“Ở riết quen mùi thú”
Năm 1984, chàng trai 19 tuổi Đỗ Thanh Hải xin vào phụ việc tại Thảo cầm viên Sài Gòn. Sở thú lâu năm này trong ký ức ông lúc ấy rộng lớn và hoang vu với toàn cây lá chứ chưa nhiều thú quý hiếm và hoành tráng như bây giờ. Ngày nhận việc, vừa sợ, vừa bỡ ngỡ, ông theo chân những đàn anh đi trước học kinh nghiệm tiếp cận, chăm sóc thú. Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, ông nhận ra mình hợp với khu vườn rộng thênh thang này. Mỗi khi bận việc không đi làm được là lòng cứ bồn chồn vì nhớ… thú.
Gần 40 năm làm việc nơi đây, ông được luân chuyển công tác tại nhiều khu vực để hiểu hết công đoạn nuôi dưỡng, chăm sóc thú. Từ tổ móng vuốt, qua chuồng khỉ rồi đến tổ thú dữ, bến đáp cuối cùng và lâu năm nhất của ông là ngôi nhà lớn với sáu chú voi bầu bạn. Không chỉ thuộc tên, nắm rõ tuổi, ông nằm lòng tính nết, tình trạng sức khỏe của mỗi cá thể voi. “Chăm riết rồi cưng tụi nó như con. Có bữa tôi đi tiệc về vào chuồng thăm có mùi lạ chút là tụi nhỏ rà soát, hít hà khắp người, thấy thương lắm. Ai cũng hỏi thấy cực không, tôi thấy vui nhiều hơn mệt. Tôi bị tụi nhỏ “đánh” hoài chứ gì. Rồi bị hất nữa. Cú hất nhẹ thôi nhưng với thân hình to lớn của voi, mình như con kiến vậy, văng đi luôn. Bị đánh nhưng không giận, tôi đi tới nhẹ nhàng vỗ về vì hiểu chắc nó mệt nên mới bực bội. Ở cạnh, hiểu rồi thương nhau vậy đó, mấy chục năm rồi”, Tổ trưởng Tổ trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng voi tại Thảo cầm viên Sài Gòn chia sẻ.
Là người có thâm niên cao nhất tại Thảo cầm viên Sài Gòn lúc này, gần đến tuổi nghỉ hưu vậy mà ngày nào ông Trần Văn Tám, Tổ phó Tổ Bò sát - Chim - Linh trưởng bận việc không được vào chăm sóc, ngắm nghía từng con vật trong Vườn Cá sấu thì chẳng thể ngủ ngon. Ở riết quen mùi, xa thấy nhớ lạ kỳ. Người đàn ông có nước da nâu sẫm ôn tồn kể, cách đây 40 năm, nghe Thảo cầm viên tuyển người, vì mê thú quá mà ông xin vào làm chứ không biết trước công việc này khổ sở, nguy hiểm thế nào. Ông vào là bén duyên với các loài động vật bò sát luôn đến bây giờ. Chỉ vào chuồng sấu với 26 con lớn nhỏ, ông Tám nheo mắt cười tươi, giọng rổn rảng: “Hồi đầu sợ lắm. Sợ bị cắn, bị ăn thịt nhưng mê thú quá nên cố gắng. Rồi học mấy anh chị đi trước, rồi mày mò tìm cách cũng chăm sóc tụi nó tốt đến bây giờ. Mấy con nhỏ thì ngày nào cũng cho ăn, mấy con lớn tuần hai lần thôi, ăn bữa sáng. Đã gần gũi là thương, nhìn tụi nó ăn cũng thương. Mỗi con một tính, nhìn vậy thôi chứ cũng đủ cung bậc cảm xúc. Làm nghề này phải tỉ mỉ, cẩn thận từng chút mới lâu bền được”.
