Hết thời bán bảo hiểm kèm khoản vay

|

Sau các biện pháp của Bộ Tài chính, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa chính thức có hiệu lực. Theo đó, việc các ngân hàng bán bảo hiểm “bắt buộc” kèm khoản vay đã bị cấm triệt để.

Nếu như Thông tư 67 của Bộ Tài chính về hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong đó cấm các ngân hàng bán bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay cho khách hàng, thì Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa có hiệu lực ngày 1/7 đã nghiêm cấm hoạt động này đối với các ngân hàng.

Chính sách chấn chỉnh quyết liệt

Trước khi Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chính thức có hiệu lực, hồi tháng 3/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã xây dựng dự thảo quy định, không cho phép ngân hàng thương mại bán bảo hiểm liên kết đầu tư vì dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng với các sản phẩm huy động vốn, ủy thác đầu tư.

Những quy định này được đưa ra trong bối cảnh vài năm trở lại đây, tình trạng các ngân hàng, nhân viên ngân hàng “ép” khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ kèm các khoản vay ngày càng nhiều. Nhiều người dân có nhu cầu vay vốn ngân hàng cho biết, trên hình thức là nhân viên ngân hàng chào mời, tư vấn nhưng thực tế lại ngầm hiểu là “phải mua bảo hiểm mới được giải ngân”.

Do đó, với việc luật hóa quy định cấm ngân hàng, người quản lý, người điều hành, nhân viên ngân hàng gắn việc bán bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng được kỳ vọng có thể khắc phục hiệu quả tình trạng bán “bia kèm lạc” gây nhức nhối trong thời gian qua.

Luật mới cũng quy định, Thống đốc NHNN sẽ được quyết định phạm vi hoạt động về đại lý bảo hiểm của ngân hàng để phù hợp với tính chất và hoạt động ngành ngân hàng. Tức là các ngân hàng, công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân vẫn được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật kinh doanh bảo hiểm và phù hợp với phạm vi hoạt động theo quy định của Thống đốc NHNN.

Trước đó, NHNN và Bộ Tài chính cũng có những động thái mạnh mẽ như lập đường dây nóng để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của tổ chức tín dụng (trong giờ hành chính). Đồng thời ban hành những quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, theo hướng cụ thể hóa các hành vi vi phạm và tăng cường biện pháp xử phạt.

Nhiều năm qua, hoạt động bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) trở thành mảnh đất màu mỡ, mang về doanh thu hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm. Thường mức chiết khấu trong năm đầu tiên của hợp đồng bảo hiểm rất cao, tới 25%, thậm chí 40% tùy theo công ty bảo hiểm chi trả.

Trong giai đoạn 2018-2022, thu nhập từ việc làm đại lý bảo hiểm nhân thọ đã giúp không ít ngân hàng thương mại lãi lớn. Do vậy, bán bảo hiểm cũng là một trong những chỉ tiêu kinh doanh mà các nhân viên ngân hàng phải hoàn thành với tỷ lệ lũy tiến, năm sau cao hơn năm trước.

Áp lực này được trao lại cho khách hàng khi họ buộc phải chấp nhận mua bảo hiểm như một khoản phụ phí để được vay vốn của ngân hàng. Điều này làm méo mó niềm tin của khách hàng đối với ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm.

Sẽ không còn bán “bia kèm lạc”

Thực tế, theo phản ánh của nhiều khách hàng, dù bị “siết” hoạt động với Thông tư 67 của Bộ Tài chính nhưng các ngân hàng vẫn có cách “ép” khách mua bảo hiểm kèm khoản vay. Hình thức mà các ngân hàng đưa ra là “nếu mua bảo hiểm sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãi”, nếu không có bảo hiểm lãi suất sẽ cao hơn 1-2%.

Theo chị Vân Vũ (quận Long Biên Hà Nội), gia đình chị vừa vay khoản tiền 1 tỷ đồng tại ngân hàng để mua nhà, và vẫn phải “đính kèm” một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho con. Chị Vân cho biết, nhân viên tín dụng nơi chị vay tiền nói rằng, khi mua hợp đồng bảo hiểm, bên cạnh việc được “cộng điểm tín dụng” trong việc phê duyệt, sau này nếu muốn giảm lãi suất thì chị cũng có thêm điều kiện để ngân hàng xét duyệt, nếu không sẽ không xin được.

Tương tự, anh Thành Nam (TP Phủ Lý, Hà Nam) cho biết, vừa hoàn thiện hồ sơ vay mua xe với ngân hàng T, nhân viên tín dụng ở đây cũng chào mời “mua ủng hộ” ngân hàng gói bảo hiểm nhân thọ trị giá 20 triệu đồng/năm, kèm theo đó anh sẽ được tặng bảo hiểm khoản vay 2 năm, ân hạn nợ gốc trong 3 năm.

Lý giải nguyên nhân vì sao đã có quy định không được “ép” khách mua bảo hiểm kèm khoản vay mà nhân viên ngân hàng vẫn “lách được qua khe cửa hẹp”, nhiều khách hàng cho biết, nếu như trước đây, họ sẽ nói thẳng muốn được giải ngân nhanh thì mua bảo hiểm, thì bây giờ họ đưa ra những lý do mềm mỏng, sau đó yêu cầu ký cam kết tự nguyện, hoặc yêu cầu người vay tiền nhờ đứng tên hồ sơ bảo hiểm.

Trước tình trạng này, trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, một số đại biểu đã có kiến nghị với NHNN cần có biện pháp hiệu quả chấn chỉnh, chấm dứt tình trạng người vay tiền phải mua bảo hiểm nhân thọ kèm khoản vay. Các đại biểu Quốc hội đặt ra câu hỏi, vì sao khách hàng phải mua bảo hiểm khi vay vốn?

Trên thực tế, chỉ khách hàng vay tín chấp mới phải mua bảo hiểm nhưng là bảo hiểm khoản vay, còn khách hàng vay thế chấp đã có tài sản bảo đảm thì không phải mua bảo hiểm. Khi tài sản bảo đảm, lịch sử tín dụng, phương án trả nợ của người vay đạt tiêu chuẩn thì tại sao phải cần thêm một hợp đồng bảo hiểm để được “cộng điểm tín dụng”?

Theo ông Trần Nguyên Đán, thành viên Hội Luật gia Việt Nam, mấu chốt của vấn đề là nhân viên ngân hàng có tư vấn đúng và đủ cho khách hàng hay không. Ngoài ra, khâu kiểm tra, quản lý và giám sát từ các cơ quan quản lý trực tiếp hoạt động này cũng đã thật sự sát sao hay chưa.

Giải đáp những vấn đề này, NHNN cho biết, thời gian qua, bên cạnh việc yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc, chấp hành các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản có liên quan, cơ quan này còn yêu cầu các ngân hàng thương mại phải cung cấp thông tin về sản phẩm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm và giải thích rõ ràng, đầy đủ về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm, không được tự ý kê khai khi chưa có sự đồng ý của khách hàng.

Đồng thời, tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động đại lý bảo hiểm, đặc biệt là hành vi tư vấn, gắn việc mua sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Bên cạnh đó, NHNN cũng yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, giám sát đối với hoạt động đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng có trụ sở trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm…