Đời người thầm lặng giữ pơ mu

|

Nghe chúng tôi nói tiếp chặng hành trình, ông Lý A Lệnh (dân tộc Mông, bản Chan 2, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên), vội can: “Đường lên bản Pơ Mu khó lắm. Chừng bốn cây số thôi nhưng mất cả tiếng đồng hồ”.

Người tìm đất pơ mu

Sáng mùa đông, bản Pơ Mu với 16 nóc nhà như chìm giữa biển sương mờ bồng bềnh, lạnh giá. Chỉ tay về phía con đường mòn trước mặt, Quàng Văn Hưởng - người dẫn đường cho chúng tôi giờ kiêm thêm phần việc của thuyết minh, phiên dịch viên bất đắc dĩ - bảo rằng đường ấy về bản Chan 3, xã Ngối Cáy gần hơn đường về bản Chan 2, xã Mường Đăng. Bởi vậy dù hộ khẩu thuộc xã Mường Đăng nhưng hơn 80 nhân khẩu của bản Pơ Mu lại đi đường về xã Ngối Cáy nhiều hơn.

Quan sát nhà của bà con và theo hướng núi, tôi thấy mình như người lạc lối nhầm đường. Trong hình dung của chúng tôi, bản Pơ Mu toàn những nếp nhà gỗ pơ mu sáng bừng dưới nắng sớm sương mai, còn trên núi Pơ Mu thì cây pơ mu tầng tầng lớp lớp chứ đâu phải những cánh rừng lưa thưa thế này?

Tiếp chuyện chúng tôi trước sân nhà, Lý A Phong vẫn không ngừng việc. Con dao nhọn trong tay Phong lướt nhịp nhàng trên mặt viên đá cuội mịn như nhung. Nghe chúng tôi hỏi về rừng pơ mu, Phong ngước mắt về khu rừng trước mặt và nói: “Rừng pơ mu đấy. Giờ còn ít, cây nhỏ thôi. Cây to chặt hết từ năm 1993 rồi!”. Nhìn cách Phong tiếp chuyện, tôi đã nghĩ mình không được chào đón, ấy vậy mà khi nghe tôi hỏi về người tìm đất lập bản Pơ Mu thì Phong khác hẳn. Kể chi tiết từng mốc thời gian và Phong còn kể chúng tôi nghe sức sống cây pơ mu trên ngọn núi thơm - núi Pơ Mu nhưng người bản Pơ Mu vẫn thường gọi núi thơm.

Chuyện bắt đầu từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, khi người bản Chan 2 ngày một đông lên mà đất nương lại ít, bạc màu thì người già trong bản thật sự lo lắng. Có người còn nghĩ chẳng bao lâu nữa cái đói, cái nghèo lại đời nối đời ở chung trong bản Chan 2. Sau nhiều đêm mất ngủ, ông Lý A Páo đã bàn với ba người cùng bản tìm đường đi về núi Pơ Mu. Ngày ấy núi Pơ Mu rặt một loài cây pơ mu, nhiều cây to đến nỗi mấy người nắm tay nhau mà ôm không xuể, nên ngay khi đến được chân núi ấy, ông Lý A Páo đã quyết định sẽ dời nhà về dưới núi Pơ Mu. Chuyển cùng đợt với nhà ông Páo ngày ấy còn có ba gia đình: Tráng A Vạng, Lý Vàng Phái và Lý A Sùng. Tháng 9-1990, điểm dân cư Pơ Mu hình thành bởi bốn gia đình nhưng phải đợi hơn hai chục năm sau (năm 2014), thì bản Pơ Mu mới chính thức được thành lập cùng với sự kiện chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính hai xã Mường Đăng và Ngối Cáy thuộc huyện Mường Ảng ngày nay.

Trước khi dựng nhà trên nền đất mới, bố của Lý A Phong là ông Lý A Páo cùng ba ông Tráng A Vạng, Lý Vàng Phái, Lý A Sùng sắm một lễ nhỏ báo cáo các cụ cao niên và người dân trong bản, để được hạ hai cây pơ mu lấy gỗ làm nhà. Chấp thuận đề nghị của bốn gia đình nhưng người dân bản Chan 2 vẫn yêu cầu làm cam kết “chỉ hạ hai cây” và không làm ảnh hưởng cây nhỏ chung quanh. Ngày hạ cây, hầu hết thanh niên trai tráng của bản Chan 2 đều về hỗ trợ; mỗi người một việc và mỗi người một công, chẳng bao lâu bốn ngôi nhà của những người tìm đất đã hoàn thành trong niềm vui chung khôn xiết.

Và bây giờ, bốn ngôi nhà ấy vẫn còn nguyên, chỉ có cột kèo, vách gỗ đã chuyển mầu rêu phong. Bốn người đàn ông tiên phong tìm đất lập bản ngày ấy giờ đã thành người thiên cổ, nhưng di nguyện của họ về một loài cây đặc trưng thì vẫn vẹn nguyên như mới hôm qua.

Một góc bản Pơ Mu dưới chân núi Pơ Mu.

