Ở quê nhà, cũng tầm ấy là mùa chim thiên di.
2 Bây giờ, bà đã về nơi đã từng ra đi.
Giáp Tết. Buổi sáng, trời se se lạnh. Vô vàn bụi mưa li ti như cánh tuyết bám vào khăn quàng cổ, vai áo khoác dạ. Bà đi trong khúc giao mùa sắp đến của tạo hóa. Mứt tết Đông La, Xuân Đỉnh tràn về chợ Đồng Xuân, và bày bán bên đường Thụy Khuê, Quán Thánh. Chợ hoa Hàng Đậu nhộn nhịp từ sáng ngày ông Táo lên trời hai ba tháng Chạp.
Cô cháu gái đưa bà đi dạo ven hồ Tây. Cô mang một phần dòng máu Việt của bà. Mắt xanh biếc, da trắng, nhưng mũi hơi thấp, tóc đen dài. Cô đang là sinh viên năm cuối chuyên ngành Việt Nam học.
“Hồ Tây thì vẫn nhận ra, cháu ạ”.
Bà thủng thẳng hồi cố. Hai bà cháu tần ngần đứng bên cái ghế đá ẩm ướt bụi mưa phùn. Gương mặt thoáng bâng khuâng.
“... Nhưng, mọi thứ quanh bờ hồ của ngày xưa thì hầu như biến mất”.
“Dạo mới sang Việt Nam, cháu lần theo những gì bà kể. Song cháu cũng hoàn toàn bất lực”.
“Ừ. Bà vẫn nhận ra sân đền Quán Thánh kia, bà đã từng ngồi chơi ô ăn quan. Con đường Cổ Ngư này thì khác quá”.
“Bây giờ là đường Thanh Niên, bà ạ. Bạn trai đã dẫn cháu đi dạo trên con đường liễu rủ này. Mà, cháu đã nghe bà kể chuyện hồ Tây nhiều lần rồi đấy”.
“Ừ. Bây giờ bà kể lần cuối. Này bà hỏi: Các cháu có ngắm hoàng hôn xuống phía Trích Sài, Võng Thị kia không?”.
“Chưa lần nào, bà ạ. Bạn trai cháu bảo, anh ấy chưa bao giờ nhìn thấy mặt trời lặn. Các nhà cao tầng nuốt chửng hoàng hôn rồi, bà ạ”.
Bà thở dài se sẽ. Cô cháu gái đi đến cây liễu, dựa lưng và nghe điện thoại. Cái ghế đá không người ngồi như rộng ra, trống hoác. Bà im lặng. Mặc cho các hình ảnh trong màn sương ký ức hiện về. Sống động. Trong trẻo đến lạ thường.
Dạo ấy...
Cuối chiều thu hơi lạnh.
Sương bắt đầu giăng trên mặt hồ. Bà ngồi bên người ấy đang nằm ngửa mặt nhìn những đám mây trôi. Bất chợt người ấy reo to:
“Em nhìn kìa! Nhìn kìa! Những con chim kết hình chữ V mải miết bay về phương nam tránh rét”.
“Đẹp quá anh nhỉ!”.
“Người ta bảo, con đầu đàn bao giờ cũng to và dũng mãnh nhất xé gió... bay trước, em ạ. Chỉ khi có con chim nào yếu mỏi tụt lùi thì nó để con thứ hai bay lên rồi lui về cuối đàn giang cánh rẽ gió, dìu đồng loại có nguy cơ bỏ đàn bay theo”.
“Có thể chúng biết bảo nhau nên mới bay theo đội hình chữ V, anh nhỉ!”.
“Rất trật tự em ạ. Em đã thấy loài chim đậu ở dây điện của nhà đèn, chúng giăng hàng ngang và không con nào quay đầu về phía sau chưa? Tất cả cùng một hướng, nhé”.
“Có đôi chim nào bay sát nhau suốt hành trình trốn rét không, anh?”.
“Anh không biết! Nếu phải trong một bầy chim thiên di, chắc chỉ có anh và em bay bên nhau”.
