dịu khí trời mà hơi nóng từ mọi nơi bốc lên ngùn ngụt. Trên đường ray, có thể nhận thấy hơi nóng phả như “hỏa lò”, anh Thái vẫn túc tắc đi, dáng người quyện hòa vào làn hơi nước. Chúng tôi chợt nghĩ, nắng mưa không phải là chuyện của trời nữa mà là chuyện đáng để lưu tâm đối với những người làm đường sắt, những người gác chắn tàu và đặc biệt là những người đi tuần tra đường ray như anh Thái. Chỉ mong trời bớt đổ lửa, nắng mưa thuận hòa cho con đường xa ngái đó người đi tuần tra bớt đi vất vả, nhọc nhằn. Để anh Thái có thể trở về với gia đình trong niềm vui phấn chấn. Với anh, niềm vui lớn nhất mỗi ngày là khi xuống ban (hết ca làm việc) vẫn khỏe mạnh, bình an để về với vợ và con đang đợi ở nhà.