Hết cây thì tên bản chẳng ý nghĩa gì

Đưa chúng tôi đi vòng quanh nhà, Lý A Phong nói trong xúc động. Trong ngôi nhà này, chiều một ngày cuối tháng 5 năm 1993 có một cậu bé cất tiếng khóc chào đời khi trên núi Pơ Mu ầm ầm tiếng cưa và tiếng máy. Năm ấy tỉnh Lai Châu (cũ) cho phép các lâm trường khai thác gỗ pơ mu, nên ngày cũng như đêm, tiếng cưa xăng chát chúa như muốn băm nát ngọn núi Pơ Mu. Công cuộc cưa cây to chặt cây bé tràn về suốt chín tháng liền khiến núi Pơ Mu trở nên hoang liêu, điêu tàn, ngay cả những loài chim thú dạn dĩ nhất cũng phải lánh đi những vùng núi khác trước công cuộc phá rừng “có giấy cấp phép” của con người. Chứng kiến cảnh ấy, ông Lý A Páo đã không cầm được nước mắt bởi ông tiếc rừng và thương cây. Loài gỗ quý mà cách chặt không quý, rồi mai sau cây bé mọc thế nào? Ôm cậu con trai bé nhỏ trong lòng, ông Páo đinh ninh đặt tên con là Phong với những mong, Phong sẽ mạnh mẽ như cơn gió đủ sức cuốn đi nỗi đau ở trên đỉnh núi thơm.

Cũng là người chứng kiến công cuộc “tìm pơ mu chặt sạch ngày ấy”, bà Vừ Thị Sâu còn nhớ như in buổi chiều đông năm 1994 khi chồng bà là Lý A Sùng và ông Lý A Páo ngược núi Pơ Mu để đếm từng gốc cây. Lúc đầu các ông ấy đếm gốc to, gốc nhỏ, sau nhiều quá đếm không nhớ nổi nên họ chỉ đếm gốc to. Cỡ từ ba người ôm trở lên có gần nghìn cây; nhỏ hơn nhiều không kể hết. Sau mấy ngày đi đếm gốc trở về, họ đã nói: “Sau này, con cháu mình chỉ biết gốc chứ không thể thấy cây pơ mu trong rừng Pơ Mu to thế nào!”.

Quả là như thế khi lời dự liệu ứng nghiệm với Lý A Phong. Năm 2015, trong lần đi nương Phong đã phát hiện một gốc cây nằm gọn dưới lùm lá. Vạch lá tươi lẫn lá khô ra, Phong đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy ở bên dưới là gốc cây pơ mu và một đoạn gỗ không hề mối mọt. Đi một mạch về nhà, Phong kể chuyện tìm thấy gốc pơ mu to cho bố nghe, những tưởng bố sẽ ngạc nhiên lắm. Nhưng không, ông Páo lại cười và nói như khen “người bản Pơ Mu phải biết tìm cây pơ mu, cho dù cây ấy chỉ còn gốc hay là rễ”. Sau lần ấy, ông Páo mới cùng A Phong lên núi đi tìm lại những gốc cây xưa. Chỉ cho A Phong gần ba chục cây pơ mu nhỏ, ông Páo còn dặn A Phong phải cùng dân bản chăm sóc, bảo vệ để sau này con cháu bản Pơ Mu biết thân cây và mầu lá pơ mu. “Bản đặt theo tên cây, cây không còn thì tên bản nghĩa gì đâu, bố tôi nói như thế và đến khi hấp hối ông vẫn dặn như thế”, A Phong xúc động khi kể lời trăng trối của người yêu rừng.

Còn gốc pơ mu đại ở trong rừng, đến giờ với A Phong vẫn như là báu vật. Bởi thế mà hôm đưa chúng tôi đi xem cây pơ mu trên núi Pơ Mu, A Phong đã nói như khoe: “Còn gốc to và đẹp, dưới khe núi này”! Đứng bên gốc cây ấy, tôi dang tay ôm nhưng vòng tay không được nửa. A Phong thấy thế mới nói, cây này, đường kính hơn ba mét, ba người như chị ôm mới tròn.

Chiều dần buông kín ngọn núi thơm, bước xuống núi mà bước chân nặng trĩu. Chuyện về thời các lâm trường khai thác pơ mu dần trôi vào dĩ vãng; chuyện có bao nhiêu cán bộ lâm trường giàu lên nhờ pơ mu trên ngọn núi này ở nơi đây cũng không ai biết, nhưng chuyện của người Mông trên đỉnh Pơ Mu giữ rừng pơ mu vẫn là chuyện của ngày hôm nay. Ở đó, quy ước bản Pơ Mu ghi rõ: Người nào cố tình chặt cây pơ mu phải chịu phạt từ 15 - 20 triệu đồng; ngoài ra, người chặt cây còn phải tìm cây khác đem về trồng thay thế cạnh cây đã chặt; người nào vi phạm lần hai thì dân bản sẽ xem như không còn là người của bản Pơ Mu. Ngắn gọn như thế và rõ ràng như thế, mấy chục năm nay không một người của bản Pơ Mu phạm quy ước này. Ngày ngày đi làm nương qua khu rừng, người Mông bản Pơ Mu dành thời gian phát cây bụi, tỉa cành cho cây pơ mu. Cây lớn lên thân thiết như người bạn.

Dừng lại chia tay ở khoảnh đất trống đầu bản Pơ Mu, hít một hơi thật sâu vào lồng ngực, chúng tôi nghe rõ mùi hăng hắc, ngai ngái của rừng tạp giao với hương thơm thoang thoảng của gỗ pơ mu. Chốc chốc từng cơn gió ùa về và trong tiếng gió, tôi nghe có lời thì thầm như kể chuyện giữ rừng của người Mông trên đỉnh Pơ Mu. Nơi ấy, trên ngọn núi cao quanh năm mây mù bao phủ, có những người Mông sinh ra ở núi, lớn lên ở núi và khi chết, nằm lại trong lòng núi vẫn đau đáu nỗi lo giữ gìn một loài cây.