Tết Dashain ở Nepal

|

Dashain, Tết cổ truyền của Nepal kéo dài 15 ngày, thường diễn ra từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 hằng năm, trong đó ngày thứ tám thường được biết đến với tên gọi là “Ngày hiến tế”. Ý nghĩa chính của Dashain là chiến thắng của cái thiện trước cái ác. Đạo Hindu có nhiều giáo phái khác nhau, trong đó những người theo giáo phái Shaktism (thờ nữ thần) coi đây là chiến thắng của Parvati - nữ thần của tình yêu, khả năng sinh sản và sự tận tâm.

Nữ thần Parvati có nhiều hóa thân mà Durga là hình tượng được thể hiện để chiến đấu với ác quỷ. Trong thần thoại Hindu, quỷ vương Mahishasura tiến công thế giới của các vị thần và Durga tiêu diệt được nó. Bảy ngày đầu tiên của Dashain tượng trưng cho cuộc chiến đấu giữa nữ thần Durga với quỷ vương.

Ngày thứ nhất gắn với cây mạ non. Người Nepal lấy cát từ những con sông thiêng trộn phân bò rồi đặt vào một chiếc đĩa tròn bằng kim loại, gieo giống lúa mạch, đợi nảy mầm. Nghi thức được thực hiện vào “giờ đẹp”, vì người ta tin rằng đó là thời điểm nữ thần Durga chọn. Chiếc mâm đặt tại nơi thờ cúng trong nhà, tránh tiếp xúc nắng mặt trời, người ngoài và phụ nữ không được phép đến gần. Mỗi ngày, đàn ông trong gia đình sẽ tưới nước thánh hai lần vào buổi sáng và tối.

Từ ngày thứ bảy, hạt giống lúa mạch nảy mầm thành cây mạ non, được đem ra sử dụng trong các nghi lễ. Cùng với chiếc mâm gieo jamara, người Nepal lập một bàn thờ Ganesha (thần mình người đầu voi, vị thần may mắn - con trai nữ thần Parvati). Bàn thờ có ngọn đèn phải giữ cháy suốt mùa lễ Dashain và một kalasha (bình kim loại đựng nước sạch, trên miệng trang trí lá xoài, hoa và một trái dừa khô. Lá xoài tượng trưng cho khả năng sinh sản, lá dừa đại diện cho thịnh vượng và quyền lực, nước là sự sống từ thiên nhiên.

Ngày thứ tám là ngày Durga giành chiến thắng. Tập tục truyền thống của người Hindu ở Nepal trong ngày này là hiến tế động vật, gồm gia súc, gia cầm cho nữ thần Durga. Ở Nepal có hơn 90% dân số theo đạo Hindu, nên hầu hết quan chức chính phủ và người dân thực hiện hiến tế. Tùy điều kiện tài chính mà họ hiến tế gà, vịt hay trâu, dê..., nhưng vật được chọn phải là giống đực. Mỗi gia đình có thể hiến tế độc lập hoặc góp chung vài gia đình. Địa điểm tiến hành là ngay trước cửa mỗi ngôi nhà.

Nơi tôi chọn xem hiến tế là Indra Chowk, con đường nhỏ gần chợ Asan ở Thủ đô Kathmandu. Tôi quan sát một bác dựng xe máy bên đường để thực hành lễ hiến tế nữ thần Durga. Để tìm hiểu những gì đã chứng kiến, tôi trò chuyện và suy nghĩ tìm cách giải thích liệu đằng sau lý do tôn giáo, còn nguyên nhân nào khác hay không. Tôi hỏi thì nhận được câu trả lời giống nhau.

Mục đích hiến tế trong mùa Dashain là dâng cúng nữ thần Durga, tỏ lòng biết ơn chiến công của nữ thần trước quỷ vương Mahishasura, nhờ đó cuộc sống đã bình yên trở lại. Với một số lễ hiến tế khác trong năm, dù người Hindu ở Nepal, Ấn Độ hay ở nơi khác thì cũng nhằm mục đích dâng cúng vị thần nào đó từng chiến thắng cái ác. Cùng với đó, theo truyền thống, thịt của con vật sau khi hiến tế sẽ được mang về nhà nấu chín, chia thành từng phần đặt vào đĩa ghép từ lá cây. Sau đó mọi người trong gia đình, hay vài gia đình, cùng nhau ăn. Món ăn làm từ thịt hiến tế được coi là thực phẩm của trời ban cho, rất quý. Người ta tin rằng thưởng thức món ăn đó sẽ nhận được phúc lành.

Nepal là quốc gia nghèo, nằm hoàn toàn trên núi, thời tiết vùng Himalaya không phải lúc nào cũng thuận lợi cho chăn nuôi. Vì thế quanh năm người Nepal ăn ngũ cốc, rau củ, các loại đậu, ít ăn thịt; nhà nghèo thậm chí cả năm chỉ vào ngày hiến tế mới cùng mấy gia đình khác dâng cúng con gà, con dê.