“Hứ. Anh mà dám làm một con chim thiên di?”.
“Thiên di hay không còn do hoàn cảnh và chí hướng mỗi người nữa. Ở phố nhà anh trước đây, có mấy đứa theo bố mẹ tản cư lên Việt Bắc chưa về em ạ. Dạo này, mấy đứa cùng lớp có bố mẹ làm bên nhà đèn, nhà máy nước, nhà bưu điện cũng rục rịch, mà chả biết đi đâu về đâu. Cậu mợ anh thì chẳng muốn các con rời
Hà Nội”.
Giọng người ấy buồn buồn, nói câu chuyện xa xôi ở đâu đó.
“Chẳng ai muốn làm phận chim thiên di thế kia đâu. Thương quá, anh nhỉ?”.
Người ấy cười:
“Có khi chúng lại thương những con chim ở lại lầm lũi kiếm ăn, giữ tổ thì sao? Anh hình dung trên đường thiên di, dưới bụng những con chim kia là các hoang mạc cát đỏ, cát trắng, là đồng ruộng trải dài tít tắp trĩu bông lúa vàng, là núi rừng trùng điệp tuyết phủ trắng, là những dòng sông xanh uốn lượn như dải lụa mềm thanh bình, hay thung lũng lúc sớm mai mù sương bồng bềnh, hoặc các đầm lầy năn lác bời bời và biển khơi mênh mông xanh thẳm. Rất phóng khoáng, lãng mạn và kỳ thú”.
“Ôi! Thích nhỉ! Nhưng mà sao những đàn chim chỉ bay qua, không đáp xuống hồ Tây, hả anh?”.
“Lâu rồi. Từ cái dạo, tàu chiến Pháp chạy ở sông Hồng bắn vào nội thành, đạn pháo rơi xuống cả hồ Tây. Loạn lạc thế, nhưng vẫn có nhiều người săn chim sâm cầm, ngỗng trời bán cho phố Tây. Mặt hồ lúc nào cũng như sôi lên sùng sục. Chim chóc khiếp bay đi cả. Chim thiên di không đáp xuống nghỉ cánh cũng chẳng có gì lạ”.
“...”
3 Bà lại cùng cô cháu thong thả đi bộ theo đường ven hồ.
Ngày trước, ven hồ chưa có đường bao quanh, trang, súng và năn lác mọc sát bờ cỏ. Con đường này mới làm, đổ nhựa đẹp, phía bên hồ kè đá, có chỗ dành cho người đi bộ và trồng liễu, hoặc cây cọ dừa thân cao vút. Dưới hồ, vịt trời, mòng két chúc đầu, ngỏng đuôi khỏi mặt nước rồi ngụp lặn.
Cô cháu gái lai tây bảo:
“Cháu và bạn trai cháu đã đến núi con Voi theo lời bà kể”.
“Ừ. Thời ấy, núi Voi và nhà máy bia Hommel ở đường phố Digue Parreau, dân gian quen gọi là đường Thành, nó là đoạn thành cũ làm mặt đê mà”.
“Bây giờ gọi là đường Hoàng Hoa Thám”.
“Thay đổi quá nhiều. Bà không tìm ra cái nhà ống bà đã sống suốt thời tuổi trẻ. Ông cụ sinh ra bà làm thợ nấu bia có kỹ thuật lên men rất giỏi, cháu ạ. Ông chủ nhà máy quý mến chiều chuộng lắm...”.
“Bà ơi. Bà kể câu chuyện này hàng chục lần rồi”.
“Ừ. Bây giờ bà kể lần cuối”.
“Thì cháu vẫn lắng nghe”.
