Hoa của biển

|

Trong tầm nhìn xa của một vùng đất thuần nông, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã sớm xác định đi lên từ văn hóa, bởi nơi đây là quê tổ của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Còn về kinh tế thì lấy điện gió là ưu tiên hàng đầu...  

Vùng biển miền Tây Nam Bộ vốn hiền hòa, người dân nơi đây vốn hay lam, hay làm, nhưng dù cố gắng, nỗ lực đến đâu, sự giàu có vẫn như còn "quay lưng" với ngư dân vùng biển này. Gần 20 năm sau ngày tách tỉnh- Bạc Liêu vẫn chỉ có cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, thủy, hải sản.

Phải bứt phá đi lên tìm đường ra cho sức sản xuất, khai thác triệt để tiềm năng của thiên nhiên. Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Võ Văn Dũng cho biết: "Năm nay GDP toàn tỉnh tăng 12%, lần đầu tiên cơ cấu kinh tế có sự chuyển đổi về chất, công nghiệp - dịch vụ đã chiếm tỷ trọng hơn 60%. Nông nghiệp chỉ còn ở mức dưới 40%. Trong tầm nhìn xa thì lấy điện gió là ưu tiên hàng đầu để tận thu những giá trị của lượng gió trời từ Biển Ðông thổi vào đang bị uổng phí. Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ du lịch và sản xuất hàng hóa xuất khẩu.

Câu chuyện bắt tay làm nhà máy điện gió cách đây bốn năm giờ đã thành hiện thực. Ðiện gió Bạc Liêu đã đóng góp vào ngân sách tỉnh ngót 20 tỷ đồng, năm 2015 sẽ là  60 tỷ đồng và tăng dần qua từng năm. Trong bảng xếp hạng kinh tế cả nước, Bạc Liêu luôn ở vị trí khiêm tốn. Nhưng cách đi lên của Bạc Liêu ít có một địa phương nào có được: Ðó là cơ cấu công nghiệp xanh - sạch, mà nói như Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Dũng: Từ điện gió theo công nghệ của các nước G7 đến cụm công nghiệp điện (nhiệt điện) có công suất 360 MW đang được triển khai cũng theo công nghệ tiên tiến của Nhật Bản..., thì Bạc Liêu sẽ dẫn đầu cả nước về chất lượng đầu tư. Ðó là giảm thiểu đến mức thấp nhất tác động đến thiên nhiên, môi trường. Ðây là hướng được các quốc gia có nền khoa học - công nghệ tiên tiến như Mỹ, Thụy Ðiển, Ðan Mạch, Ðức, Hà Lan, v.v. khuyến khích.

Trở lại câu chuyện "Bắt gió phải làm ra điện" ở Bạc Liêu mới thấy cái tâm, cái tầm của chủ đầu tư. "Lúc đầu không ai tin ngay, trong Thường trực Tỉnh ủy cũng ít người ủng hộ" - Giám đốc Công ty Công Lý Tô Hoài Dân cho biết. Ấy rồi bằng tư duy khoa học, bằng lời nói đi đôi với việc làm, từng trụ điện gió "đội bùn", "đội sình lầy" mà "mọc lên" bên bờ biển xã Vĩnh Trạch Ðông- TP Bạc Liêu. Giám đốc Tô Hoài Dân kể lại: "Ðể lắp dựng trụ điện cao ngót 100m, nặng 60 tấn, anh em công nhân đã phải khoan ép 20 trụ cọc, có trụ sâu đến 44m, chạm nền đá móng". Sau khi đầu tư thành công giai đoạn I, Công ty Công Lý đang đầu tư giai đoạn II với 52 trụ điện nữa có tổng mức đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng "23 đài móng cột đã đổ xong, nối dài cánh đồng điện gió ra khơi xa" - Chúng tôi nhìn theo cánh tay chỉ về phía biển của Giám đốc Tô Hoài Dân.

Bữa tôi vô Bạc Liêu cùng Chủ tịch Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam Hoàng Quốc Vượng, khi đặt câu hỏi: Vì sao suất đầu tư vào điện gió cao, thời gian thu hồi vốn lâu mà Công ty Công Lý vẫn theo đuổi "giấc mơ" điện gió? Anh Tô Hoài Dân cho biết: "Công ty Công Lý được Chính phủ khuyến khích bằng các chính sách ưu đãi như bảo lãnh vốn vay, miễn thuế môi trường, hỗ trợ giá bán điện, v.v. nên sẽ đầu tư tiếp 300 trụ điện gió để Nhà máy điện gió Bạc Liêu có công suất trên 300 MW. Ðể biến giấc mơ điện gió, thành hiện thực, Công ty Công Lý đã sang Ðức đặt mua một chiếc cần cẩu có sức nâng 660 tấn (vào loại lớn nhất cả nước) để lắp dựng các trụ điện gió. Giám đốc Tô Hoài Dân khoe: "Có cần cẩu này thì cứ 10 ngày là công ty sẽ dựng xong một trụ điện gió".

Bờ biển Bạc Liêu dài 120 km mai này sẽ thành vùng biển của điện gió. Mới thấy câu chuyện làm kinh tế của Bạc Liêu trong những năm tới có thêm nguồn lực mới, vì mỗi năm nhà máy điện gió sẽ đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách.

Vào dịp 30-4 và 1-5-2015, kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước, Bạc Liêu sẽ khánh thành giai đoạn II Nhà máy điện gió Bạc Liêu. Theo tính toán của chủ đầu tư thì khi đó sẽ mọc lên đủ 63 trụ điện gió, tượng trưng cho 63 tỉnh, thành  phố trong cả nước - mỗi một trụ điện gió sẽ mang tên một địa phương. Hình tượng cả nước vì Bạc Liêu- Bạc Liêu vì cả nước đã và đang hiện hữu nơi đây.

Ngó nhìn những cánh quạt của các trụ tua-bin gió cứ quay đều, quay đều, đem lại nguồn năng lượng sạch cho Tổ quốc, lòng chúng tôi thêm tự hào- thêm kiêu hãnh, bên tai chúng tôi rộn ràng tiếng hát của bài ca: "Ta tự hào đi lên ơi Việt Nam!".

Người dân ở mọi vùng miền của cả nước khi đến thăm nhà máy điện gió đều sững sờ trước vẻ đẹp của trời biển Bạc Liêu. Họ đã ví những trụ điện gió như những bông hoa của biển đang mọc lên từ tỉnh áp chót miền cực nam của Tổ quốc.