Sóng Trường Sa giữa đại ngàn

|

Mặt trời đã vắt qua lưng đỉnh núi. Những nếp nhà dưới chân dãy Lang Biang bập bùng bếp lửa gọi chiều. Tiếng chiêng cồng quấn quyện ngọn lửa thiêng, những ché rượu cần đã được bày biện theo nghi thức của Yàng. Thằng Cil Phôn đến sớm lắm. Nó bảo, hôm nay già làng mình kể chuyện Trường Sa...  

Lớn lên ở vùng đất ba-dan Tây Nguyên huyền thoại, như bao người Lạch khác trong Bon Ðơng 1, huyện Lạc Dương, Lâm Ðồng, cuộc sống của gia đình già làng Krajan Tên gắn với cái rẫy, con suối, với những điệu chiêng thổn thức... Bởi vậy, được đến với Trường Sa cùng với các già làng tiêu biểu khác ở Tây Nguyên, là chuyến đi ý nghĩa nhất trong đời ông. "Hồi hộp, xúc động lắm. Lần đầu tiên đồng bào mình được thăm Trường Sa mà" - Già làng Krajan Tên bồi hồi.

Ngọn lửa hồng sưởi ấm từng khuôn mặt già, trẻ trong buôn, nào Cil Phôn, Krajan Thảo, K'Bét, K'Rẹ... Ðó là những ngày trung tuần tháng 5-2014, hơn 75 già làng Tây Nguyên được đến Trường Sa. Cảm xúc trào dâng khi con tàu HQ-571 kéo còi, từ từ tách bến, tạm biệt đất liền. Những cánh tay vẫy chào và những giọt nước mắt lăn dài trên má... "Nhớ lắm!" - Già làng Krajan Tên bắt đầu câu chuyện.

Cil Phôn đứng phắt dậy: - Biển thế nào hả ông?

- Biển của ta đẹp lắm. Bao la như tấm lòng của Yàng với buôn làng mình vậy. Núi rừng của ta hùng vĩ, ôm lấy những người con đồng bào Lạch, Cil, Srê, Mạ, Churu... Biển ôm ấp, vỗ về hàng trăm hòn đảo thiêng của Tổ quốc. Nơi đó, có những chú hải quân, những người dân đất Việt đang ngày đêm kiên cường bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Có cả những em bé bằng tuổi các cháu ra đón các già làng Tây Nguyên đó... - Già Tên chậm rãi kể.

Sau hai ngày đêm, những người con núi rừng Tây Nguyên được sống trên con tàu hiện đại nhất của Vùng 4 Hải quân. Họ cùng nhau kể chuyện buôn làng, về đổi thay trên những cung đường đất đỏ ba-dan trù phú, những dự tính khi đến với biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc và trở về với bà con buôn làng... Biết bao câu chuyện trên hải trình mơ ước. Mầu xanh Trường Sa Lớn đã hiển hiện, kiên cường giữa Biển Ðông. Trên cầu cảng, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang vẫy tay đón đoàn. "Cảm giác thân thuộc, gần gũi lạ kỳ khi đặt chân lên mảnh đất yêu thương của Tổ quốc giữa trùng khơi. Tôi nhìn quanh, ai cũng bồi hồi xúc động" - Già làng Krajan Blôm, Bon Ðơng 2, Lạc Dương chia sẻ.

- Già có chụp hình với Bộ đội Trường Sa không? - Krajan Thảo hỏi.

- "Ồ, nhiều lắm. Ðây là cột mốc khẳng định chủ quyền biển, đảo của ta. Có từ thuở xa xưa lắm rồi" - Già Blôm nói với lũ trẻ trong buôn. Trên cột mốc chủ quyền sừng sững giữa đại dương, lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trong nắng.

Lửa rừng bập bùng và những câu chuyện về Trường Sa kéo dài trong sự háo hức của bà con buôn làng. Già làng Krajan Tên tiếp tục câu chuyện: Sau lễ chào cờ ở Trường Sa Lớn, đoàn được đi thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, dâng hương tại Ðài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, thắp hương tại bàn thờ Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, được tận mắt chứng kiến nơi ăn, chốn ở của quân và dân trên đảo... Họ đã có điện, nước ngọt, rau xanh để dùng hằng ngày... các già làng vui lắm.

"Nhớ nhất là đêm giao lưu văn nghệ với chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Ấm áp và gần gũi như ở buôn làng mình. Nhiều chú lính đảo thuộc làu bài hát về Tây Nguyên, nhiều già làng xúc động lắm" - Già Blôm kể.

Ðêm Lang Biang vẫn thổn thức với Trường Sa thân yêu. Những người con của núi châm thêm bếp lửa hồng. Vỗ vai tôi, già Tên bảo: "Xem trên bản đồ, ti-vi thấy cũng bình thường. Ra đấy mới thấy biển, đảo Tổ quốc đẹp biết dường nào. Ðược rõ hơn về ý chí kiên cường của quân, dân nơi đầu sóng, ngọn gió, bảo vệ từng tấc đất chủ quyền, thấy được nhà giàn DK1 như một thành phố nhỏ trên biển... Ðẹp lắm!".

