Ðược nhiều lần tháp tùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm bà con ở nhiều vùng đất nước, tôi đã được chứng kiến sự lam lũ và những mong mỏi của bà con nông dân khi trò chuyện cùng Chủ tịch nước. Từ câu chuyện bảo vệ độc lập chủ quyền đến đầu ra của con cá ngừ đại dương của các ngư dân Ðà Nẵng, Bình Ðịnh, Phú Yên, con tôm, cây lúa của bà con nông dân Sóc Trăng, Cà Mau, hay thế mạnh của vùng rau Ðà Lạt vẫn chưa tìm được hướng đi thoát nghèo bền vững đều được bà con nông dân đặt ra với Chủ tịch nước.
Còn nhớ giữa trưa hè 2013, trên bãi biển xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh, hình như cái nắng cũng không làm giảm sự sôi nổi mà thân tình trong cuộc trao đổi giữa Chủ tịch nước cùng lãnh đạo các bộ, ngành, với lãnh đạo địa phương và bà con về cuộc sống của ngư dân, về nỗ lực tìm hướng đi để có thể khai thác tốt tiềm năng sẵn có làm giàu cho chính mình và quê hương. Trực tiếp thăm hỏi các ngư dân đang tham gia các tổ đánh bắt thủy sản mới thấy rằng bà con đã luôn chủ động trong sản xuất, mạnh dạn vay vốn đầu tư, đóng tàu công suất lớn, khai thác hiệu quả nguồn hải sản trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nhưng nỗi đau đáu của ngư dân là kỹ thuật đánh bắt, bảo quản kém dẫn đến chất lượng không cao, đầu ra thì bấp bênh, bị tư thương ép giá... Và những trăn trở ấy, quyết tâm ấy đã biến thành hành động, thành vấn đề nghị sự trong hầu hết các chương trình làm việc với lãnh đạo chủ chốt các địa phương và nó còn vượt cả biên giới, theo mỗi chuyến hành trình đối ngoại của Chủ tịch nước và đoàn cấp cao nước ta.
Tôi nhớ mãi những ngày tháng 3-2014, khi Chủ tịch nước có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản, trong rất nhiều vấn đề đại sự được thảo luận nhằm đưa quan hệ hợp tác hữu nghị hai nước Việt Nam - Nhật Bản phát triển ngày càng toàn diện, hiệu quả, thì trong hầu hết các cuộc gặp gỡ, đối thoại, Chủ tịch nước đều đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực nông, ngư nghiệp.
Khi thăm tỉnh I-ba-ra-ki, một trong số địa phương xếp hàng đầu Nhật Bản về sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh "Việt Nam có gần 70% dân số làm nông nghiệp và ở nông thôn. Phát triển nông nghiệp chính là một trong những ưu tiên trong chiến lược phát triển của Việt Nam". Sự gần gũi như động lực tự nhiên để Thống đốc tỉnh I-ba-ra-ki Ha-si-mô-tô Ma-sa-ru đã dành trọn buổi chiều để tự mình hướng dẫn Chủ tịch nước và đoàn Việt Nam thăm tìm hiểu các cơ sở kỹ thuật canh tác nông nghiệp trong tỉnh.
Cũng chuyến thăm ấy, trong ba ngày với gần 50 cuộc tiếp xúc, trao đổi, hầu như không có thời gian nghỉ thì vấn đề thúc đẩy hợp tác tìm hướng đi cho nền nông nghiệp nước nhà lại được đặt ra.
Tại Ô-xa-ca, thủ phủ của nghề đánh bắt, chế biến cá ngừ đại dương, câu chuyện con cá ngừ trở thành chủ đề chính trong các cuộc trao đổi giữa Chủ tịch nước và đoàn cấp cao với lãnh đạo địa phương, với các tổ chức hữu nghị như Liên đoàn kinh tế vùng Kan-sai, Sa-kai, Ky-ô-đô...
Trở về từ Nhật Bản, tôi cứ nghĩ rằng hợp tác vẫn chỉ là ý tưởng, nhưng chỉ sau hai tháng, nó thành hiện thực khi Thống đốc tỉnh I-ba-ra-ki Ha-si-mô-tô Ma-sa-ru, rồi Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật - Việt tại Sa-kai Hi-rô-xu-kê Ka-tô và hàng loạt các doanh nghiệp Nhật Bản đã sang Việt Nam trực tiếp vào làm việc tại các tỉnh Bình Ðịnh, Lâm Ðồng, Ðồng Tháp, Nam Ðịnh,... tìm hiểu hợp tác chuyển giao công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm làm ăn. Những kết quả bất ngờ từ ngôi làng thần kỳ ở Ðà Lạt với mô hình trồng rau, hay xuất khẩu thành công 10 con cá ngừ đại dương từ chuyến tàu đầu tiên thực hiện theo kỹ thuật câu, bảo quản cá ngừ của Nhật Bản trở thành tin vui với bà con ngư dân.
Dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng kết quả ấy đã và đang là hiệu ứng quan trọng tạo niềm tin và sự lan tỏa tạo đổi thay vươn lên làm giàu cho nhiều bà con ở các vùng, miền, cũng như cho đất nước.
Trong cuộc trò chuyện cuối năm với cánh báo chí, sau chuyến thăm và trao bò giống tặng bà con nghèo biên giới miền núi phía bắc, gợi chuyện tìm kế sinh nhai cho bà con, Chủ tịch nước bảo rằng còn nhiều lắm những người dân nghèo, nhất là bà con vùng sâu, vùng xa, những người nông dân một nắng hai sương ngoài đồng.
Chủ tịch nước bảo chúng tôi: "Các cậu làm báo phải nói sự thật, nhưng sự thật ấy phải có tính phổ quát, ấy mới là sự thật có ý nghĩa". Tôi trộm nghĩ đúng lắm, bởi nhiều lần đồng chí nói "Các cậu xem có ít tôm bệnh chết, có ít rau còn dư thuốc bảo vệ thực vật... nhưng lên báo ầm ỹ mà không nói rõ phạm vi, quy mô, để khắc phục, nên làm ảnh hưởng không tốt cho phần lớn bà con nông dân, tới kinh tế đất nước...".
Ðất nước đang vào xuân, trên con đường hội nhập và phát triển, chúng tôi hiểu rằng, để bà con có thể làm giàu từ con cá, cây rau, để đất nước vững bước phát triển... cần lắm những tấm lòng và hành động như Bác Hồ từng nói "Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh".