Duyên phận lịch sử
Không phải đến khi Chính phủ Việt Nam quyết định thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Ðà Nẵng vào ngày 11-12-1982 thì người dân nơi đây mới có một tình cảm đặc biệt thiêng liêng đối với quần đảo Hoàng Sa. Trong quá khứ, Hoàng Sa đã gắn bó máu thịt với thành phố bên bờ sóng như một duyên phận của lịch sử. Tiếp thời các chúa, các đời vua triều Nguyễn, thời Tua-ran nhượng địa (tên gọi 62 năm Ðà Nẵng thuộc Pháp), sau Hòa ước Pa-tơ-nôt 1884, với tư cách đại diện cho Nhà nước An Nam về đối ngoại, Cộng hòa Pháp tiếp tục khẳng định, quản lý và bảo vệ chủ quyền của nước ta tại quần đảo Hoàng Sa. Trong thời kỳ này, với tư cách là đô thị cảng biển gần với Hoàng Sa nhất, Ðà Nẵng đã có nhiều đóng góp trong quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam với quần đảo này, dù thời kỳ đó, Hoàng Sa vẫn trực thuộc địa giới tỉnh Quảng Ngãi và sau đó là Thừa Thiên với tên gọi Ðại lý hành chính Hoàng Sa mà cách của người Pháp ghi trên bản đồ là Délégation des Paracels...
Pháp thất thủ tại Việt Nam nhưng đất nước vẫn tạm chia cắt, ngày 14-10-1950, Chính phủ Pháp bàn giao cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam quyền quản lý Hoàng Sa. Ngày 20-10-1951, sau Hội nghị Francisco, Thủ hiến Trung Phần Phan Văn Giáo đã ký Tư văn mật số 1403-VP/PC/M gửi Thủ tướng Chính phủ Quốc gia Việt Nam đề nghị sáp nhập đảo Hoàng Sa và Tây Sa vào thị xã Ðà Nẵng. Tất nhiên, đến tận ngày 21-10-1969, giải pháp kéo Hoàng Sa vào đất liền chính thức được thực thi bằng một nghị định của chế độ cũ. Cũng chính văn bản này đã sáp nhập Hoàng Sa (xã Ðịnh Hải) vào xã Hòa Long, thuộc quận Hòa Vang, Ðà Nẵng. Suốt thời kỳ Việt Nam Cộng hòa, Việt Nam đã xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa bằng các tổ chức hành chính, dân sự và quân sự cho đến những ngày đầu tháng 1-1974, trận hải chiến không cân sức giữa hải quân chế độ cũ với lực lượng quân đội hùng hậu Trung Quốc, Hoàng Sa thất thủ...
Sau khi nước nhà thống nhất, ngày 11-12-1982, Chính phủ Việt Nam chính thức quyết định thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Ðà Nẵng. Tiếp đó, Nghị định số 07/1997/NÐ-CP do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký ban hành ngày 23-1-1997 về việc công nhận Ðà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương thì Hoàng Sa là một huyện thuộc thành phố này. Ðến ngày 25-4-2009, thành phố Ðà Nẵng tổ chức Lễ công bố quyết định bổ nhiệm vị Chủ tịch đầu tiên của UBND huyện Hoàng Sa, ông Ðặng Công Ngự. Suốt nhiệm kỳ, Chủ tịch Ngự cùng với cán bộ, nhân dân Ðà Nẵng đã cống hiến hết mình vì trọng trách, vì sự ký thác của lịch sử, vì một tình yêu thiêng liêng với phần máu thịt của Tổ quốc chưa yên giữa trùng khơi.
Ký ức Hoàng Sa
Qua các thời kỳ, lịch sử đã chọn Ðà Nẵng để trao gửi Hoàng Sa - phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc giữa Biển Ðông, cách đô thị cảng biển khoảng 135 hải lý. Chính vì vậy, không ở đâu lại tập trung nhiều "nhân chứng sống" về Hoàng Sa như ở thành phố này. Ðó là những con người với những công việc cụ thể trong những tháng ngày họ sống và làm việc ngay trên quần đảo thân thương, trước năm 1974. Ðối với họ, tình yêu Hoàng Sa không chỉ là tình yêu đối với một phần máu thịt của Việt Nam mà còn là những ký ức, những xúc cảm không thể mờ phai trong cuộc đời chính họ.
