Về rẫy ăn còng...

|

“Xuân về đất mình chưa?”, bạn hỏi như đi từ lâu lắm chứ không phải người vừa rời gót chân ở đất này chưa trọn một năm. Là “đất mình”, tựa như của tổ tiên để lại cho mình, hơi đất ngấm vào da thịt mà trắng da, dài tóc, thành nếp ăn nếp nghĩ, thành thương, thành nhớ.

Cuối năm, độ rày năm ngoái, gió đã lạnh, buổi sáng thoảng có chút sương mù, mấy ngọn sóng ngoài cửa biển xô vào như những lớp đá triền miên, hoa lau trổ trắng dọc con lộ mới chạy dài hơn chục cây số từ Cái Đôi lên tới Cái Nước, làng cá bận rộn làm khô bán Tết, cá khoai phơi dàn dọc ngang nhìn xa như một trận đồ mê cung… Năm nay mọi thứ về muộn, cả gió chướng lẫn mùa cá khoai, chỉ có sóng và nước lớn có ngọn cao hơn năm ngoái, đường cứ nâng, nhà nâng theo đường mà không theo kịp con nước, chừng 11 giờ đêm là triều lên, kéo tràn vô nhà, ngủ không yên, hì hục khuân vác đồ kê cao không thì nước mặn “ăn” vô hết, lót lưng nằm chưa ấm thì trở dậy tát nước còn đọng lại sau khi con nước rút.

Cái gì đó chậm nhưng xuân thì vẫn đến, xuôi đò xuống Gò Công sóng nước rạo rực vỗ vào hai bên đước tràm, nghe gió lộng từ cửa biển thấy lòng như ươm hạt mầm đang cong mình bật vỏ, lưới phơi trên giàn trộn nắng vào những mắt lưới tung trăm hoa nắng xuống dưới sông. Thấy hai bên bờ, nhà mé sông, những keo tôm hồng hồng phơi nắng. Mắm tôm xứ Gò Công ngon nổi tiếng. Thấy mùi Tết nhất khi hình dung dưa hành, củ kiệu được trộn chung với mắm tôm chua. Tép bạc thì có quanh năm, nhưng mắm tôm chua thì không phải là món bốn mùa, đợi đến Tết thì hầu như nhà nào cũng có. Bạn nhắn mình xuống Gò Công gặp cậu Tư của bạn lấy mắm rồi sẵn chuyến đi Sài Gòn mang lên cho bạn. Bạn khắc khoải những ngày cuối năm nhớ “đất mình” lắm mà không về được. Bạn nhớ mắm. Nhưng không phải là mắm tôm chua, mà là mắm còng. Cả xứ Gò Công làm mắm nhưng mắm còng, thứ mắm mà bạn cam đoan chỉ có xứ Gò Công mới có và với bạn cũng chỉ có mắm cậu Tư mầm mới ngon tới thấu ruột gan.

Vịnh Gò Công cuối năm ngập gió. Gió luồn qua rừng đước, chui vào khe lá, khe ván, gom lại thành những ngọn nhỏ tung tảy khắp nhà rồi chạy tuột ra sông trộn cơn gió lớn. Dòng Bảy Háp từ kinh sáng Đội Cường chảy ra cửa Bảy Háp Biển Tây nối liền cả hai phía bắc nam Cà Mau. Cả dòng sông ánh lên sắc đỏ kỳ lạ, những phiến lá tràm đước như vừa được phớt qua mầu đỏ, sắc của hoàng hôn. Những tay lưới dân chài tung lên xòe rộng ôm sóng đẹp như một loài hoa nở ra từ hơi thở và mồ hôi dân biển.

Nhà cậu Tư ở cuối vịnh, trên bãi trồng rau, mé bìa rừng nuôi ốc len, nhà nửa trên cạn, nửa cất sàn trồi ra phía sông. Cậu vẫn nấu cơm bằng cà ràng, khói bám trái bếp dày thành sợi đu xuống, cơm nấu lửa củi mùi tình cảm làm sao. Rau hái ngoài bãi, cá bắt dưới sông, hào vừa mới đục ở bờ kè chắn sóng. Mâm cơm không có món nào phố thị, ngan ngát mùi của vịnh, của bãi, của cửa sóng... “Còn thiếu mắm còng cậu ơi”, “Chi mà vội, ăn mắm còng với bún, thịt ba rọi he? Để cậu chạy xuồng ra chợ Rạch Chèo”, “Thôi cậu, con ăn với cơm trắng cũng thấy ngon, để con hái thêm rau rừng, bẻ trái khế chua, trái chuối chát…”. Bữa cơm có tiếng sóng, tiếng gió, tiếng lay của lá đệm vào tiếng khua của chén đũa nghe rộn ràng lắm.