Cho cá sấu ăn xong, lia mắt một vòng hồ từ chiếc cầu bê-tông phía trên, ông Tám thở dài khi nhìn lác đác khách tới lui trong sở thú. Ông nói mấy nay lòng nặng trĩu vì sợ dịch bùng phát khách lại vắng, thú và người sẽ buồn. Thời hoàng kim, Thảo cầm viên lúc nào cũng chật nêm khách, lúc đó làm cực mà thấy rất vui. Sau này, công viên giải trí ngày càng nhiều, khách vơi dần nhưng cuối tuần, lễ, Tết vẫn rất đông, coi như phần nào an ủi, vỗ về những người chọn sở thú làm nhà như ông. Vậy mà khi dịch Covid-19 bùng phát đợt một, Thảo cầm viên Sài Gòn đóng cửa hai tháng, thi thoảng mới có vài người ghé thăm thú, ông cùng bầy sấu nhìn nhau, âu sầu. “Thời gian đóng cửa, chúng tôi vẫn chăm sóc kỹ từng con thú, bảo đảm khẩu phần ăn. Sau đó dịch tạm lắng, Thảo cầm viên mở cửa, khách lại về rất đông, vui lắm. Nhưng giờ tình hình lại vậy, thấy lo. Mong sao dịch mau qua để chúng tôi được phục vụ mọi người tốt nhất. Có nhiều người tới tham quan là vui lắm”, ông Tám trải lòng.
Đàn thú đa ngôn ngữ
Cầm ổ bánh mì không trên tay, ông Thân Văn Nê, cán bộ kỹ thuật phụ trách chế biến thức ăn động vật của Thảo cầm viên Sài Gòn xé mấy miếng nhỏ ném vào chuồng linh cẩu, miệng gọi “Ky! Ky!”. Chỉ vài giây sau, hai chú linh cẩu hớn hở chạy lại phía ông, mắt tươi vui nhìn người quen qua lớp lưới. Xong thủ tục chào hỏi với hai người bạn nhỏ, ông quay sang nhìn tôi, phân trần: “Tụi nó ăn thịt sống chứ không phải ăn bánh mì hoài đâu nha. Bánh mì này là quà tặng thêm cho những lần gặp mặt như vậy nè. Thú cũng như trẻ con vậy, mình gọi tới mà không tặng quà là coi chừng bị giận, nghỉ chơi đó. Hồi trước tôi có nuôi con đà điểu từ lúc mới nở, nặng có ký lô. Mỗi ngày thả chạy dạo quanh hồ sen, cứ tôi huýt sáo là nó chạy lại, cưng lắm. Nhưng rồi sau nó lớn hơn 30 ký, phải đưa ra chuồng to sống cùng các con khác. Lâu ngày không gặp, nó quên tôi luôn. Lúc đó tôi buồn lắm. Ở với thú lâu nảy sinh tình cảm, nên gần được con nào cứ thương”.
Chuồng linh cẩu này sát nhà chế biến thực phẩm động vật, nơi ông Nê cùng nhiều đồng nghiệp tất bật từ hơn 6 giờ sáng mỗi ngày suốt mấy chục năm nay. Mỗi ngày, các công nhân nơi đây sơ chế hơn 80 chủng loại rau củ, thịt cá, rắn dế với trọng lượng khoảng 5 tấn thành bữa ngon cho hơn 1.300 loài thú. Tay cầm tờ phân công, ông Nê dặn kỹ người này lấy thêm cá chép cho hồng hạc ăn, người kia chuẩn bị 50 con dế và thịt trâu, nói chuyện cùng nhân viên mới về cách cắt củ quả sao cho đúng sở thích của từng loài thú. Vậy là hết ngày.
