Đã nghèo còn “sập bẫy”
Một ngày cuối tháng 11, dưới tiết trời se lạnh đầu đông, chúng tôi tìm về xã vùng sâu Ea H’đinh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đác Lắc và hỏi thăm gia đình ông Y Đrung và bà H’Nháp Niê ở buôn Trấp. Người dân ai cũng xì xào chuyện gia đình ông mới bị xã hội đen đến nhà siết tài sản do vay tín dụng đen không đủ khả năng trả nợ.
Ngồi trước hiên nhà với vẻ mặt chưa hết thất thần, ông Y Đrung kể: “Tháng 6-2018, do quá khó khăn nên vợ chồng tôi được một người tên Loan ở buôn Kô Sier, phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột giới thiệu vay 100 triệu đồng của nhóm người lạ với lãi suất 10.000 đồng/một triệu/ngày… Đến tháng thứ ba do lãi nhân lên cao quá nên tôi không có tiền trả lãi nữa. Sau đó, một nhóm bốn thanh niên đi ô-tô đến nhà tôi bắt đi một con lợn và thu giữ một chiếc xe máy hiệu Air Blade (của con rể) và bắt tôi ký vào một tờ giấy. Vợ chồng tôi đều không biết chữ, họ bảo ký thì ký chứ không biết là bị lừa vay tiền lãi cao”.
Chủ tịch UBND xã Ea H’đinh Nguyễn Hữu Nhất cho biết, thời gian gần đây các băng nhóm xã hội đen đến các thôn, buôn cho vay nặng lãi, siết nợ khiến người dân hết sức hoang mang lo lắng, gây mất an ninh trật tự ở địa phương. Xã đã báo cáo lên Công an huyện Cư M’gar. UBND xã Ea H’đinh cũng nhận được thông báo của công ty đòi nợ thuê có trụ sở ở thành phố Buôn Ma Thuột sẽ đến đòi nợ đối với năm hộ trong xã vay tiền lãi suất cao khoảng một tỷ đồng.
Dọc theo tỉnh lộ 8 qua địa bàn các buôn Sút M’grư, thôn 1, 6... trên các chân trụ điện, tường bê-tông, cổng chào buôn, các tờ rơi quảng cáo kèm số điện thoại cho vay tiền trả góp với lãi suất thấp được dán nhan nhản, với lời mời chào ngon ngọt, thủ tục cho vay tiền đơn giản, nhanh gọn như: “Vay không cần thế chấp - Chỉ cần chứng minh nhân dân”, “Alô là có tiền - Giới thiệu có hoa hồng” kèm theo số điện thoại để liên lạc. Chiêu trò quảng cáo “siêu hót” này đã giúp các đối tượng hoạt động tín dụng đen “vươn vòi” len lỏi khắp buôn, làng ở Đác Lắc.
Từ số điện thoại in trên mẫu một tờ rơi “Alô là có tiền” được dán ở trụ điện trước con đường chính dẫn vào buôn Sút M’grư, xã Cư Suê, chúng tôi đã gọi đến số điện thoại: 0919958366, chỉ sau mấy hồi chuông đổ, đầu dây bên kia một giọng nam giới trả lời. Khi chúng tôi ngỏ ý hỏi muốn vay 50 triệu đồng để mua phân bón, không một phút chần chừ, người này đã hướng dẫn một cách chuyên nghiệp, tận tình cách vay tiền với điều kiện chỉ cần chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, đồng thời hứa chỉ ba giờ sau sẽ có nhân viên liên hệ đến tận nhà cho vay tiền. Chúng tôi đem câu chuyện trên kể với trưởng buôn Y Đức Êban, ông không ngạc nhiên trước hoạt động của tín dụng đen ở buôn làng mình. Ông Y Đức cho biết: Một số đối tượng còn đến tận nhà người dân mời chào cho vay tiền, thủ tục thì đơn giản, chỉ vài giờ là có tiền. Trong buôn hộ nào khá giả thì không quan tâm đến các tờ rơi, nhưng những hộ nghèo, đang cần tiền để đầu tư sản xuất, lo cho con cái ăn học sẽ tiếp cận kiểu vay này. Mỗi lần họp buôn tôi đều nhắc nhở, nhưng nhiều hộ dân vì quá khó khăn vẫn bất chấp vay tín dụng đen, khi số tiền nợ quá lớn không có khả năng trả họ bị đe dọa đến tính mạng, bị siết tài sản, thậm chí là mất đất, mất nhà.
