Thành tâm chứ đừng lạm dụng vàng mã

|

Những ngày tháng 7 âm lịch, ở nhiều nơi đang diễn ra các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng như lễ chùa, thờ cúng, phóng sinh… Do tâm lý phổ biến trong nhiều người dân là “trần sao âm vậy”, nên nhiều gia đình thường mua đồ mã để cúng, đốt. Thói quen này đã có dấu hiệu được hạn chế tại các điểm thờ tự hay khu dân cư.

Những chuyển biến tích cực

Tại chùa Thánh Chúa trong khuôn viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội, không khí khá yên bình, thanh tĩnh. Những người dân khi tới đây rất nhẹ nhõm, họ không phải mang theo quá nhiều lễ vật hay các đồ vàng mã cồng kềnh. Ngôi chùa được giữ sạch sẽ, trong lành, điều này khác hẳn những năm trước đây. Khi được hỏi về sự thay đổi này, những người tới lễ chùa cho biết, nhà chùa đã “quán triệt” việc không mang vàng mã đến chùa nữa, mà phật tử, khách lễ chùa chỉ mang một chút hoa quả và hương, đi lễ chùa thành tâm là chính.

Còn tại chùa Phùng Khoang nằm ngay sát cổng làng Phùng Khoang (thuộc phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) thì việc phật tử đến chùa hỏi mua vàng mã để sử dụng vào nghi lễ đều không được khuyến khích. Các sư thầy ở chùa trực tiếp đưa ra những lời khuyên bà con: Chỉ cần thành tâm thì một nén hương thôi cũng đã hơn việc bỏ ra hàng trăm nghìn, hàng triệu đồng để mua, đốt vàng mã.

Câu chuyện đốt vàng mã tồn tại lâu nay cùng những nguy cơ khó lòng giải quyết triệt để, có lẽ rất ít những người trong xã hội hôm nay không biết đến. Bác Bùi Thị Thư, người dân làng Phùng Khoang tâm sự: “Việc mua, đốt vàng mã thì cũng do quan điểm riêng của mỗi người. Như tôi cách đây một, hai năm, khi đi chùa vẫn thường xuyên sắm sửa chu đáo những thứ tiền giấy, vàng mã để thể hiện sự chân thành của mình đối với các đấng linh thiêng. Thế nhưng, gần đây có nghe đến mối nguy hại của việc đốt vàng mã gây ra nên tôi đã dần từ bỏ thói quen ấy. Bây giờ, mỗi khi đi lễ chùa, chỉ cần thành kính dâng hương, thể hiện tấm lòng chân thành của mình, như vậy có lẽ là đã đủ”.

Chia sẻ chung quanh những quan niệm về tâm linh liên quan đồ vàng mã trong đời sống hiện nay, chị Nguyễn Thị Duyên ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc có nhiều suy nghĩ tích cực. Chị và gia đình là những người có niềm tin tâm linh, thế nhưng chị không tán thành việc đốt vàng mã trong chùa: “Theo tôi, khi đến chùa mà mình thành tâm thì mình có thể không làm gì cũng được, mọi người có thể thắp nén hương hay công đức, tùy tâm mỗi người, còn việc đốt vàng mã thì rất là lãng phí mà cũng không mang lợi ích gì cho mình”. Còn chị Đỗ Phương Thảo, giảng viên khoa Sử Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) thì từ lâu đã không băn khoăn về vàng mã nữa, chị cho biết: “Gia đình tôi, cả tôi và chồng đều nhìn nhận vấn đề thờ phụng khá thoáng. Việc thắp hương ngày rằm, mồng 1, gia đình tôi cũng cắt giảm, chỉ đến những ngày Tết thì có làm mâm cơm đón Giao thừa”.

Tìm hiểu ở chùa Phúc Lâm (Yên Thái, Tiền Yên, Hoài Đức, Hà Nội) về việc nơi này có còn đốt vàng mã nữa không, bà Nguyễn Thị Xuân, một người dân địa phương cho biết: “Bây giờ thời đại nào mà lấy tiền thật để mua đồ giả về đốt nữa hả con. Trước ở chùa mấy ngày Tết, dân ra cúng dâng sao giải hạn nhiều thì cũng đốt nhiều vàng mã đấy! Cái đỉnh ở giữa sân to lắm mà còn đốt đầy cả luôn. Sau sư thầy quán triệt tư tưởng của bên Hội Phật giáo thì có vận động người dân không mang vàng mã lên cúng rồi đốt nữa. Giờ con muốn vào chùa lễ bái thì chỉ cần mang hương đi thôi. Vì thế mà giờ các vãi cũng nhàn hơn, sau mỗi lần làm lễ thì đỡ phải dọn dẹp nhiều, dân cũng đỡ tiền mua nữa”.

Cùng chung tiếng nói

Những năm gần đây, với sự tuyên truyền, vận động tại nhiều cơ sở thờ tự, việc mua và đốt vàng mã tại chùa đã giảm đi trông thấy. Điển hình như chùa Quán Sứ, nơi đặt trụ sở của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phố Quán Sứ, Hà Nội, trong khuôn viên chùa luôn có lời nhắc mọi người đến chùa không mang nhiều tiền giấy, vàng mã. Hay như chùa Hương Viên nằm tại quận Hai Bà Trưng, việc mang nhiều vàng mã vào chùa luôn được nhắc nhở, khuyên nên hạn chế bởi chính các vãi hay những người làm việc công ích tại chùa.