Bà lại kể:
Người Pháp rút khỏi miền bắc, chủ nhà máy bia phá hỏng thiết bị, tháo dỡ máy móc chở đi và lôi kéo nhiều thợ kỹ thuật giỏi theo. Nhà máy bia như khu phế tích hoang tàn. Một gã phu xe chở sắt vụn cợt nhả, quệt gióng sắt gỉ vào tà áo dài của bà, làm hở cả mảng eo hông, lúc đó trường học bên Cửa Bắc vừa tan trường. Đúng lúc người ấy đi học vẽ ở tư gia ông họa sĩ trường mỹ thuật Đông Dương, đang trên đường về. Chàng quẳng cái túi thổ cẩm đựng đồ nghề học vẽ cho bà cầm. Bà bắt hụt. Cọ, bảng vẽ, giấy can, chì mềm, chì than, và hộp sơn mài đựng cái bút packer dùng để ký họa... bị tung ra đường. Một trai trẻ học trò và một đàn ông thô mộc mồ hôi dầu lao vào vờn nhau. Bà bủn rủn chân tay, sợ. Chỉ đến khi người nào đó nhặt đồ vẽ vừa vung vãi bỏ vào trong túi thổ cẩm và ấn vào tay thì bà mới vững tâm. Gã xe phu bị đẩy lăn xuống cống thoát nước bên cạnh cổng nhà thờ Cửa Bắc. Người ấy kéo bà chạy dạt đến phía hồ Tây trong lúc tiếng gọi nhau của đồng bọn phu xe đuổi sau lưng.
Buổi chiều còn lại thật bình yên.
Cỏ cây hoang dại, và mặt nước hồ Tây buồn lặng. Trong lúc, người ấy kẹp giấy can vào bảng vẽ kê lên đùi chăm chú ký họa, thì bà nhìn các đàn chim thiên di mải miết bay. Bay phía chân trời. Bay ngang qua trên đầu. Đàn chim bay về đâu?
Chân trời xa xa, mặt hồ hơi gợn sóng, cô gái mặc áo dài ngồi ngước mặt nhìn đàn chim thiên di cứ hiện ra dần trên giấy vẽ. Đột ngột, đánh “xào” một tiếng. Ngay tức khắc là tiếng “kéc...kéc...” gấp gáp vang lên. Người ấy bỏ bảng giấy vẽ sang bên, đứng dậy và lao đến chỗ tiếng động. Hóa ra là con sâm cầm vừa bị rơi xuống bụi năn lác dày tốt um tùm đang quẫy đập. Con chim sợ hãi, run rẩy trong hai lòng bàn tay học trò. Cũng lông đầu cổ bụng mầu xám đen, lông cánh ngắn xám như mọi con sâm cầm khác, nhưng hàng lông ống dài đều đặn khép vào lưng con này thì... xanh biếc. Chẳng biết vì sao một bên chân nó bị gẫy. Có thể nó vừa bay, vừa ngủ gật, rớt xuống một cành cây rồi bị thương? Hay nó bị một viên đạn hơi cuối tầm nào đó.
“Một là... vặt lông. Hai là... mổ thịt”.
“Ấy đừng... đừng anh!”.
Người ấy cười, cái cười trìu mến, bảo rằng nói đùa thôi. Người ấy bảo muốn nhổ một cái lông xanh biếc tặng bà, để nếu bà phải làm thân phận một con chim thiên di thì nhớ tổ. Bà ngăn lại, sợ con sâm cầm đã đau càng đau thêm, dù trong lòng rất thích, rất muốn.
Người ấy bảo phải đem về chữa trị ngay tức khắc, kẻo nó chết mất. Cùng lúc đó, bà nhận ra đàn sâm cầm đang chao liệng trên đầu. Tiếng kéc... kéc... kéc loạn xạ, thảm thiết. Bà vẫn nhớ, đàn chim sâm cầm bay đuổi theo một đoạn, kêu nháo nhác tuyệt vọng hay mừng vui chẳng biết. Cuối cùng, chúng cũng buộc phải vọt lên cao, xếp hàng bay theo hành trình đã định...
“Bà kể con sâm cầm lông ống xanh từ lúc cháu tuổi dậy thì. Lần nào bà cũng bảo kể lần cuối cùng...”.
“Ừ. Bà kể lần cuối. Dứt khoát chỉ lần này nữa thôi”.