Câu chuyện của gia đình bà H’Bét Knul ở buôn Knul, xã Ea Bông, huyện Krông Ana, tỉnh Đác Lắc là bài học cảnh tỉnh cho những ai đã, đang và có ý định vay tiền liên quan đến tín dụng đen. Bà H’Bét Knul kể: “Do cần một khoản tiền để đầu tư sản xuất, nhưng chúng tôi vay mượn bà con, họ hàng, ngân hàng mãi không được, tháng 9-2018 tình cờ tôi nhặt được một tờ rơi quảng cáo “cho vay trả góp lãi suất thấp”. Về nhà, tôi liền gọi điện thoại đặt vấn đề vay và khoảng 30 phút sau có hai nam thanh niên đến tận nhà cho tôi vay 30 triệu đồng, trả góp trong vòng 50 ngày, mỗi ngày trả góp 750.000 đồng, lãi suất 180%/năm. Do số tiền lớn, nhiều hôm không trả kịp lãi, gia đình bị các đối tượng đe đọa, đánh đập khiến gia đình rất lo lắng. Nếu đến thời hạn trả nợ mà mình không có tiền thì họ sẽ về siết nhà cửa, đất đai, gia đình chưa biết giải quyết thế nào”.
Quảng cáo, giới thiệu cho vay với thủ tục đơn giản được dán nhan nhản khắp nơi.
Sớm chặt vòi bạch tuộc tín dụng đen
Theo Công an tỉnh Đác Lắc, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 20 nhóm cho vay nặng lãi với hàng trăm đối tượng có tiền án, tiền sự tham gia, hoạt động tín dụng đen không chỉ ở thành phố, thị trấn mà còn len lỏi xuống tận các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS trong tỉnh. Phương thức hoạt động của các nhóm này là tạo vỏ bọc bên ngoài dưới dạng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho thuê xe tự lái, công ty vệ sĩ, tư vấn tài chính... Hằng ngày, các đối tượng in hàng trăm tờ quảng cáo rồi chia nhau đi phát cho người dân hoặc dán trên những bức tường, cột điện. Hộ nào vay số tiền lớn hơn 50 triệu đồng thì chúng còn buộc phải cầm giấy tờ nhà, đất...
Gần đây công an tỉnh đã vào cuộc ngăn chặn, điều tra, xử lý vấn nạn này. Mới đây đã bước đầu triệt phá, bắt giữ một nhóm 10 đối tượng hoạt động tín dụng đen, gồm: Bùi Văn Thịnh, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Văn Năm, Hoàng Văn Cương, Nguyễn Đức Khương, Lê Trung Hiếu, Bùi Văn Tình, Vũ Văn Mạnh, Phạm Đình Bảo, đều ở thành phố Hải Phòng, do Bùi Văn Thịnh cầm đầu vào cấu kết với Nguyễn Ngọc Tuyền, ở huyện Krông Ana, tỉnh Đác Lắc. Chỉ hai năm, nhóm này đã cấu kết cho 269 hộ dân vay với 269 bộ hồ sơ, trong đó có 40 hộ đồng bào DTTS ở các buôn làng. Kiểm tra nơi ở các đối tượng, Công an tỉnh phát hiện nhiều thiết bị máy móc, vật chứng cùng các giấy tờ liên quan chuyên cho vay nặng lãi, xiết nợ cưỡng đoạt tài sản khi người dân không đủ khả năng trả với số tiền lên đến 2,6 tỷ đồng, lãi suất 30%/tháng. Công an tỉnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam bốn tháng đối với 4/10 đối tượng để điều tra về hành vi cho vay lãi nặng và cưỡng đoạt tài sản gồm: Bùi Văn Thịnh 26 tuổi, Vũ Văn Mạnh 26 tuổi, Hoàng Văn Cương 27 tuổi, Lê Trung Hiếu 30 tuổi.
Đại tá Phạm Minh Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đác Lắc cho biết: Thời gian qua, Công an tỉnh Đác Lắc đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và công an các huyện, thị xã, thành phố lập các chuyên án, tăng cường đấu tranh với hoạt động cho vay lãi nặng, cưỡng đoạt tài sản, tín dụng đen trên địa bàn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình trạng hoạt động tín dụng đen ở Đác Lắc đang gia tăng và ngày càng diễn biến phức tạp tại các thôn, buôn đồng bào DTTS, gây ra nhiều hệ lụy, làm mất an ninh trật tự ở địa phương. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đác Lắc đã yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị, các lực lượng chức năng từ tỉnh đến cơ sở, thôn, buôn tăng cường đấu tranh ngăn chặn những hệ lụy xấu từ vấn nạn tín dụng đen, xử lý nghiêm các đối tượng cho vay nặng lãi, cưỡng chế, siết nợ, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, nhất là đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa về những hệ lụy của tín dụng đen.