Vẫn còn lỗ hổng quản lý trong phòng, chống cháy nổ

|

Ngày 25/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự cháy nhà trọ ba tầng xảy ra tại nhà số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 phố Trung Kính (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 14 người chết để làm rõ hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, vụ việc xảy ra cho thấy, vẫn còn nhiều khoảng trống quản lý…

Tồn tại nhiều vi phạm về phòng, chống cháy nổ

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký công điện về việc tăng cường phòng cháy đối với nhà trọ trên địa bàn. Công điện yêu cầu UBND các địa phương chủ động thành lập các tổ công tác để rà soát, kiểm tra 100% cơ sở nhà trọ trên địa bàn.

Trước đó, ngay sau khi xảy ra vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân (18/9/2023), UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở, nhà ở nhiều căn hộ, nhà cho thuê trọ trên địa bàn thành phố. Tại quận Cầu Giấy, nơi vừa xảy ra vụ hỏa hoạn ngày 24/5, ông Bùi Tuấn Anh, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy khẳng định, quận đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra để rà soát các nhà trọ, chung cư trên địa bàn quận. Tuy nhiên, sau kiểm tra, trên địa bàn quận Cầu Giấy vẫn xảy ra vụ cháy nghiêm trọng. Điều này một lần nữa đặt ra yêu cầu phải rà soát tổng kiểm tra chung cư mini, nhà trọ thực chất hơn.

Theo số liệu từ Bộ Công an, qua kiểm tra 3.956 nhà chung cư trên cả nước đã phát hiện hàng nghìn chung cư vi phạm ở khắp các tỉnh, thành phố. Trong đó, có 1.087 chung cư vi phạm về thoát nạn và khoảng 2.024 chung cư vi phạm về trang bị hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Đối với loại hình nhà trọ và nhà ở nhiều căn hộ, lực lượng công an đã phát hiện quá nửa trong số gần 178.200 lượt cơ sở được kiểm tra còn tồn tại vi phạm về trật tự xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, điện lực.

Tiêu chuẩn quốc gia năm 2012 quy định, về tiêu chuẩn thiết kế nhà ở liên kế, trong các ngõ (hẻm) có chiều rộng nhỏ hơn 6 m, nhà ở liên kế không được xây cao quá 4 tầng. Tuy nhiên hầu hết chủ đầu tư đều tìm mọi cách để nâng tầng, tăng phòng nhằm tăng lợi nhuận.

Như vậy, lỗ hổng quản lý đầu tiên chính là những quy định về xây dựng và cấp phép kinh doanh nhà ở tiếp tục là vấn đề được đặt ra.

Trên thực tế, hầu hết các dãy nhà trọ thường được chủ nhà quây kín bằng những rào thép, khung sắt để chống trộm. Ngoài ra, nhà trọ thường chỉ có một lối đi chính, không có lối thoát hiểm nên khi xảy ra cháy, người thuê trọ khó có thể thoát ra ngoài. Chưa kể đến vị trí của những ngôi nhà cho thuê lại thường nằm sâu trong các con ngõ nhỏ, càng khiến cho công tác cứu hộ, cứu nạn của lực lượng chức năng khó tiếp cận xử lý hiện trường.

Thực trạng khó thoát hiểm khi có cháy không chỉ đang diễn ra ở các khu nhà trọ, chung cư mini giá rẻ mà còn hiển hiện ngay ở các khu nhà tập thể hay những ngôi nhà nằm sâu trong các con phố cổ của Hà Nội. Sự chật chội của các lối đi hẹp, mất an toàn của đường dây điện, ít lối thoát hiểm, nhiều chuồng cọp... sẽ là những cản trở lớn đối với người dân sinh sống tại những khu vực này khi có hỏa hoạn.

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhận định: “Cơ quan cấp giấy phép phải có trách nhiệm nghiên cứu phù hợp với quy hoạch chi tiết với khu vực đó; bảo đảm về mật độ xây dựng, mật độ cư trú, không làm rối loạn quy hoạch đã được phê duyệt. Đặc biệt phải bảo đảm kết cấu xây dựng, an toàn cháy nổ; phải có công tác hậu kiểm, khi công trình xây dựng xong phải đi kiểm tra có xây sai phép không, có cơi nới không”.

Lỗ hổng thứ hai là hiện nay ở Hà Nội có rất nhiều nhà ở vừa cho thuê trọ vừa kết hợp kinh doanh, kể cả kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ cháy nổ cao như trường hợp xảy ra cháy ở Trung Kính. Do đó, cần phải xem xét, đánh giá rất kỹ việc có nên cấm vừa cho thuê trọ vừa kết hợp kinh doanh này không?