Cũng như ông Nê, một ngày làm việc trở nên rất ngắn khi ông Hải cùng bốn đồng nghiệp khác luôn bận rộn với việc chăm sóc mấy con voi trong khuôn viên rộng mênh mông. Cho ăn uống, vệ sinh xong, ông Hải cho voi vận động bằng các bài tập nhẹ nhàng. Mà lạ lắm, với mỗi con voi dùng một ngôn ngữ riêng, khi tiếng Việt, lúc tiếng Campuchia, lắm khi thi thoảng lại tiếng Đức. “Như con Tom nè, hồi ở Đắk Lắk người ta gọi là Y Tom, về đây chúng tôi gọi thành Tom cho dễ nhớ, nghe cũng hay hay. Tom thì nghe tiếng Việt được nhưng Chuông, con voi lớn nhất năm nay hơn 60 tuổi lại chỉ làm theo khi nghe mấy từ tiếng Campuchia. Có vài con lúc trước được đoàn xiếc tại Đức tập huấn nên mình học theo người ta nói tiếng Đức luôn. Tính ra lời ha, vừa được ngắm voi vừa biết thêm tiếng nước này, nước kia. Được gần gũi, vỗ về tụi nhỏ mỗi ngày thấy thân thương lắm”, ông Hải cười tít mắt, mặc kệ những vết chân chim xếp đầy khuôn mặt đen nhẻm.
Cực nhất là lúc voi bệnh, nằm ì một chỗ, rên rỉ suốt ngày. Vì với những động vật kích thước quá lớn, việc chăm nom, chích thuốc, tiếp nước khá chật vật. Ông Hải kể, hồi Chanh, chú voi hơn 30 năm tuổi ốm yếu nhất chuồng bị bệnh, mỗi ngày phải truyền bốn, năm chai nước biển, rồi thuốc bổ, thuốc chữa bệnh. Ròng rã mấy tháng trời, ngày nào cũng cầm thanh gỗ dài đứng trên cao truyền nước biển cho Chanh, ông chỉ mong con vật nhỏ sớm vượt qua bệnh tật, tận hưởng niềm vui mỗi ngày nơi sở thú. Rồi Chanh khỏe, bắt đầu ăn uống trở lại, ông Hải mừng rơn, ngày nào cũng dùng đôi tay thô ráp xoa nhẹ, vỗ đều mấy cái chân to đùng, kể đủ thứ chuyện vui.
Không chỉ tỉ mẩn chăm sóc thú mỗi ngày, trong tháng 8, 270 cán bộ, công nhân viên tại Thảo cầm viên Sài Gòn còn đồng lòng trích 30% lương để giảm áp lực chi tiêu cho đơn vị trong mùa dịch cũng như tăng thêm nguồn thực phẩm cho động vật nơi đây. Lúc tính toán nguồn lực chỉ có thể cầm cự được khoảng một tháng do tác động từ dịch Covid-19, ông Phạm Văn Tân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn đã có buổi làm việc với toàn thể nhân viên để chia sẻ tình hình. Ông xúc động khi nhận được sự đồng ý sẻ chia từ mọi người. Chưa hết, chỉ sau 48 giờ đồng hồ đăng tải thông tin “cầu cứu” trên mạng xã hội, bên cạnh những tin nhắn, lời động viên trong cộng đồng, Thảo cầm viên Sài Gòn còn nhận về hơn 2,5 tỷ đồng hỗ trợ cùng lượng lớn thực phẩm, rau củ từ người yêu động vật, môi trường. “Chúng tôi vô cùng cảm kích và quyết định ngưng chương trình vận động hỗ trợ sau hai ngày vì số tiền đó đã đủ giúp chúng tôi chi tiêu trong hai tháng. Trong lúc khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh như thế này chắc chắn sẽ có nhiều nơi cần được giúp đỡ hơn nữa. Chúng tôi sẽ có nhiều giải pháp nhằm duy trì hoạt động và chăm sóc thú thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của mọi người. Mong rằng sẽ có nhiều người ghé thăm Thảo cầm viên để chúng tôi được phục vụ mọi người thật tốt”, ông Tân cho hay.