“...”
4 Bà bỏ dép đi chân trần qua vườn hoa nhỏ.
Bước thật chậm để gan bàn chân chạm vào cỏ, vào đất, để cảm nhận rõ ràng mình đã về đúng cái nơi mình đã ra đi.
Bà vẫn nhớ, người ấy bảo:
“Con sâm cầm nhất định sẽ sống. Qua Tết, trời ấm dần. Anh và em mang nó ra hồ Tây thả. Nó sẽ sống ở hồ Tây chờ bầy đàn hết mùa di trú bay ngang qua để nhập đàn”.
Bà bảo:
“Không! Em nghĩ khi chúng ta quay về là nó vỗ cánh từ mặt hồ bay theo. Chúng ta đứng lại thì nó đáp xuống đậu dưới chân nghếch mỏ nhìn. Chúng ta đi, nó lại lạch bạch bước theo sau. Cuối cùng, anh đành ôm nó về nhà nuôi tiếp”.
Người ấy cười, khen bà tưởng tượng mênh mông, rồi bảo:
“Thì nuôi tiếp. Lúc nào rảnh, anh mang giá vẽ ra hồ Tây, tiện thể ôm theo con sâm cầm thả cho nó bơi lội bắt tôm tép. Anh hình dung: Mặt hồ trong vắt. Lặng như tờ. Chỉ thấy những con tôm búng nước, tép bơi lờ vờ, ốc đậu rễ bèo, cá ăn nổi và các sinh vật phù du bơi yếu ớt trong tầng nước ngọt. Chờ mãi, sốt cả ruột, phải đến buổi chiều không chờ được nữa, thì bất chợt con sâm cầm trên tay anh kêu kéc...kéc...kéc... dồn dập. Nó vỗ cánh bay vụt lên. Một lát lại đáp xuống chân giá vẽ. Anh để nó nằm ở hai lòng bàn tay, bảo: “Bầy đàn quên mày rồi.” Nó lại kêu... kéc... kéc. Vừa dứt tiếng kêu thảng thốt, thì trời ơi bao nhiêu con chim sâm cầm khác chao lượn trên đầu anh, rồi đáp bùm bũm xuống mặt hồ.
Cuối cùng, chúng cũng phải bay đi. Con sâm cầm thân thuộc chao liệng ba vòng trên đầu anh nhé. Anh thấy nó vươn mỏ về phía sau nhổ một chiếc lông ống mầu xanh thả xuống. Chiếc lông chim mầu xanh bay trong gió lay phay, từ từ đáp xuống. Anh thao thiết nhìn theo đàn chim bay mải miết cho đến khi chúng mất hút ở phía chân trời phương bắc...
“Khiếp! Anh tài thế. Trí tưởng tượng còn rộng lớn hơn cả em”.
“Chưa hết! Từ đó, mùa chim thiên di năm sau, năm sau nữa, anh vẫn vác giá vẽ ra hồ Tây. Các đàn chim tránh rét bay đi hay về cũng đều đáp xuống khu vực hồ Tây nghỉ cánh, kiếm ăn. Cò trắng, vạc nâu xám... nối đuôi nhau bay về đậu miên man trên các cây cổ thụ phía Thụy Khuê, Võng Thị, Bưởi, Quảng An, Tứ Liên. Thảng hoặc, một con cò ngủ gật giật bắn mình bay vọt lên không trung khiến cả lũ vỗ cánh xao xác cùng bốc theo. Bọn học trò trường Bưởi đi tản cư từ Đào Giã - Phú Thọ về trường cũ học đứng đầy ở ven hồ Tây xem mòng két, le le, vịt trời, ngỗng trời và sâm cầm ngụp lặn sùng sục ở mặt nước kiếm ăn...”.
“...”
5 Gần trưa, trời hưng hửng.
Cô cháu gái dẫn bà đến đầu phố rồi ngồi ghế đá chờ.