Những nhân vật mà tôi muốn kể là những người hiện đang sống tại thành phố Ðà Nẵng: Ðó là ông Trần Hữu Cát, sinh năm 1921, nhân viên khí tượng làm việc tại Trung tâm khí tượng Hoàng Sa từ năm 1940 đến 1945. Ðó là ông Nguyễn Văn Cúc, sinh năm 1952, nhân viên khí tượng làm việc tại Hoàng Sa, ra vào ba lần, lần thứ ba vào tháng 12-1973. Trong cuộc hải chiến 1974, ông Cúc bị Trung Quốc bắt đưa về giam tại đảo Hải Nam, sau một tháng giam cầm, được trao trả cho Hội Chữ thập đỏ quốc tế tại Hồng Công (Trung Quốc). Ðó là ông Võ Như Dân, sinh năm 1937, nhân viên khí tượng tại Hoàng Sa theo chế độ luân phiên ba tháng một lần từ năm 1956 đến 1969. Ðó là ông Trần Huynh, sinh năm 1933, nhân viên khí tượng tại Hoàng Sa theo chế độ luân phiên ba tháng một lần, từ năm 1964 đến 1969. Còn rất nhiều, rất nhiều người nữa. Họ là những nhân chứng sinh động về một thời Hoàng Sa vẫn vẹn nguyên trong lòng Tổ quốc...
Với những con người đó, Hoàng Sa chưa bao giờ cách xa. Vùng biển đảo thiêng liêng vẫn hiện hữu trong không gian ký ức về những tháng ngày tuổi trẻ đầy ý nghĩa của họ. Ông Võ Như Dân tả lại: "Hòn đảo nơi tôi làm việc có bốn cái lô cốt, một cái miếu Bà xây hướng về Ðà Nẵng, một ngôi đền, trong đảo có bốn cái nhà ở, một nhà nguyện, nhà bếp, giếng nước. Bên khí tượng có năm người, bên lính hơn hai mươi người...". Ông Nguyễn Văn Cúc hồi tưởng: "Tôi được điều đi Hoàng Sa để khảo sát, sửa chữa và xây thêm bể ngầm chứa nước mưa, lấy nước ngọt phục vụ cho cả quần đảo. Tôi ra Hoàng Sa ba lần, lần đầu là năm 1973. Lúc tàu gần đến đảo, tôi thấy lâng lâng khó tả vì sắp đặt chân lên vùng đất linh thiêng...". Ông Nguyễn Văn Dữ, một trong những binh sĩ Hải quân Việt Nam Cộng hòa tham gia công vụ ở Hoàng Sa, nhớ lại: "Ấn tượng đầu tiên về Hoàng Sa trong tôi là bãi cát trải dài như mặt thảm khổng lồ và sạch đến vô cùng. Từ Hoàng Sa, phóng mắt ra bốn phía là một vùng biển xanh mênh mông như ngọc. Khi tôi đứng nhìn về hướng tây, thấp thoáng có những hòn đảo khác...". Ông Nguyễn Văn Ðức, người được giao nhiệm vụ Ðảo trưởng Hoàng Sa, tàu cập đảo ngày 14-10-1969, bồi hồi khi nhắc về ký ức: "Mổ heo cúng đảo xong, tôi đi quan sát một vòng quanh đảo. Trên đảo không khí rất ấm áp và dễ chịu với những bãi cát mịn dọc bờ biển trắng phau. Ngay tại bờ biển, có một nghĩa địa chôn những người đã mất khi làm nhiệm vụ trên đảo. Kế nghĩa địa là miếu Bà, trong miếu thờ Phật Quan Âm. Trung tâm đảo có một tòa nhà chính và kế bên là nhà khí tượng...".
Tâm nguyện chung của những con người ấy là mong một ngày được trở lại Hoàng Sa, nơi họ từng có những tháng ngày tuổi trẻ với ký ức tuyệt vời.
***
Giữa năm 2014, bảy mươi lăm ngày đêm Hoàng Sa dậy sóng. Hơn hai tháng trời, ngoại bang đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Giàn khoan ấy như mũi tên cắm lên trái tim biển. Bảy mươi lăm ngày đêm ấy, cùng với đồng bào cả nước, cùng với nhân loại yêu chuộng hòa bình, người Ðà Nẵng không ngủ. Họ đã góp sức cùng cả nước đấu tranh. Ðấu tranh bằng chính những công việc thường ngày. Bằng chính cuộc mưu sinh mà hàng trăm năm trước cha ông từng rẽ sóng dẫn đường cho con cháu. Dù đã có lúc tàu cá của ngư dân Ðà Nẵng bị đâm chìm và tính mạng của người dân mưu sinh trên biển liên tục bị đe dọa, nhưng những con tàu mỗi sáng mai phấp phới lá cờ đỏ sao vàng vẫn hướng về Hoàng Sa.
Cựu Giám đốc Sở Nội vụ Ðà Nẵng kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa Ðặng Công Ngữ trước khi rời nhiệm sở về hưu vẫn đau đáu nỗi niềm gửi đến những người kế nhiệm: "Ông cha ta đã giao, lịch sử đã giao, thì chúng ta phải tiếp tục nối bước để đòi cho được chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa". Lời ông Ngữ cũng là tâm nguyện chung của người dân Ðà Nẵng và hàng chục triệu người Việt đối với một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc chưa yên giữa muôn trùng sóng gió Biển Ðông.
Mỗi bình minh ló rạng, trên ngư trường Hoàng Sa, những lá cờ đỏ sao vàng vẫn tung bay kiêu hãnh giữa muôn trùng sóng gió.. |