Quán cà-phê nơi địa đầu Tổ quốc

|

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, có cơ hội làm việc tại công ty nước ngoài với mức lương cao nhưng theo tiếng gọi của quê hương, Dìu Thị Hương đã trở về Lô Lô Chải quản lý và phát triển quán cà-phê có tên Cực Bắc.

Quán nhỏ làm thay đổi bản làng

Nếu ai từng một lần đặt chân đến Cột cờ Lũng Cú (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang) sẽ thấy bản Lô Lô Chải nằm cách chân núi Rồng chưa đầy 1 km, cách cột mốc 419 giáp ranh tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cũng khoảng 1 km. Nơi đây người dân tộc Lô Lô chiếm đa số và vẫn còn giữ được nguyên vẹn nét văn hóa truyền thống từ trang phục, ẩm thực, kiến trúc đến nếp sinh hoạt thường nhật.

Trong bản làng bình yên này có một quán cà-phê đặc biệt mang tên Cực Bắc do chị Dìu Thị Hương, 23 tuổi quản lý. Đây là quán cà-phê đầu tiên ở Lũng Cú được mở năm 2015 do bác Yasushi Ogura, 67 tuổi người Nhật Bản đầu tư. “Bác Ogura đến Lô Lô Chải năm 2014 và đã phải lòng ngôi làng này. Thấy ngôi nhà trình tường cổ của bố mẹ tôi có vị trí đẹp nên bác đã đầu tư 200 triệu đồng để mở quán cà-phê và giao cho mẹ tôi quản lý. Quán ra đời với sứ mệnh bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người Lô Lô. Đây không chỉ là nơi thưởng thức đồ uống, mà còn là một phần của câu chuyện về lòng đam mê và nỗ lực bảo tồn văn hóa. Hằng năm, bác vẫn ghé thăm Lô Lô Chải vài lần và rất vui vì Lô Lô Chải càng ngày càng thu hút nhiều khách du lịch. Tôi đã tự viết dòng chữ “Cafe Cực Bắc - Hành trình gìn giữ Văn hóa” treo ở cửa nhà như thông điệp của bác và chúng tôi truyền đến mọi người”, chị Hương cho biết.

Khi mở quán, đang là một cô bé học cấp 2, tuy nhiên Hương cũng như các thành viên trong gia đình đã bắt đầu giao tiếp với khách nước ngoài bằng tiếng Anh và hình thành kỹ năng làm du lịch. Hương cũng là cô gái đầu tiên của bản làng trúng tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội. “Tôi muốn phát triển du lịch cộng đồng ở Lô Lô Chải để tạo thêm công ăn việc làm cho bà con trong bản cũng như góp phần gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa truyền thống của người Lô Lô”, chị Hương cho biết.

Ths Trần Kim Loan, giảng viên thỉnh giảng môn Du lịch bền vững, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Lô Lô Chải là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn và thú vị. Đặc biệt, những người trẻ như bạn Hương đã mang tâm huyết, hoài bão và kiến thức học được về giúp đỡ bố mẹ, bản làng cho dù có nhiều cơ hội phát triển bản thân theo ngành nghề đã học, điều đó thật đáng quý và trân trọng.

Nâng tầm của quán

Với kiến thức và khát khao của người trẻ, Hương đã dần dần nâng cấp và lột xác quán cà-phê Cực Bắc thành một điểm du lịch với đầy đủ các dịch vụ tiện ích.

Về cơ bản, Cực Bắc vẫn giữ được không gian là một ngôi nhà trình tường cổ bằng đất hàng trăm tuổi, kiến trúc nhà cổ của người dân tộc Lô Lô gần như còn nguyên vẹn với những chi tiết như mái phủ ngói âm dương hay tường đá rao bao quanh. Mới đây Hương đã bắt tay vào cải tạo ngôi nhà trình tường đất cổ khác thành một chiếc homestay tiện nghi để khách du lịch lưu trú và có thêm thời gian trải nghiệm văn hóa.

Hương cho biết, từ xa xưa các ngôi nhà ở Lô Lô Chải đều rất chú trọng sân vườn. Vì vậy mỗi ngôi nhà truyền thống của người Lô Lô đều có sân vườn rộng rãi, khi cải tạo thành homestay đây sẽ là nơi đốt lửa trại, giao lưu văn nghệ của du khách.

Ngoài các loại cà-phê truyền thống, Cực Bắc còn có thêm các loại trà, sinh tố hương vị Việt Nam và Nhật Bản cũng như dịch vụ cho thuê trang phục truyền thống để chụp ảnh. Hương cũng đã tận dụng công nghệ thông tin như lập trang web caphecucbac.com, lập các trang mạng xã hội trên các nền tảng số để quảng bá thêm cho quán. Mẹ của Hương, cô Vấn sau nhiều năm bán cà-phê nay có thêm một số công việc khác như nấu rượu ngô truyền thống, chế biến thịt trâu gác bếp, hướng dẫn viên du lịch.

Hiện tại, quán cà-phê Cực Bắc còn là đối tác chính thức của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn cũng như đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao loại hình du lịch cộng đồng của tỉnh Hà Giang. Hương chia sẻ, tôi mong muốn lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa Lô Lô Chải đến với bạn bè trong nước và quốc tế thông qua du lịch, đó cũng là cách để người dân Lô Lô gắn bó với mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc hơn.