“Hà Nội mùa mưa, phố cũng như sông”
Mùa mưa đã bắt đầu, người dân Thủ đô lại chứng kiến cảnh ngập lụt sau các cơn mưa lớn. Chỉ sau hai-ba giờ đồng hồ, nhiều tuyến phố trung tâm đã bị ngập sâu, tại các khu đô thị mới cũng không ngoại lệ. Cảnh người dân phải bì bõm lội nước, nhiều xe bị chết máy xuất hiện cả chục năm nay và chưa có dấu hiệu cải thiện. Anh Nguyễn Hùng Cường, cư dân trên phố Triều Khúc (phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Sau mỗi trận mưa lớn, cả phố Triều Khúc như biến thành sông, đường ngập sâu. Nhà tôi ở bên trong, mỗi khi mưa lớn nếu chưa kịp về nhà thì cứ phải đợi bên ngoài từ nửa giờ đến cả giờ đồng hồ chờ đến khi nước rút vì đã từng bị hỏng xe máy nhiều lần”.
Tại khu vực nội đô, rất nhiều tuyến phố nền đường đã được nâng lên đến hai - ba lần nhưng vẫn không tránh được nước ngập. Anh Hoàng Đức Tuấn nhà ở khu vực Đê La Thành (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) cho biết: “Nhà tôi thấp so với đường nên cứ có mưa là ngập. Cả ngõ, dân lội nước bì bõm. Đồ gỗ trong nhà rất mau hỏng vì thường xuyên bị ngâm nước…”.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, toàn thành phố hiện còn tồn tại 30 điểm úng ngập, chỉ cần lượng mưa cao hơn 50mm/giờ thì các điểm úng ngập cục bộ sẽ xuất hiện và nếu lượng mưa 100mm/giờ trở lên thì hệ thống thoát nước sẽ quá tải. Còn Công ty thoát nước Hà Nội thông tin, với những trận mưa có cường độ dưới 50mm/giờ, Hà Nội cơ bản không ngập nhưng tại một số địa bàn trũng thấp, hệ thống thoát nước ách tắc thì vẫn ngập cục bộ. Với trận mưa có cường độ 50mm/giờ đến 70mm/giờ tồn tại 11 điểm úng ngập, còn lượng mưa hơn 70mm/giờ và mưa kéo dài 1 giờ thì sẽ có thêm 19 điểm úng ngập.
Cách đây 10-15 năm, nói đến úng ngập ở Hà Nội, phải kể đến những rốn nước ở khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Nguyễn Khuyến, Nguyễn Du - Bà Triệu… nhưng nay, những điểm úng ngập cục bộ lại có dấu hiệu chuyển đến những khu đô thị mới, đặc biệt ở phía tây thành phố. Về thực trạng này, TS, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: “Việc xây dựng các khu đô thị mới chủ yếu đều nằm ngoài các khu đô thị lịch sử. Phần lớn các khu đô thị này là để thoát nước mặt của nội thành Hà Nội nhưng khi xây dựng thì tỷ lệ che phủ mặt đất rất lớn trong khi chưa kết nối với hệ thống thoát nước của cả Hà Nội và đặc biệt chưa kết nối với hệ thống thoát nước vùng nên không những tạo ra úng ngập cục bộ tại đây mà còn làm trầm trọng thêm ở khu vực nội đô”.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khách quan phải kể đến là tình trạng biến đổi khí hậu rất phức tạp, đặc biệt lượng mưa thời gian gần đây đều vượt qua lượng mưa được dự báo. Trong quy hoạch thoát nước của Hà Nội, ban đầu chỉ tính đến lượng mưa 50mm/giờ, sau đến 70mm/giờ nhưng bây giờ thường xuyên có những điểm mưa cực lớn. Thứ hai là tình trạng gia tăng dân số ở Hà Nội nói chung và nội đô nói riêng vượt quá mức chúng ta dự báo rất nhiều. Thí dụ, trong quy hoạch, dự kiến đến 2020 khoảng 7,9 triệu dân thì nay đã 8,4 triệu dân và hiện nay trong quy hoạch mới đang chuẩn bị chờ Quốc hội thông qua thì dân số còn tính tới 13-14 triệu dân…
Công nhân Công ty thoát nước Hà Nội kiểm tra hệ thống cống ngầm. Ảnh: NAM HẢI |
Năng lực giải quyết úng ngập
Trả lời chất vấn của các đại biểu về vấn đề ngập úng đô thị, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh mới đây cũng nêu ra nguyên nhân gây ngập úng hiện nay là do việc nghiên cứu, xây dựng quy hoạch chưa tính toán thật sát với tốc độ phát triển đô thị: “Trước đây quy hoạch của chúng ta chưa được làm bài bản, trong đó có quy hoạch đánh giá tác động môi trường. Quy hoạch của chúng ta chủ yếu làm về quy hoạch phát triển đô thị, các hạ tầng dịch vụ, dân cư nhưng chúng ta chưa tính thật sâu, thật sát đến định hướng lâu dài. Chúng ta phải có nghiên cứu quy hoạch, xây dựng đô thị một cách bài bản, trong đó đề nghị nâng cấp hệ thống thoát nước của các đô thị”.
Theo cơ quan chức năng, trong những năm vừa qua, Hà Nội đã đầu tư 15.000 tỷ đồng để xây dựng hệ thống thoát nước, trạm bơm, cải tạo hồ chứa nước trong các quận nội thành và khu vực phía tây. Đơn cử, các dự án thoát nước cho khu vực nội thành, với tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng. Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, Hà Đông cũng được đầu tư 7.400 tỷ đồng để chống ngập cho phía tây. Thế nhưng hiệu quả chưa rõ rệt.
Việc tiêu thoát nước trên địa bàn TP Hà Nội vốn được chia ra theo ba khu vực gồm: Lưu vực sông Tô Lịch, sông Nhuệ và Long Biên - Cầu Bây. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khu vực sông Tô Lịch cơ bản điều tiết được nước do có trạm bơm Yên Sở và Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá chuẩn bị vận hành. Còn sông Nhuệ và sông Cầu Bây chủ yếu tự thoát, không đáp ứng theo yêu cầu. Sông Cầu Bây tiếp giáp với sông Bắc Hưng Hải với nhiệm vụ tiêu thoát nước cho hệ thống Long Biên và Gia Lâm nhưng chưa đáp ứng được bởi vì khi mưa xuống, cường độ cao, hệ thống nước ở sông Cầu Bây và Bắc Hưng Hải gần như tương đương. Chính điều này làm hạn chế tiêu thoát nước cho dòng sông này.
Hệ thống sông Nhuệ và sông Cầu Bây nhiều năm được đầu tư nạo vét, làm kè, mở rộng lòng sông kết hợp với xây dựng cống, trạm bơm để giải quyết tiêu thoát nước nhưng vẫn chưa hoàn thiện 100%. Ông Đào Văn Thắng, Ban Quản lý Dự án đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Hà Nội cho biết: “Hạn chế ở đây là công tác giải phóng mặt bằng. Nguồn cho giải phóng mặt bằng đã vượt quá mức đầu tư được phê duyệt. Hiện, chúng tôi đã trình Sở Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định và báo cáo thành phố. Khi có quyết định phê duyệt của thành phố chúng tôi sẽ hoàn thiện toàn bộ dự án này”.
TS, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, việc phân vùng cho thoát nước Thủ đô Hà Nội đã được định hình từ lâu và đến nay vẫn còn hợp lý nhưng thực tế việc xử lý thoát nước đầu nguồn còn chậm. Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá hoạt động còn chậm, một số dòng sông hiện nay cũng chưa khơi thông được. Ngoài sông Hồng, còn có 6 con sông chảy qua Hà Nội liên quan đến vùng thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm phía bắc. Ba hệ thống thoát nước nằm trong quy hoạch thoát nước của Hà Nội phải đặt trong liên kết vùng của Hà Nội nữa thì chúng ta mới giải quyết được tốt. Còn không, chúng ta phải có các phương án giải quyết úng ngập cục bộ. Đây là vấn đề nhiều năm đã bàn nhưng thiếu nguồn lực.
Theo TS, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, yếu tố con người cũng đang góp phần làm trầm trọng vấn đề ngập úng ở đô thị lớn. Đó là phong cách sống của người dân, vấn đề xử lý rác thải ngày càng phức tạp. Bản thân Công ty Thoát nước Hà Nội đã từng điều tra thấy rằng, những nhà hàng, dịch vụ đã thải ra lượng dầu mỡ gấp hàng trăm, hàng nghìn lần mức cho phép. Từ vấn đề này, theo ông Nghiêm, chúng ta phải hạn chế việc cùng thoát nước thải và nước mặt và đề cao trách nhiệm của cơ quan chức năng. Đó là việc duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước thải, xử lý nghiêm vi phạm xả thải. “Theo Luật Thủ đô năm 2013 và đặc biệt Luật Thủ đô sửa đổi đã giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương rất lớn. Phải khắc phục ngay vấn đề: Việc thanh tra, xử lý vi phạm thế nào mà vẫn thường xuyên dẫn đến những hậu quả úng ngập? Chúng ta phải nhận thức rõ vấn đề này thì mới có bước đột phá”, ông Nghiêm nói.
TS Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam đề xuất: “Những trận mưa có lưu lượng 100mm/giờ thậm chí 150mm/giờ đến 200mm/giờ đã xảy ra, vượt quá năng lực của hệ thống thoát nước. Về mặt chuyên môn, tôi cho rằng, các hướng xem xét phải là lưu vực thoát nước quy mô vừa phải, từ 200-500 ha. Vì với quy mô này, lượng mưa được tính tương đối đồng nhất, quy mô rộng quá, lượng mưa cũng sẽ khác nhau, việc tính toán sẽ khó. Mỗi khu vực thoát nước, giải pháp là cải tạo lại mạng lưới, thu gom nước mưa, xây dựng thêm nếu còn thiếu và tăng mặt phủ thấm nước”.
TS, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm: “Mạng lưới thoát nước của Hà Nội chúng ta đã lập từ rất sớm, nhưng đến nay đã có những yếu tố mới tác động và sắp tới là sự thay đổi hệ thống giao thông của Hà Nội. Khi chúng ta khai thác, xử lý hệ thống giao thông mới này, chúng ta phải chú trọng đến hệ thống cốt nền để bảo đảm hạn chế úng ngập đường phố. Bên cạnh đó, việc thoát nước không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà một phần quan trọng là vai trò, trách nhiệm người dân. Hiếm có đô thị nào có khối lượng rác thải nhiều như Hà Nội. Với khối lượng lớn như vậy, chúng ta phải phân loại rác. Rõ ràng ý thức của người dân rất quan trọng, nếu không, chúng ta sẽ không thực hiện được”.