Già Tên (bìa phải) và già Dzung (bìa trái) cùng các già làng Tây Nguyên

chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc chủ quyền Trường Sa của Tổ quốc.      

Mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc... Già Tên mở đầu câu chuyện về biển, đảo với người có uy tín, già làng, chức sắc tiêu biểu người đồng bào dân tộc thiểu số, với học sinh Trường trung học nội trú huyện Lạc Dương. Nhìn ánh mắt Cil Nôm, K'Tuân, Ða gout Nam... háo hức lắm. Chúng bảo, lớn lên sẽ vào bộ đội hải quân để bảo vệ biển, đảo Tổ quốc. "?, các cháu nói phải lắm" - Già Tên nói. Bác Hồ đã căn dặn: "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó".

MÙI hương hoa cải thoảng bay trong gió chiều. Chúng tôi tìm về buôn làng người Churu, ở Ka Ðô, huyện Ðơn Dương, Lâm Ðồng. Già làng Tou Prong Dzung đang tiếp bà con trong buôn, với những trang nhật ký đầy ắp kỷ niệm, những bức ảnh để đời về chuyến thăm Trường Sa. Nắm chặt tay tôi, già bảo: "Sau chuyến đi ý nghĩa đó, mình càng thấy trách nhiệm hơn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, xây dựng tình đoàn kết buôn làng thật bền chặt".

Không cầu kỳ ngôn ngữ, già Tou Prong Dzung lần lượt "đưa" bà con lên tàu, đến với quân, dân trên đảo Trường Sa Lớn, Ðá Lát, Ðá Ðông A, Ðá Ðông B, Trường Sa Ðông, đảo Thuyền Chài, nhà giàn DK1... Mỗi điểm đến là một câu chuyện thiêng liêng, cảm động về biển, đảo quê hương.  

"Ðây là chuyến đi ý nghĩa nhất của đời mình" - Tou Prong Dzung nói. Gác lại chuyện núi rừng, nương rẫy, với hải trình   10 ngày thăm Trường Sa, ông và những già làng trong đoàn thấu hiểu hơn về biên giới, chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. "Vinh dự lắm. Không phải đi chơi đâu. Phải nhớ, phải hiểu để kể lại cho con cháu, buôn làng nghe..." - Tou Prong Dzung bộc bạch.

Lật nhanh cuốn nhật ký chép vội của già làng, Ma Út bẽn lẽn đọc cho bà con nghe: "... 13 giờ 10 phút, ngày 18-5, thăm đảo Trường Sa Ðông. Nơi trùng khơi sóng vỗ, tiếng cười giòn tan của già làng Tây Nguyên hòa cùng lính đảo. Các chú hải quân còn trẻ, chắc nịch như Ya Ước, Ya Ni, Ða Niên làng mình. Họ thật giỏi, từ những bao đất mang ra từ đất liền, giờ đây đảo đá san hô ngày nào đã hóa thành đảo xanh. Ðất đai không màu mỡ như Tây Nguyên, nhưng đơn vị nào trên đảo cũng có vườn rau, giàn bí, heo, vịt béo tròn... Khó khăn là vậy, nhưng họ đã làm được. Và ngày đêm vững chắc tay súng canh giữ biển, trời quê hương".

Chiều muộn. Giọng già làng Tou Prong Dzung vẫn tỉ tê, bà con chưa muốn rời xa những câu chuyện về biển, đảo. "Ngoài những lần họp thôn, buôn, mình đã nhiều lần kể chuyện Trường Sa ở đại hội dân tộc thiểu số, gặp mặt già làng tiêu biểu, họp HÐND huyện... Xúc động nhất là lần nói chuyện biển, đảo với học sinh Trường THCS Ka Ðô, các cháu thích lắm, hỏi nhiều lắm" - Già làng Tou Prong Dzung thổ lộ.

Câu chuyện về Trường Sa ở các buôn làng cứ kéo dài đến khi mặt trời gác núi. Già làng Krajan Tên, Tou Prong Dzung cùng với già làng K'Sen (Di Linh), Ha Kròng (Ðam Rông), K'Be (Bảo Lâm), Ðiểu Kren (Cát Tiên)... đã "mang" biển, đảo Tổ quốc về với đại ngàn, với bà con các dân tộc nam Tây Nguyên, bằng ký ức Trường Sa. "Các già làng thu hút bà con bằng ngôn ngữ, phong thái riêng. Họ kể chuyện tự nhiên như đời sống hằng ngày của quân và dân trên đảo" - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Ðồng Bon Yo Soan cho hay.

Những bếp lửa đã rực hồng dưới chân núi. Ðiệu rơkel ngân dài giữa buôn làng Churu, đong đưa, huyền ảo. Ya Ni kéo tay già làng: - Vậy Trường Sa, Hoàng Sa là gì hả ông?

- Là vùng trời, vùng biển, đảo thiêng liêng của Việt Nam ta...

Hình ảnh ấy thật ấm áp và bình yên.