Từ lầm lỗi hướng đến tương lai
Sau khi đọc những cuốn sách, hiểu thêm về ý nghĩa của cuộc sống, nếu được trở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, phạm nhân sẽ nói những gì? “Những ngày trong trại tạm giam, bị cáo nghĩ nhiều lắm, khi các con vui cũng không có bố bên cạnh để khoe. Khi các con buồn cũng không có bố bên cạnh an ủi… Bị cáo tiếc cho chính mình, đáng lý, ở cái tuổi không còn nông nổi bồng bột nữa, ở cái tuổi mà buổi sáng thảnh thơi uống ly cà-phê, buổi chiều uống chén trà thì bị cáo đã đi ngược lại”. Đó là lời của phạm nhân Phùng Xuân Bắc, 47 tuổi, thường trú tại thị trấn Triệu Sơn (Triệu Sơn, Thanh Hóa).
Bắc nghĩ, sẽ nói như vậy, mong gửi gắm nhắn nhủ đến những người đang có cuộc sống êm đềm ngoài kia đừng bao giờ lầm lỗi để rồi hối tiếc. Trước đây, Phùng Xuân Bắc là một lái xe dịch vụ. Ngày cũng như đêm chạy xe, anh thường đón và trả khách tại các nhà nghỉ và dần bị lôi cuốn vào những tệ nạn trong nghề. Cám dỗ từ những cuộc vui chóng vánh đã khiến anh phạm sai lầm lớn: sử dụng chất cấm cùng với khách hàng và chủ nhà nghỉ. Cuối cùng, Bắc bị bắt và nhận án tù 7 năm.
Những ngày đầu trong trại giam là khoảng thời gian rất khó khăn với Bắc. Tuy nhiên, anh may mắn được cán bộ quản giáo động viên, khuyên thử tìm niềm vui qua việc đọc sách. Qua từng trang sách, Bắc dần nhận ra những cuốn đó không chỉ là liều thuốc tinh thần mà còn là một cầu nối, động lực để thay đổi.
Sau phiên tòa xét xử, anh Lê Tuấn Vinh, 39 tuổi, trú tại thị trấn Chuối (Nông Cống, Thanh Hóa), đã từng “bay lắc” nhiều năm. Vinh đã phải đối diện với những ngày tháng tạm giam trước khi vào trại giam chính thức. Ở nơi tạm giam, không có thư viện, không có điện thoại để kết nối với gia đình, điều này khiến Vinh càng buồn bã, day dứt, nhớ vợ con. Những đêm dài khó ngủ, nỗi ân hận về lỗi lầm đã qua không ngừng dằn vặt, sức khỏe suy giảm rõ rệt, cân nặng cũng tụt đi nhiều.
Nhận thấy tình trạng suy sụp tinh thần của Vinh, các cán bộ trại tạm giam đã nhẹ nhàng động viên và gợi ý Vinh thử tìm sự bình an từ việc đọc sách. Họ khuyến khích Vinh nên đọc các cuốn sách về đạo Phật, với hy vọng Vinh có thể tìm thấy những triết lý nhân văn sâu sắc, giúp tinh thần trở nên nhẹ nhàng, bớt đi những nỗi lo bất an.
Không có thư viện ở nơi tạm giam, gia đình gửi cho Vinh những cuốn sách theo đúng yêu cầu. Mỗi ngày đọc một ít trang sách, Vinh học cách tĩnh tâm, tập trung vào việc suy nghĩ tích cực. Vinh bắt đầu tìm thấy những giây phút bình yên khi suy ngẫm về những giá trị cuộc sống mà anh đã từng bỏ lỡ.
Nơi cải tạo tâm hồn
Chính sự hướng dẫn của cán bộ trại giam đã giúp những người như Bắc, Vinh… dần bình tâm, không chỉ để vượt qua giai đoạn khó khăn mà còn chuẩn bị tâm lý cho những ngày sắp tới, khi họ chính thức thi hành án.
Phạm nhân Lê Thị Phương từng là giáo viên dạy Trường THCS huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa), dính án ma túy. Phương cho biết: “Trước đây, nhà ở thị trấn Bến Sung, gia cảnh cũng nghèo. So với bạn cùng trang lứa đi học, Phương quyết tâm học được ngành nghề để ngẩng cao đầu với mọi người. Nhưng khi đã có nghề nghiệp, đã có chồng con thì Phương đánh rơi hết mọi thứ. Chồng cũng đi tù vì ma túy. Vợ cũng đi tù vì ma túy… Thật sự, nó đen tối đến vô cùng”.
Phương kể: “Khi bị giam giữ, trạng thái khủng hoảng, lo lắng, hối hận và tự vấn. Nhưng rồi đọc sách, tâm trí của mình cứ mãi nghĩ về những khổ đau của nhân vật, những bất công không ai lường trước trong tiểu thuyết "Những người khốn khổ" hoặc những kỳ thị mà một cô bé mồ côi phải gánh chịu trong tiểu thuyết "Anna tóc đỏ"… dần dần tôi nhận thấy mình chưa đủ ý chí, quyết tâm”, Phương cho hay.
“Nam tù nhân, đặc biệt là những người bị giam vì sử dụng trái phép chất ma túy, thường có tâm lý phức tạp và đa dạng hơn so với các nhóm tù nhân khác. Họ đối diện với các vấn đề tâm lý khác nhau liên quan đến bản thân, gia đình, xã hội ngoài kia”, quản giáo Nguyễn Ngọc Ánh, trại giam Thanh Lâm (Như Xuân, Thanh Hóa), cho biết. Cũng theo anh Ánh, nam tù nhân thường cảm thấy xấu hổ, tội lỗi khi nghĩ đến gia đình. Điều này đặc biệt phổ biến với những người có gia đình nhỏ, khi họ cảm thấy đã làm gánh nặng cho vợ, con cái hoặc cha mẹ. Những suy nghĩ này có thể thúc đẩy họ muốn thay đổi, nhưng nếu không được hỗ trợ, họ dễ rơi vào cảm giác tuyệt vọng.
Chăm sóc tâm lý cho tù nhân, đặc biệt là những người liên quan đến ma túy, là yếu tố thiết yếu để giúp họ nhận thức và kiểm soát hành vi của mình, đồng thời hỗ trợ họ xây dựng lại niềm tin và định hướng tái hòa nhập sau khi mãn hạn tù. Đọc sách đang được chứng minh là phương pháp hiệu quả để phạm nhân hướng đến cải thiện bản thân và chuẩn bị tâm lý khi tái hòa nhập xã hội.
Vừa qua, thư viện tỉnh Thanh Hóa phối hợp Trại giam số 5, tổ chức cuộc thi “Cảm nhận về sách” cho phạm nhân năm 2024.