Bà đi qua cổng nhà người ấy mấy lần. Đi qua. Dừng lại. Tần ngần. Đứng trước cánh cổng sắt im ỉm khóa, rồi lại quay bước.
Phía vỉa hè bên kia, có chàng trai cao cao, hơi gầy đội mũ phớt che nghiêng bên mặt. Chàng ta đeo kính trắng. Bà đứng, anh ta cũng dừng. Bà đi, anh ta cũng bước. Bà quay lại, anh ta cũng quay gót. Cái dáng đi có vẻ sốt ruột và bối rối... khiến bà nhầm tưởng như người ấy ôm giá vẽ vừa bước ra khỏi cánh cổng ngôi biệt thự này, đi học họa.
Vỉa hè rộng thênh thênh. Những cây sấu cổ thụ cắm rễ vào đất vững chãi. Chỉ có bước chân bà là run. Lạ thế! Bao nhiêu năm rồi, cái run rẩy thời thiếu nữ đi bên người ấy dừng trước cổng ngôi biệt thự lại trở về xốn xang. Cây hoàng lan ở góc sân bên trong thì vẫn còn đó, chỉ có điều nó cao hơn và già cằn hơn. Bà không quên mùa hoa hoàng lan, những cánh xinh xinh bung nở phơn phớt vàng muốt hơi quăn như sao biển. Cuối tháng mười một hoa nở rụng tơi bời dưới gốc. Mùi hoa hoàng lan tỏa bay đến cuối phố vẫn còn nồng đậm hương sâu. Đôi khi, bà bắt gặp chị giúp việc có nét mặt buồn da diết, ít nói. Chị lúi húi vun hoa hoàng lan rụng bời bời ở sân vào một chỗ, vun và bốc vào chậu chứ không quét. Bà đến căn biệt thự chỉ vì thích và ngẩn ngơ ngắm hoa hoàng lan.
Đêm trước, bà đã đứng một lúc lâu ngoài hàng rào sắt ngắm cây hoàng lan. Bây giờ, bà lại ở bên ngoài giàn hoa giấy. Cái khoảnh khắc ngập ngừng giơ tay nhấn chuông, rồi thất vọng... lại lặp lại trong đời.
Đó là một chiều chủ nhật áp Tết.
Làm lễ ở Nhà thờ Cửa Bắc xong, bà vội vã chạy đến nhà người ấy. Trước khi theo cha mẹ xuống cái tàu há mồm đang nằm chình ình ở cảng Hải Phòng, bà muốn nhìn thấy người ấy lần cuối. Bà muốn dụi đầu vào vai người ấy để những giọt nước mắt âm thầm chảy. Bà muốn nói: “nhất định em sẽ về”. Bà muốn mang theo bên mình cái lông ống mầu xanh biếc.
Chị giúp việc hé cánh cổng, ló gương mặt buồn:
“Cô không may rồi. Cậu mang con chim sâm cầm đến nhà ông bác sĩ thú y, chưa biết khi nào cậu về”.
“Dạ... Em xin phép...”.
Bà vội vàng quay gót. Bước nhanh. Nước mắt trào ra. Sau lưng là cái nhìn ái ngại của chị giúp việc. Cánh cổng khép lại. Cả gia đình rời Hà Nội vào nam trong nỗi hoang mang, lo lắng mà vẫn cứ ra đi. Bà rời sứ xở khi người làm vườn ở Nhật Tân đang mang những cành đào trên đê Yên Phụ vào nội thành, khi người dân đang gồng gánh lá dong, quất, đào rừng đi qua cầu Long Biên vào bán ở chợ Đồng Xuân, Bắc Qua. Bà đi ngược chiều người dân chở Tết vào thành phố.
***
“Bà vẫn chưa vào nhà người ấy?”.
Bà gật đầu, ánh mắt buồn mờ sương.
“Bà... bà đã thay đổi ý định?”.
Bà lắc đầu:
“Là bà không dám đấy thôi. Lâu quá rồi!?”.