Từ năm 2015, Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc (Long Biên, Hà Nội) đẩy mạnh thực hiện chủ trương và chính sách xây dựng đời sống văn minh, nhà chùa đã tích cực tuyên truyền tới người dân cũng như những phật tử, hương khách về việc không nên đốt vàng mã. Theo Đại đức Thích Trúc Thông Tánh tại thiền viện, việc đưa cúng, đốt nhiều vàng mã là hành vi xấu, đã được nêu ra trong nhiều bài thuyết giảng. Bên cạnh đó, các sư thầy cũng chỉ ra những mặt trái của việc đốt quá nhiều vàng mã, như phạm vào điều hoang phí. Từ đó giúp mọi người nhận rõ hơn về những điều sai lầm khi đã lạm dụng vàng mã trong các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Anh Trương Tuấn Linh, 25 tuổi, ở quận Hoàng Mai, là người tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện ở thiền viện. Linh chia sẻ một trong những việc công ích là đi tuyên truyền đến người dân về việc đốt vàng mã là việc làm không đúng đắn qua cách phát các tờ rơi có những điều khuyên răn sống tốt, làm điều đúng đắn trong dịp lễ Vu Lan.

Với sự nỗ lực của một số ngôi chùa và các “cộng tác viên”, đã có nhiều khu dân cư được phổ biến khá kỹ về vấn đề này, đặc biệt nhất là những chung cư. Chị Trần Khánh Linh, 23 tuổi, cư dân chung cư Tân Hoàng Minh , Hoàng Cầu cho biết, hằng tháng, hay những dịp lễ, Tết mà người Việt thường có thói quen đốt vàng mã, ban lãnh đạo chung cư cũng đến vận động các nhà, cũng như dán những khuyến cáo về nguy cơ ô nhiễm môi trường, hiểm họa cháy nổ do việc đốt vàng mã thái quá, bừa bãi. Chị cùng gia đình đã tiếp nhận và nhận ra rằng, tri ân gia tiên, tưởng nhớ người đã khuất không phải là cứ bỏ cả cục tiền mua những thứ đồ giả mang đi đốt.

Vẫn còn tồn tại phức tạp

Tất nhiên, nơi nào tích cực vận động, giảng giải, nhắc nhở, thì tình hình có phần gia giảm, hạn chế. Nhưng vẫn còn những địa chỉ thờ tự thiếu để ý hoặc không lưu tâm kiểm soát việc lễ và đốt vàng mã. Như ở gần chùa Hương Viên, có ngôi chùa nằm sâu trong quần thể dân cư tên gọi là chùa Bún, hay tại chùa Kim Sơn, nằm trong khuôn viên Lạc Hồng Viên tại Hòa Bình, người dân vẫn mang vàng mã vào lễ và đốt khá nhiều, đặc biệt vào dịp rằm tháng 7 âm lịch này. Nhiều ngôi chùa có phối thờ Mẫu, Đức Thánh Trần, cũng diễn ra thường xuyên việc “tiến mã” cầu tài lộc, bình an, lễ cấp mã cho vong, lễ siêu độ vong linh, lễ tiếp linh... thu hút nhiều người dân gần xa và sử dụng lượng lớn vàng mã các loại. Chị Phạm Thị Hằng, 36 tuổi, có kiot bán vàng mã tại Trung tâm thương mại Chợ Mơ, gia đình chị có truyền thống bán vàng mã, cho biết, mấy năm gần đây lượng hàng bán ra vẫn không giảm nên công việc làm ăn của chị vẫn tốt. Việc đưa vàng mã vào chùa đã ít hơn, nhưng vàng mã đưa đến các đền, phủ và các tư gia lại tăng mạnh. Có những lúc đỉnh điểm, lượng khách đặt quá tải, nếu không đặt trước một tuần thì cửa hàng chị sẽ không kịp cung cấp.

Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Tâm, ở Yên Thái (Tiền Yên, Hoài Đức, Hà Nội), việc hạn chế, ít đốt vàng mã chủ yếu “thành công” ở chùa và những gia đình có tư tưởng tiến bộ hơn, còn lại tình trạng chung thì ở nhiều nơi vẫn sử dụng nhiều vàng mã, có hộ còn đốt nhiều hơn trước. Như có nhà làm nghề thầy cúng ở làng, nhiều lần làm lễ là phải huy động xe ô-tô tải cỡ nhỏ chở vàng mã về làng, đốt nóng rực cả một góc đường. Hay người thân của bà ở xã bên (xã Đắc Sở, Hoài Đức) trong lần tổ chức giỗ các cụ, đã đốt hết hơn chục bộ quần áo giấy, ngựa, xe, vài chục cọc tiền vàng,… tổng số tiền mua lên tới hơn ba triệu đồng. Mà đấy mới chỉ là một lễ giỗ thông thường.

Mặc dù thực trạng đốt vàng mã có những chuyển biến tích cực ở một số nơi, tại nhiều ngôi chùa, hay trong suy nghĩ của người dân. Nhưng thói quen và sự lạm dụng cũng không dễ thay đổi. Để hạn chế thực trạng này tốt hơn, cần sự vào cuộc liên tục, tích cực hơn nữa của các cấp chính quyền địa phương, kết hợp các địa chỉ thờ tự, các nhà tu hành để nâng cao ý thức của người dân về mối nguy hại của việc lạm dụng vàng mã.

Bà Thư còn kể, vừa sáng mồng 1 tháng 7 âm lịch vừa qua, con gái của chị gái bà đốt vàng mã tại nhà và đã suýt gây ra hỏa hoạn… Sự việc “hú hồn hú vía” này cũng chính là một lời cảnh báo đầy thực tế trước hết là đối với mỗi thành viên trong gia đình.