Băn khoăn nhiều điểm khó thực hiện

|

Luật Trẻ em năm 2016 (gồm 105 điều, 7 chương) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6 vừa qua. Đây được xem là luật tiên phong, tiến bộ trong công tác bảo vệ , chăm sóc trẻ em. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng luật này có nhiều điểm còn điểm chung chung, khó thực hiện.

Nhiều điểm mới gây “bão”

Theo ông Ðặng Hoa Nam, Cục trưởng Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - LÐ-TB&XH), Luật Trẻ em lần này bổ sung nhiều nội dung, như vấn đề công bố tiết lộ thông tin cá nhân, đời tư của trẻ; lao động trẻ em; trách nhiệm xã, phường khi để xảy ra hành vi bạo lực hoặc xâm hại trẻ em...

Thí dụ, kể từ ngày luật có hiệu lực, cha mẹ, người thân, hay bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khác đều không được phép tự ý đăng ảnh, sử dụng thông tin cá nhân, đời tư bao gồm cả kết quả học tập… Nếu vi phạm thì có thể bị xử lý theo luật định. Ông Nam cho biết, đây là một trong những điểm mới gây “bão” nhiều nhất thời gian qua. Nhiều cha mẹ lo ngại luật quy định như vậy thì sẽ khó quản lý con cái. Thậm chí họ cũng cảm thấy không hiểu “vì lợi ích tốt nhất của trẻ” trong luật được thực hiện thế nào.

Chị Vũ Mai Hoa (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng, không lẽ là bố mẹ của các con mà chị không thể đăng ảnh hay cung cấp thông tin của con. Chị Hoa đặt câu hỏi: “Ðồng ý là con cần được bảo vệ đời sống riêng tư và tôi cũng không muốn xâm phạm điều đó. Tuy nhiên, con tôi đang vào độ tuổi thay đổi tâm sinh lý, tôi bắt buộc phải xem lén nhật ký của con, nếu không lỡ con hư hỏng, chơi bời, nghiện hút… thì làm sao tôi biết được. Như vậy, có phải tôi làm theo lợi ích tốt nhất của con hay không? Tôi có vi phạm luật không?”. Còn PGS, TS, Nguyễn Ngọc Oanh, Phó trưởng Khoa Quan hệ quốc tế (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, cha mẹ vẫn có quyền làm tất cả những điều trên với điều kiện phải “Vì lợi ích tốt nhất của trẻ em” và đặt quyền được sống còn của trẻ lên đầu tiên.

Ngoài ra, Ðiều 26 quy định: “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em”. Tuy nhiên, với điều kiện của Việt Nam, tới 70% lao động sống ở nông thôn, miền núi, nơi có điều kiện kinh tế còn khó khăn thì việc trẻ em phải lao động và giúp đỡ gia đình là việc khó tránh khỏi.

Quy trách nhiệm tận cấp xã

Điều 50 của Nghị định 55 về Hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em và Ðiều 51 trong Luật Trẻ em quy định cụ thể về trách nhiệm của cấp xã trong việc bảo vệ và bảo đảm quyền của trẻ em. Cụ thể, mục 2, Ðiều 51 quy định: “Cơ quan LÐ-TB&XH, cơ quan công an các cấp và Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác; phối hợp xác minh, đánh giá, điều tra về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn hoặc gây tổn hại, mức độ nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em”.

Bà Ðào Hồng Lan, Thứ trưởng LÐ-TB&XH cho biết, chủ đề Tháng hành động Vì trẻ em năm 2017 có đề cập thực hiện Luật Trẻ em. Luật quy định tiếp cận quyền trẻ em, gắn với trách nhiệm các bộ, ngành, đặc biệt là cấp xã. Ðể làm được việc này thì Luật quy định mỗi xã, phường phải cử ra một người phụ trách công tác trẻ em. “Các văn bản pháp luật trước kia cũng quy trách nhiệm khi để xảy ra hành vi bạo lực, xâm hại tình dục ở trẻ em. Tuy nhiên, chưa quy định rõ trách nhiệm, nên khi có sự việc xảy ra thì nhiều cơ quan vào cuộc nhưng để có một cơ quan chịu trách nhiệm chính thì không có”, bà Lan nói thêm.

Giữa tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị tăng cường công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cũng quy định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành. Theo đó, từng bộ, ngành phải rà soát xem có vấn đề gì vướng thì tháo gỡ. Ðối với Chủ tịch UBND tỉnh, phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để xảy ra những vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em mà không được giải quyết, hỗ trợ kịp thời. Bà Lan cho rằng, đây cũng là bước chuyển mạnh mẽ trong việc thực hiện quyền trẻ em.