Bà nói, rồi quay người lại nhìn về phía ngôi biệt thự. Tự nhiên, bà giật mình. Là người ấy đang đứng dưới gốc cây hoàng lan? Không! Là chàng trai lúc nãy đi ở vỉa hè bên kia, đã vào ngôi biệt thự từ lúc nào?
“Bà đi cùng cháu. Cháu biết nhà ấy!”.
Bà ngỡ ngàng. Cháu gái bà... cũng biết nhà người ấy. Bọn trẻ này định làm cái quỷ quái gì đây.
Cô gái đứng vụt dậy và níu tay bà, giục giã đi về phía cổng ngôi biệt thự có giàn hoa giấy. Cứ như là cô đến, rồi nhấn nút chuông liên tục đến mức nhà người ấy đang ăn cơm cũng phải ra mở cánh cổng.
“Hượm đã... hượm đã, cháu!”.
6 Bà quay trở lại khách sạn.
Nằm rịt trong phòng, trôi miên man trong quá khứ. Bà sống với thời thiếu nữ đã qua. Nhưng, cô cháu gái đã đưa chàng trai của mình đến khách sạn và lôi bà khỏi ký ức tràn ngập nhớ nhung. Bà không tin ở mắt mình. Bóng dáng chàng trai đi bên kia vỉa hè, thấp thoáng dưới bóng cây hoàng lan, bây giờ hiển hiện trước bà... giống y hệt người ấy. Bà biết mình đang đối diện với sự thật.
“Mùa chim thiên di, ông cháu hay vác giá vẽ ra hồ Tây...”.
“...”
“Bức tranh có cô gái mặc áo dài trắng ngồi bên hồ, liễu rủ, ngước mắt lên trời đăm đắm nhìn đàn chim thiên di, lúc nào cũng treo ở phòng ông cháu ngủ”.
Trống ngực bà đánh thình thịch. Y như thời thiếu nữ ngồi ở góc hồ, ngắm người ấy vẽ.
“Ông cháu không lấy vợ, sống độc thân...”.
Tim bà thắt lại. Chẳng bao giờ bà nghĩ người ấy lại ra nông nỗi ấy. Bà ngập ngừng, muốn hỏi bao nhiêu điều cần hỏi, nhưng không cất nổi lời.
“Ông cháu đi bộ đội, sau năm 1975 ra bắc, rồi về Xưởng mỹ thuật...”.
Cô cháu gái ngồi sát vào bên bà. Mái tóc dài xoăn lòa xòa trên vai bà, đôi mắt da diết nhìn người yêu. Vẫn giọng chàng trai trẻ sẽ sàng, đượm buồn:
“Ông cháu luôn luôn nghĩ rằng: Nhất định bà sẽ về. Và ông cháu đã đợi”.
Có cái gì đó cay cay trong khóe mắt bà.
“Ông cháu để lại cái hộp này và bảo gửi cho bà. Nhưng bà đừng mở ngay. Ông cháu bảo thế”.
Bà sững sờ. Cái hộp sơn mài đựng bút năm xưa đây rồi. Tay bà run run ôm kỷ vật vào lòng chỉ sợ nó biến mất.
7 Cô cháu gái và chàng trai đến nhanh bao nhiêu thì đi cũng chóng bấy nhiêu.
Bà đứng ở cửa sổ khách sạn nhìn ra ngoài. Phố xá Hà Nội đã nhộn nhịp không khí Tết. Đào bích Nhật Tân, hoa Nghi Tàm, quất Quảng Bá đang trôi theo dòng người trên đường đê Yên Phụ. Bà thấy cô cháu gái và chàng trai đứng bên gánh hàng hoa của cô thôn nữ, hí húi chọn từng bông.
Bất chợt, bà lại nhớ đến người ấy và bâng khuâng mỉm cười. Đã đến lúc bà mở cái hộp sơn mài xưa cũ: Cái bút packer dùng để ký họa. Và trời ơi! Một cái lông ống chim sâm cầm mầu xanh biếc! Cái mầu xanh ký ức đang ngời ngợi sáng.
Ký ức mầu xanh
|