Năm 2014, dải đất hình chữ S bên bờ Biển Ðông gặp không ít khó khăn, thử thách khi tình hình kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng chậm hơn dự báo, tình hình chính trị tại khu vực và nhiều nơi trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, đáng quan ngại nhất là "giông tố" nổi lên ở Biển Ðông khi Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, tác động tiêu cực nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội trong nước.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Ðảng, sự chỉ đạo, điều hành đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự nỗ lực, đoàn kết, nhất trí của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân, năm 2014, chúng ta đã đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội: kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng GDP đạt 5,98%, cao hơn so mục tiêu đề ra (5,8%); chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ có 4,09%, là mức thấp nhất trong nhiều năm qua; kim ngạch xuất khẩu đạt 150 tỷ USD, xuất siêu 1,5 tỷ USD; tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng cao; nợ công vẫn trong giới hạn quy định an toàn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; an sinh xã hội được quan tâm và bảo đảm; công tác đối ngoại đạt nhiều thắng lợi lớn... là những thành tựu hết sức ấn tượng trong bối cảnh hiện nay. Những nỗ lực của Chính phủ trong năm 2014 đã được chính cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Ngân hàng Thế giới (WB) tại Diễn đàn Ðối tác phát triển Việt Nam mới đây đánh giá, kinh tế Việt Nam đang phục hồi và phát triển. Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản tại Việt Nam, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF)... cũng đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam hết sức tích cực, cũng như môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam ngày càng được cải thiện, thăng hạng trong các chỉ số tín nhiệm. Ngày càng có nhiều tập đoàn lớn trên thế giới chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư cũng như mở rộng việc làm ăn. Vừa qua, chúng ta đã phát hành rất thành công 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ trên thị trường quốc tế. Những điều này là minh chứng khách quan về sự tin tưởng của giới đầu tư, các đối tác quốc tế vào sự điều hành vĩ mô của Chính phủ Việt Nam, về vai trò và vị thế ngày một nâng cao trong khu vực cũng như thế giới.
Ðối với sự kiện căng thẳng trên Biển Ðông, trước những "cơn sóng dữ", dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, chúng ta không "chao đảo, tròng trành", trái lại bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam lại tỏa sáng, triệu triệu người Việt Nam lại càng đoàn kết, gắn bó, sục sôi quyết tâm giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Cùng với trọng trách chèo lái con tàu kinh tế đất nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải dành nhiều thời gian cùng với các bộ, ngành, lực lượng chức năng bàn các giải pháp cần thiết để nỗ lực kiên quyết bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, mặt khác cũng hết sức chân thành, bình tĩnh, kiềm chế; giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp hòa bình, đồng thời kiên quyết bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội. Chúng tôi được chứng kiến, tại bất cứ diễn đàn quốc tế, cuộc gặp song phương hay cuộc tiếp khách quốc tế nào, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều nhấn mạnh thông điệp về Biển Ðông nhằm để cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn thiện chí của Việt Nam - đất nước luôn khát khao hòa bình, một thành viên tích cực, chủ động, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng của khu vực cũng như trên thế giới. Thông điệp về xây dựng lòng tin chiến lược - tin cậy lẫn nhau, bền vững lâu dài trên cơ sở hợp tác bình đẳng cùng có lợi, cùng phát triển, tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau và thượng tôn pháp luật quốc tế của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong năm qua tiếp tục gây được tiếng vang mạnh mẽ và tầm ảnh hưởng trong dư luận quốc tế.
Chúng ta đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của các nước, đông đảo dư luận quốc tế. Tại nhiều diễn đàn quốc tế lớn, nhờ nỗ lực không mệt mỏi của đoàn Việt Nam, của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nội dung Biển Ðông cũng được đưa vào chương trình nghị sự hay tuyên bố chung. Các nguyên thủ, lãnh đạo nhiều nước, tổ chức quốc tế lớn, dư luận yêu chuộng hòa bình thế giới đều ủng hộ mạnh mẽ quan điểm của Việt Nam về vấn đề Biển Ðông. Chúng tôi còn nhớ rõ, cử tri, nhân dân cả nước đã hết sức nức lòng khi được Nhà lãnh đạo Chính phủ tuyên bố mạnh mẽ trước cộng đồng quốc tế, nói lên ý chí sắt đá của chúng ta: "Chúng tôi luôn mong muốn và làm hết sức mình để có hòa bình, hữu nghị để xây dựng đất nước, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân, nhưng hòa bình, hữu nghị phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó".
Năm 2014 cũng là năm Chính phủ đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, trong đó tăng cường quản lý, tập trung tạo dựng hoàn thiện thể chế, luật pháp, cơ chế chính sách và đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần mạnh mẽ, thậm chí là gay gắt khi yêu cầu các bộ, ngành phải thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả năng lực quản trị, đẩy mạnh hơn nữa cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư nơi Nhà nước không cần nắm giữ nhằm mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, dành thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Một trong những điển hình nhờ những quyết sách kịp thời của Thủ tướng đó là, chúng ta đã ưu tiên thu xếp được nguồn vốn khá lớn để khởi công ngay một số bệnh viện đầu ngành hiện đại nhằm sớm giải quyết tình trạng quá tải các bệnh viện tuyến trên và đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Những tháng cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liên tục có các cuộc làm việc với bộ, ngành để bàn biện pháp cải cách hành chính, giảm nhanh các thủ tục phiền hà để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho DN, người dân. Chính phủ ngày càng "tương tác" với người dân khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, "xắn tay" vào cuộc tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, xóa bỏ các thủ tục không cần thiết. Thủ tướng thường nhắc tới một thí dụ điển hình là, Bộ Tài chính chỉ ra một thông tư để sửa đổi bảy thông tư khác, nhờ đó đã giảm hơn 200 giờ thời gian làm thủ tục nộp thuế cho người dân, doanh nghiệp.
Chúng ta cũng đang đứng trước những thời cơ lớn cho đất nước trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới khi Việt Nam vừa kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, Liên minh Hải quan; ra tuyên bố chung về định hướng kết thúc đàm phán FTA Việt Nam - EU; triển vọng năm 2015 có thể sẽ kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhiều lần nhắc không được chủ quan, thỏa mãn với những gì đạt được mà phải nhận thức rõ những khó khăn, thách thức còn rất lớn ở phía trước khi mà, tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn trong khu vực đang diễn ra quyết liệt và tranh chấp chủ quyền biển đảo vẫn rất phức tạp; kinh tế trong nước tiếp tục hội nhập sâu rộng và phải cạnh tranh gay gắt hơn; còn đó những hạn chế, yếu kém, nhất là năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn, đẩy lùi.
Không khí đón Xuân Ất Mùi đang tràn ngập khắp phố phường, bản làng, vùng quê đất nước. Vui đón Xuân mới, chúng ta tự hào rằng, những thành tựu đạt được trong năm qua là tiền đề vững chắc để bước vào năm 2015 với những thành tựu cao hơn. Ðiều đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực phấn đấu cao nhất, đoàn kết, nhất trí, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý, điều hành của Chính phủ để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 - năm quyết định đối với việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Ðại hội lần thứ XI, hướng tới Ðại hội lần thứ XII của Ðảng.