Theo Bộ Tài chính, doanh nghiệp có quy mô nhỏ vẫn luôn là mục tiêu trọng tâm của các chính sách phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia. Chính sách hỗ trợ về thuế là công cụ thường được các nước sử dụng theo hướng quy định mức thuế suất ưu đãi dành cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, có thể là mức thuế suất cố định hoặc lũy tiến theo quy mô thu nhập.
Nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp
Tại Việt Nam, trong tổng số khoảng 900.000 doanh nghiệp hoạt động, số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm gần 94%. Vì vậy, Bộ Tài chính vừa có Công văn số 5949 gửi các bộ, cơ quan T.Ư và UBND các tỉnh, thành phố về việc lấy ý kiến hồ sơ dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Đáng chú ý, tại khoản 2 Điều 10 dự thảo luật, Bộ Tài chính đề xuất mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Cụ thể, thuế suất 15% áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng. Thuế suất 17% áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ hơn 3 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng. Doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 17% và 15% tại khoản này là tổng doanh thu của năm trước liền kề. Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, giao Chính phủ quy định cụ thể tổng doanh thu làm căn cứ áp dụng. Ngoài ra, mức thuế suất 15% và 17% được quy định sẽ không áp dụng đối với doanh nghiệp là công ty con hoặc công ty có quan hệ liên kết mà doanh nghiệp trong quan hệ liên kết không phải là doanh nghiệp đáp ứng điều kiện áp dụng thuế suất quy định.
Theo Bộ Tài chính, việc bổ sung quy định này góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tích tụ vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh. Đây cũng là tiền đề giúp doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ phát triển thành doanh nghiệp có quy mô lớn hơn. "Việc thực hiện các mức thuế suất tương ứng theo quy mô doanh thu của doanh nghiệp cũng thể hiện chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp là có thời hạn (mức thuế suất thay đổi theo bước phát triển của doanh nghiệp) và bảo đảm sự khuyến khích, hỗ trợ phù hợp thực tế", Bộ Tài chính đánh giá.
Nhìn nhận chính sách này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, thời gian qua thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm mạnh. Cụ thể, năm 2009 thuế suất là 25%; năm 2014 mức thuế còn 22% và từ đầu năm nay thuế suất xuống còn 20%. So sánh với các nước ASEAN, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông 20% bằng với Thailand, Lào, Campuchia và thấp hơn so với Philippines (30%), Myanmar (25%), Malaysia (24%), Indonesia (22%).
Tuy nhiên, mức thuế suất của Việt Nam cao hơn so với Singapore (17%), Brunei (18,5%). Vì vậy, dự thảo đề xuất giảm 3-5% thuế thu nhập doanh nghiệp giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm nghĩa vụ thuế, tạo nguồn lực tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và được kỳ vọng sẽ tạo ra “cú huých” cho khối doanh nghiệp này phát triển mạnh hơn nữa.
Ngoài ra, đề xuất sửa đổi lần này còn có tác động quan trọng trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy tinh thần kinh doanh, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo, nhằm tăng số lượng doanh nghiệp thành lập mới, hoạt động hiệu quả và có khả năng tăng trưởng nhanh sau khi thành lập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. “Việc giảm thuế sẽ tác động lớn nhất và đầu tiên tới ý chí kinh doanh, niềm hứng khởi kinh doanh. Khi doanh nghiệp kinh doanh tốt, kinh tế sẽ phát triển, đóng góp của doanh nghiệp vào ngân sách cũng tốt hơn cho dù thuế suất giảm”, vị chuyên gia này tin tưởng.
Doanh nghiệp kiến nghị nâng mức doanh thu lên 100 tỷ đồng
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Công ty du lịch AZA đánh giá, kể từ sau dịch Covid-19 đến nay, ngành du lịch vẫn chưa thể phục hồi về cả doanh thu và nguồn khách. Vì vậy, việc giảm thuế sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để tái đầu tư, có thêm lợi nhuận, gia tăng khả năng cạnh tranh và giảm bớt sự phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng.
Tuy vậy, việc giảm thuế từ 15 - 17% áp dụng cho các doanh nghiệp có tổng doanh thu không quá 50 tỷ đồng, nên chỉ có tác động tích cực đến các hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp siêu nhỏ. Trong lĩnh vực du lịch, nhiều doanh nghiệp dù là nhỏ nhưng doanh thu vẫn trên mức này nên sẽ không tiếp cận được ưu đãi. “Tôi mong cơ quan soạn thảo nâng mức doanh thu lên 100 tỷ đồng/năm để nhiều doanh nghiệp tiếp cận được chính sách này. Khi đó, doanh nghiệp có vốn để tái đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Từ đó tạo sức cầu tốt hơn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Ông Lại Anh Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Truyền thông và máy tính Thánh Gióng nhìn nhận, với doanh thu khoảng 50 tỷ đồng/năm, doanh nghiệp chỉ đủ chi trả chi phí sản xuất kinh doanh và lương cho khoảng 10 - 15 lao động. Nếu áp dụng tiêu chí này, hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được trong khi họ chiếm phần lớn doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam. Vì vậy, ông Dương đề nghị Bộ Tài chính nên mở rộng biên độ doanh thu để nhiều doanh nghiệp được hưởng chính sách này.
Cùng với đó, ông Dương cũng cho rằng các thủ tục hành chính phải rõ ràng và công bằng, tránh trường hợp doanh nghiệp phải xoay xở các mối quan hệ để hưởng chính sách ưu đãi về thuế. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần sự công bằng và minh bạch trong việc đưa ra các tiêu chí đánh giá. Do đó, Bộ Tài chính cần có cơ sở rõ ràng để giúp cho doanh nghiệp được áp dụng ngay trong thời gian sớm nhất. “Việc giảm mức thuế sẽ là nguồn vốn vô cùng quý giá để doanh nghiệp tập trung đầu tư về khoa học - công nghệ; đầu tư đào tạo nhân lực về chuyển đổi số, từ đó giúp doanh nghiệp phát triển bứt phá”.
Dự kiến, dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (tháng 10) và được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025).