“Nghe mùi Tết chưa?”, bạn nhắn tin. Đương không mà hỏi như nhìn thấy mình vừa ăn cơm với cậu ở vịnh. “Mùi Tết hẳn còn xa lắm nhưng nghe mùi của hoàng hôn”, “Hoàng hôn mà có mùi hả?”, “Có chứ! Mùi của bữa cơm mới nấu, mùi của lòng sông thoảng qua khi con nước rút. Nhiều mùi lắm và còn có mùi của mắm còng nữa. Thèm hông?”, “Ở nhà cậu à? Nhớ lấy một hũ lớn, nghen!”, “Ờ”… “Người ta nhớ xứ mà hình dung được hương bay, thứ hương của ký ức phả vào không gian đang sống hôm nay, cuộc sống không bất tận, đi đâu mà vội, cứ để những khoảnh khắc ấy đến với cuộc đời đang tiếp diễn”. Bạn nhắn bâng quơ, không hỏi thêm điều gì, có thể bạn đang trên con phố nào đó, hoặc vẫn đang di chuyển đến một điểm làm thêm ngoài giờ, Sài Gòn mà, có hạn định thời gian nào là nghỉ ngơi và làm việc đâu.

Cậu Tư gói hũ mắm bằng nhiều lớp. Mắm này làm từ giữa năm, chừng ngày 5 tháng 5 (âm lịch), khi đó còng vừa lột vỏ, lựa lúc đó mà bắt còng làm mắm. “Mang lên cho nó, nó mê mấy thứ này lắm, tính lấy cho nhiều nhiều… Nhưng thôi, lấy ít, vừa ăn tới ngày cuối năm, đặng nhớ mắm biết đâu nó về…”. Cậu đưa mắm, bàn tay cậu những đường gân chạy dọc ngang như rễ đước, thấy mắt cậu đỏ, nước mắt chắc mắc ở đâu đó trong tim. Vợ cậu mất từ lúc chưa kịp có đứa con nào với cậu, bạn ở với cậu từ khi lên ba tuổi tới khi học đại học rồi rời Cà Mau lên thành phố. “Thôi, về đi, muộn không thấy đường. Mùa trăng khuyết, nước cạn lắm con…”.

Xuồng xuôi dòng về Cái Đôi, qua một xóm chài nghe trong gió có mùi thơm từ nhà ai ngào mứt dừa; thoảng có khu vườn thấy người ta đang lặt lá mai; chành đước vươn ra từ thân cây phóng xuống nước cắm xuống sình như rộng ra để giữ cho thân cây chắc chắn, nâng vòm lá như xanh hơn, đầy đặn và tròn trịa hơn.

Hoàng hôn thôi bịn rịn, về đến Cái Đôi trời đã tối hẳn, thị trấn sáng đèn, phiên chợ ngày đã kết thúc thì ngay lập tức đã có một sự chuẩn bị cho một phiên chợ khác vào sớm hôm sau. Mình nhìn thấy những chậu mai mới được chuyển lên sắp đặt ngăn nắp, dưa hấu được chất gọn ở phía ngoài nhà lồng… “Cậu nhắc bạn về xứ ăn Tết đó. Ở miết Sài Gòn chi, về xứ mình đi. Hũ mắm còng mình không mang theo cho bạn đâu. Cho cái cớ để về rẫy ăn còng…”. Mình hít căng lồng ngực khí trời, có mùi của những chuyến thuyền về bến, mùi của những ước vọng tràn đầy, mùi của mâm cơm đoàn tụ, mùi của những người xa xứ mường tượng trong hồi ức.

Một tờ lịch rơi, gần Tết rồi, không phải trên tấm lịch mà trên đất này…