Khiếm khuyết nghiêm trọng tới mức nào?

|

Mặc dù Thứ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Công đã khẳng định: “Những sai sót thuộc dự án (DA) đường ô-tô Tân Vũ - Lạch Huyện (Hải Phòng) không nghiêm trọng, không ảnh hưởng chất lượng kết cấu của công trình”. Tuy nhiên, trước nhiều khiếm khuyết, không ít chuyên gia bày tỏ lo ngại cho “cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam” này.

Dầm vênh lệch, rạn nứt…

Hội đồng nghiệm thu Nhà nước (HĐNTNN) các công trình xây dựng vừa chỉ ra 11 khiếm khuyết của DA đường ô-tô Tân Vũ-Lạch Huyện (Hải Phòng), trong đó có những lỗi đáng chú ý như: đường dẫn cầu sông Cấm vẫn tiếp tục lún, một dầm T sai thiết kế bị vênh 5 cm so các dầm còn lại, mặt đường xuất hiện các vệt lu lốp, thi công mối dọc chưa tốt, xuất hiện vết rạn nứt tại một số đốt dầm trong các nhịp trụ cầu...

Sáng 14-7, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Văn Công đã làm việc với Ban Quản lý dự án (QLDA) 2, chủ đầu tư DA, tư vấn thiết kế (TVTK), tư vấn giám sát (TVGS) và nhà thầu (NT) thi công về từng nội dung trong số 11 kiến nghị của HĐNTNN các công trình xây dựng.

Theo ông Nguyễn Văn Công, có sáu kiến nghị mang tính chất khuyến cáo đã được Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị liên quan theo dõi, quan trắc, đánh giá, xử lý kịp thời nếu có bất cứ lỗi kỹ thuật nào xảy ra. Còn năm khiếm khuyết về kỹ thuật thì có ba khiếm khuyết liên quan cầu chính vượt biển và hai lỗi khiếm khuyết liên quan cầu sông Cấm dài 74 m nằm ở trên đường dẫn ra cầu chính. Năm lỗi kỹ thuật này ở bên ngoài có thể quan sát rất dễ bằng mắt thường và khẳng định rằng những khiếm khuyết này không nghiêm trọng, không ảnh hưởng chất lượng kết cấu công trình. Đến nay, NT đã xử lý được một số khiếm khuyết, còn một số khiếm khuyết đang tiếp tục được xử lý. Bộ GTVT đã yêu cầu NT hoàn thành toàn bộ việc sửa chữa trước thời điểm nghiệm thu lần cuối cây cầu vào cuối tháng 8-2017.

Giám đốc Ban QLDA 2 Phạm Hồng Sơn cho hay, đối với những hạng mục tồn tại, sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm của NT, TVGS và các đơn vị liên quan. Trước mắt sẽ dừng thanh toán các khoản chi phí đối với TVGS và các NT thi công ở hạng mục xảy ra lỗi, chưa kể phần tiền giữ lại để bảo đảm cho bảo hành công trình (5% tổng giá trị của mỗi gói thầu). Công trình chỉ đưa vào khai thác khi các hạng mục được nghiệm thu đầy đủ, bảo đảm yêu cầu theo quy định. Về phương án khắc phục, với 15/1.330 đốt dầm SBS có hiện tượng thấm và đọng nước NT đã tiến hành bơm keo Epoxy đông cứng chậm để làm kín, đồng thời vệ sinh thoát nước trong lòng dầm hộp để hoàn thành toàn bộ công tác sửa chữa trước ngày 20-7. Liên quan chất lượng thi công lớp bê-tông nhựa (BTN) C12,5 trên mặt cầu (cầu Đình Vũ - Cát Hải), tại những vị trí có độ gồ ghề lớn và không khắc phục được sẽ tiến hành cào bóc và thảm lại lớp BTN mặt cầu. Tại vị trí không bảo đảm kỹ thuật (Km10+850-Km10+920, trái tuyến), móng đường cấp phối đá dăm có biểu hiện phân tầng, bề mặt rời rạc, TVGS đã lập biên bản yêu cầu NT bóc bỏ và thay thế...

Có ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình?

Một trong lỗi nặng nhất được đề cập là một dầm T của cầu vượt sông Cấm không bảo đảm kích thước, vượt cao độ 5 cm với các dầm khác (đã hoàn thành lắp đặt). Đại diện Ban QLDA 2 cho biết, sẽ sử dụng vữa Sika grout 214-11 để bù vênh. Vị trí chênh cao độ sau khi đã kiểm toán đánh giá bảo đảm yêu cầu tải trọng. Đồng thời, tiến hành thi công thử với chiều dài 3 m theo phương dọc cầu để bảo đảm thoát nước, tạo nhám bề mặt vữa, khi đạt yêu cầu tiến hành thi công đại trà, bù vênh cho phiến dầm nêu trên và thảm lớp BTN mặt cầu theo thiết kế.

Tuy nhiên, theo PGS, TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng): Lỗi này khó xử lý vì còn liên quan đến cả bản dầm, tất nhiên có thể có những dầm khác nhau nằm trên cả khẩu độ cầu, cái này phải do người thiết kế bình luận. Phương án sửa chữa, cũng cần được TVTK thông qua rồi mới thực hiện. Về nguyên tắc, NT thi công phải tuân thủ theo đúng thiết kế. Nếu trong quá trình thi công, NT khó làm được đúng thiết kế thì phải có đề xuất để TVTK có giải pháp thay thế. Còn làm sai thiết kế là có lỗi rồi. Vấn đề này TVGS phải phát hiện từ đầu chứ sao để đến khi hoàn thành mới phát hiện ra sai sót như thế?

PGS Chủng đề xuất: Vấn đề hiện nay cần phân loại lỗi nào ảnh hưởng khả năng chịu lực, lỗi nào ảnh hưởng khả năng làm việc lâu dài trong môi trường xâm thực biển để có giải pháp khắc phục và quy trách nhiệm. Trong Luật Xây dựng, chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện DA, trong lỗi cụ thể là lỗi trực tiếp NT thi công, TVGS thi công. Những lỗi trên bề mặt đường có thể làm lại được nhưng những gì đã gắn trong công trình cầu thì không dễ khắc phục. Thí dụ như một số vết nứt ở các đốt dầm trong các nhịp cầu từ trụ P27- P29 do HĐNTNN các công trình xây dựng chỉ ra cần tiếp tục quan trắc vì có thể là biểu hiện khả năng biến dạng nứt lớn.

Các ý kiến chuyên môn cũng cho rằng, sai sót dẫn đến dầm T của cầu sông Cấm bị vênh là không thể khắc phục triệt để. Giải pháp bù vênh cũng là “cực chẳng đã”. Nên thuê một tổ chức tư vấn kiểm định độc lập tìm nguyên nhân, trên cơ sở đó, mới biết lỗi nào khắc phục được, lỗi nào không. Sau khi đưa vào sử dụng cũng cần chú ý đến công tác bảo trì và có thể tính đến lắp đặt hệ thống quan trắc suốt toàn bộ cây cầu này. Bên cạnh đó, có thể yêu cầu kéo dài thời hạn bảo hành với NT thi công DA.