Thứ ba, các vụ cháy gây thiệt hại lớn đều xảy ra vào ban đêm, thời điểm ít người biết, khó phòng tránh... nên điều quan trọng nhất phải tăng cường công tác hướng dẫn an toàn, nâng trách nhiệm của các chủ đầu tư, chủ hộ, người dân và chính các cơ quan quản lý.

Tuyên truyền phòng chống cháy nổ tại địa bàn dân cư. Ảnh: BẮC SƠN

Xem xét dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn

Liên tiếp xảy ra các vụ cháy thương tâm với loại hình nhà cho thuê trọ, nhà ở kết hợp kinh doanh, làm dấy lên sự lo lắng của người dân về vấn đề an toàn phòng cháy, chữa cháy. Đồng thời cũng đặt ra vấn đề về việc quản lý các loại hình nhà ở này. Đây cũng là vấn đề đang rất được các đại biểu Quốc hội quan tâm, đặc biệt khi kỳ họp này có nội dung xem xét để sửa đổi Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn.

Theo ông Tạ Văn Hạ, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam: “Trước hết phải xem xét lại trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cấp chính quyền địa phương trong việc rà soát, xem xét lại từ khâu quy hoạch, cấp phép cho đến khâu kiểm tra, giám sát, nhắc nhở. Xử lý những trường hợp vi phạm về công tác phòng cháy, chữa cháy đối với các loại hình nhà ở, cũng như công tác phòng cháy, chữa cháy chung. Thứ hai là trách nhiệm của chủ nhà, người sở hữu và quản lý các cơ sở đó. Cần phải thấy được trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân và nghiêm túc trong việc xem lại trách nhiệm của mình, đặc biệt là người đứng đầu”.

Về vấn đề quản lý nhà cho thuê, nhà ở sản xuất, kinh doanh, ông Hạ cũng chia sẻ: “Hiện nay, loại hình nhà ở được sử dụng đa năng thì pháp luật không cấm. Trong bối cảnh hiện nay, thực trạng các thành phố có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, lượng công nhân và người lao động rất đông. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở chính sách, nhà ở cho công nhân mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ, loại hình về nhà ở này cũng phần nào giải quyết bớt khó khăn cho người lao động. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, loại hình nhà ở này cũng phải được nghiên cứu một cách triệt để và thậm chí có những quy định cụ thể về công tác phòng cháy, chữa cháy trong thời gian tới”.

Về các giải pháp tăng cường phòng, chống cháy nổ, theo ông Hạ: “Trước hết, tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý, các cấp chính quyền. Các vụ cháy luôn tiềm ẩn, hiện hữu và có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, nhưng mỗi khi xảy ra vụ việc thì mới cho rà soát, mới kiểm tra. Vì vậy, đầu tiên là rà soát thực trạng của nhà vừa ở, vừa kinh doanh để có những phương án xử lý và khắc phục trong những trường hợp chưa bảo đảm được an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Thứ hai, các cơ quan chức năng cũng cần khẩn trương đưa ra phương án, giải pháp hiệu quả trong những tình huống không may xảy ra cháy nổ. Đặc biệt đối với những nhà ở trong ngõ nhỏ, ở xa nguồn nước.

Thứ ba là tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, của các cấp ủy chính quyền. Công tác kiểm tra giám sát phải được đặc biệt quan tâm, thường xuyên thực hiện để hướng dẫn và kiên quyết xử lý những trường hợp còn vi phạm. Và khi những tình huống cháy nổ xảy ra phải xem xét đến trách nhiệm của người đứng đầu”.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật) cho rằng, do đặc thù Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là nhà trong ngõ ngách rất nhiều nên không ít gia đình thường cho thuê nhà trọ, đặt kinh doanh, kể cả mặt hàng dễ cháy, nguy cơ cháy nổ trong đó.

Một đặc điểm quan trọng là với loại hình này khi đã cháy thường có khả năng gây thiệt hại lớn, nhất là về người. Do vậy, trước hết các cơ quan chức năng cần rà soát lại toàn bộ các nhà ở cho thuê trọ kết hợp với kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh các mặt hàng dễ xảy ra cháy nổ. Về lâu dài, khi xem xét dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tại Kỳ họp thứ 7 này cũng nên nghiên cứu để có quy định rõ ràng hơn trong quản lý loại hình này.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới ký ban hành Công điện số 52/CĐ-TTg hỏa tốc về vụ cháy nhà dân tại số 1 ngõ 43/98/31 phố Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Công điện gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra, phân loại, có ngay giải pháp về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở cho thuê trọ, dứt khoát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho người dân, nhất là ở các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn trong dịp nắng nóng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/7/2024.