Mượn kịch kể chuyện thiên nhiên

|

Nhằm giúp các em nhỏ thêm yêu quý động vật hoang dã, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) đã mang chương trình nghệ thuật có tên “Voọc ơi, khỉ ơi” đến với hơn 1.200 em nhỏ trên địa bàn quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) để mọi người hiểu, yêu hơn về “báu vật” mà bán đảo Sơn Trà đang sở hữu.

Hóa thân thành voọc, khỉ

“Vũ điệu voọc”, một điệu dân vũ mô phỏng hoạt động trong đời sống của loài voọc chà vá chân nâu kéo dài 3 phút đã mở màn cho chương trình nghệ thuật. Bài hát sôi động, điệu nhảy vui nhộn khiến ai nấy tham dự đều thích thú. Tiếp theo là 4 tiểu phẩm kịch “Voọc ơi, khỉ ơi” do chính các em nhỏ Trung tâm mồ côi Hoa Mai, các tình nguyện viên và sinh viên Đà Nẵng trình diễn dưới tài chỉ huy của đạo diễn Tony Lê Nguyễn.

Trong đó, tiểu phẩm “Vẻ đẹp Sơn Trà” là câu chuyện 2 anh em voọc khám phá vẻ đẹp và giá trị của bán đảo Sơn Trà; “Gia đình Voọc” là lời kể về thói quen và tương tác hằng ngày của voọc; “Khám phá Sơn Trà” là cuộc phiêu lưu của 2 anh em voọc tìm hiểu những điều kỳ thú của núi non; còn “Người hùng Sơn Trà” là câu chuyện diễn ra tại chùa Linh Ứng có nội dung tương tác, giao lưu với du khách.

Chưa diễn kịch lần nào nhưng Nguyễn Thị Huyền Trân (12 tuổi) đã được chọn lựa vào vai voọc em trong tiểu phẩm. Để hoàn thiện được “vai diễn” của mình, Huyền Trân cùng các bạn ở Trung tâm mồ côi Hoa Mai đã tập luyện trong suốt 2 tháng. Trong quãng thời gian đó, Trân đã được tham quan, tìm hiểu bán đảo Sơn Trà, theo dõi những loài linh trưởng để hiểu và hóa thân thành nhân vật. “Lần đầu biểu diễn cho các bạn xem, em hồi hộp lắm, sợ rằng lên sân khấu sẽ quên hết, nhưng may có các anh chị giúp đỡ. Em rất thích khi được cùng thầy và các anh chị làm kịch nghệ và em cũng hiểu hơn ý nghĩa về những câu chuyện mà mình truyền đạt đến cho các bạn”, Huyền Trân chia sẻ.

Với sự kết hợp nghệ thuật kịch, âm nhạc, kể chuyện và đố vui, chương trình đã giúp nhiều người tiếp cận kiến thức thông qua câu chuyện sinh động, lý thú về thiên nhiên Sơn Trà, loài khỉ vàng và loài voọc chà vá chân nâu quý hiếm. Bốn đêm diễn đã được tổ chức tại Nhà Văn hóa quận Sơn Trà và ba phường Thọ Quang, Mân Thái, An Hải Bắc. Hoạt động này vừa tạo sân chơi, không gian cảm nhận nghệ thuật cho các em học sinh, đồng thời nâng cao hiểu biết về giá trị hệ sinh thái, loài voọc chà vá chân nâu, qua đó giúp mọi người thêm hiểu, thêm yêu, thêm tự hào và chung tay bảo vệ "kho báu" thiên nhiên nơi mình đang sống.

Kịch hóa mọi thông điệp

Đạo diễn Tony Lê Nguyễn về Việt Nam làm tình nguyện viên cho chương trình giáo dục thiên nhiên cùng GreenViet đã 3 năm nay. Nhiều năm trước, khi về giảng dạy tại Việt Nam, anh từng ấp ủ dự định giúp các đơn vị xây dựng những chương trình giáo dục bằng kịch nghệ để lan tỏa những thông điệp về bảo vệ môi trường và động vật hoang dã. "Năm 2021, một tổ chức tình nguyện quốc tế ở Australia đã liên lạc hỏi có muốn về Việt Nam giúp GreenViet xây dựng một chương trình giáo dục mới hay không, tôi liền đồng ý ngay, bởi lúc đó mình đang ở Việt Nam rồi”, Tony Lê Nguyễn kể lại.

Tony Lê Nguyễn và GreenViet cùng nhau xây dựng chương trình từ cuối năm 2021. Ban đầu, chương trình chỉ dành cho sinh viên Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng, chú trọng về kỹ năng sư phạm, giúp các giáo viên tương lai được đào tạo bài bản để xây dựng kịch nghệ.

Dự án lần này với Tony Lê Nguyễn đặc biệt hơn, bởi lần đầu tiên anh đào tạo kịch nghệ cho học sinh, trẻ mồ côi nên phương pháp giảng dạy và cách truyền tải thông điệp đến những em nhỏ cũng khác hơn.

Từ những thông điệp, Tony đã xây dựng nên kịch bản, đó là vẻ đẹp của non nước Sơn Trà, những rủi ro của động vật hoang dã hay gặp phải hoặc đơn giản chỉ là sinh hoạt thường ngày của một gia đình voọc. Tất cả đều được kịch hóa lên để mọi người khi xem hiểu được thông điệp chương trình gửi gắm.

“Voọc ơi, khỉ ơi” là kịch bản cứng, tùy vào từng nơi biểu diễn để có những sự linh hoạt khác nhau, có tương tác nhiều hơn. Từ thành công bước đầu, kế hoạch năm sau của tôi là hỗ trợ GreenViet xây dựng kịch bản, chuyển giao về cho trường học và đào tạo cho giáo viên các trường để họ hiểu phương pháp, đưa kịch nghệ trở thành công cụ truyền tải thông điệp, biến nó thành một môn học hữu ích”, đạo diễn Tony Lê Nguyễn nói.