Chờ những gì mới từ Hội Nhà văn Thủ đô?

|

Mong đợi từ đại hội mới và nhiệm kỳ mới của Hội Nhà văn Hà Nội, tinh thần đoàn kết, sự năng động và ý thức đóng góp vào lợi ích chung của Hội, của thành phố sẽ được lan tỏa rộng rãi, không chỉ trong lãnh đạo Hội.

Sau một số điểm cộng…

Nhiều người có liên quan Hội Nhà văn Hà Nội như đội ngũ lãnh đạo, hội viên, báo giới… dường như đều chung sự nóng lòng chờ đại hội nhiệm kỳ mới (2016-2020) - một đại hội mà nếu tính thời gian 5 năm thì sẽ không còn chính xác nữa vì nhiệm kỳ của đại hội trước (2011-2015) đã sang đến tận năm nay - 2017, và thời điểm này vẫn chưa kết thúc.

Nhìn lại, có thể thấy từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hội đã “ghi điểm” qua một số công việc, thành quả mà nhiều lần báo giới đã phản ánh rộng rãi, nhiều ý kiến trong giới nghề đồng tình. Đó là việc chọn, trao giải thưởng của Hội vào dịp 10-10 hằng năm cho nhiều tác phẩm văn, thơ, dịch phẩm chất lượng tốt, gây ấn tượng với bạn đọc. Trong đó có việc trao giải “Thành tựu trọn đời” với ý nghĩa tôn vinh những gương mặt thơ ca lớn, mà nhiều tên tuổi đã vắng bóng, đã từng chịu thiệt thòi. Dư luận nhìn chung rất quan tâm vào mỗi dịp trao giải hằng năm, và đánh giá tốt về sự khởi sắc của giải thưởng Hội Nhà văn Thủ đô.

Trong vài năm qua, không khí sinh hoạt, giao lưu của Hội cũng sinh động hơn nhờ việc tổ chức hằng tháng các buổi nói chuyện của các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn học, ngôn ngữ… nhằm cung cấp thêm thông tin, góc nhìn, giới thiệu thành tựu nghiên cứu cho các hội viên. Cùng với đó là những cuộc thưởng thức và giao lưu nghệ thuật, những buổi xem phim điện ảnh tại Hội Điện ảnh Việt Nam, xem biểu diễn sân khấu tại Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát chèo Hà Nội và kịch Hà Nội… Những cuộc sinh hoạt nghề nghiệp như trại sáng tác được tổ chức đều đặn hằng năm, cùng với hội thảo về các gương mặt văn nghệ tên tuổi, về thơ ca Hà Nội những năm Đổi mới… Đặc biệt là Hội nghị viết văn trẻ Thủ đô lần thứ hai được tổ chức thành công sau nhiều năm chờ đợi.

… Cần những nỗ lực mới

Tất nhiên, vẫn còn những hạn chế nhất định trong công tác tổ chức, tuyên truyền, thúc đẩy hoạt động chuyên môn của Hội Nhà văn Hà Nội, mà để chắp cánh, thì thời gian tới, rất cần những quan tâm mới và nhiệt tình hơn từ phía lãnh đạo thành phố Hà Nội. Mối quan tâm ấy cần thiết thực vào các chương trình, hoạt động cụ thể. Cùng chung trụ sở 19 Hàng Buồm trong khối cơ quan chung của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) Hà Nội, sử dụng chung hội trường, thiết bị phục vụ hội họp một cách tiết kiệm, nhưng Hội Nhà văn Hà Nội cũng như nhiều hội văn nghệ khác của Thủ đô, đều ở “tư thế” thiếu những không gian, phòng ốc, thiết bị nhất định phục vụ cho công tác tổ chức, văn phòng và đón tiếp hội viên. Cũng như, với cả một khối Liên hiệp các hội VHNT có bề dày của Hà Nội, trong đó có Hội Nhà văn với điểm tọa lạc 19 Hàng Buồm, sẽ thấy còn thiếu những điều kiện vật chất, tinh thần tương xứng, như thư viện tác phẩm và sách vở, tài liệu chuyên môn, không gian tổ chức sự kiện, thậm chí cả chỗ gửi xe…

Nhiều lần, lãnh đạo thành phố, ngành tuyên giáo, văn hóa hay rộng hơn là dư luận, nhân dân Thủ đô đã gửi gắm, kỳ vọng đối với các nhà văn, nhà thơ hội viên của Hà Nội, mong đón nhận những tác phẩm “xứng tầm” với lịch sử, truyền thống và hiện tại phát triển sôi động của thành phố Thủ đô. Cùng với mong muốn, thời gian tới những định hướng, hợp tác, đặt hàng về chủ đề, đề tài sáng tác kèm theo các yếu tố vật chất, kinh phí cụ thể là rất cần thiết. Việc sáng tác của văn nghệ sĩ, ngoài cảm hứng và ý thích tự thân, rất cần được chắp thêm sự đủ đầy, chu đáo, thỏa đáng hơn về các điều kiện sáng tác. Thí dụ như tổ chức trại sáng tác và đặt hàng sáng tác về các địa phương trong quá khứ và hiện tại, các danh nhân văn hóa, nghệ thuật, quân sự… của Hà Nội; vận động sáng tác về những vấn đề xã hội, văn hóa nổi bật của Thủ đô. Đương nhiên sự đầu tư, hợp tác, đặt hàng không thể dàn trải để nhận về những sản phẩm phong trào “tầm tầm”, mà cần chọn lọc, đầu tư sâu cho tác giả uy tín, tác phẩm chất lượng cao, hoặc “trả công” xứng đáng cho những tác phẩm tốt sau quá trình sáng tạo.

Nhưng ngược lại và trước hết, để nhận được sự trợ giúp tích cực từ các đầu mối, thì bản thân đội ngũ lãnh đạo Hội Nhà văn Hà Nội trong nhiệm kỳ tới cần tích cực vận động, năng động nhiều hơn trong việc kiến tạo các hoạt động và đề xuất, kiến nghị với thành phố. Như hỗ trợ các tác giả lão thành, các cây bút trẻ tài năng về sáng tác, xuất bản, quảng bá tác phẩm; tổ chức tọa đàm, trao đổi nghề nghiệp chung quanh các tác phẩm được giải của Hội; làm cho trang điện tử của Hội sinh động, hấp dẫn hơn, trở thành diễn đàn văn nghệ, xã hội sôi nổi; kết nối với các địa phương, lực lượng để tổ chức các hoạt động, sự kiện văn học…

Đặc biệt, với nhiệm kỳ mới, yếu tố đoàn kết, phấn đấu trước hết vì lợi ích chung có lẽ cần được củng cố như một điều kiện quan trọng hàng đầu cho việc duy trì, phát triển các hoạt động của Hội cũng như uy tín của Hội Nhà văn Thủ đô trong con mắt của bạn bè văn nghệ cả nước.