Cốt lõi phải là niềm vui

|

Từ lâu rồi, trên thế giới, đến sân vận động (SVĐ) không còn chỉ đơn thuần là để thưởng thức bóng đá hay một trận thi đấu thể thao. Đó còn là một liệu pháp để giải tỏa stress, một cuộc vui chơi, một sự tận hưởng những điều hấp dẫn... Trên con đường xã hội hóa, dường như thể thao Việt Nam còn đang bỏ ngỏ khía cạnh này.

Những thứ “gia vị tinh thần”

132 người đã chết trong vụ khủng bố liên hoàn ở Pa-ri (Paris, Pháp) ngày 13-11-2015. Sau đó, trận giao hữu giữa hai đội tuyển Đức và Hà Lan đã bị hủy bỏ. Nhưng, vài ngày sau, tại vòng 13 Giải vô địch quốc gia Đức (Bundesliga), vẫn có 60 nghìn người lấp gần kín sân Mercedes-Benz Arena (sức chứa 60.449 chỗ ngồi, tức chỉ còn 449 ghế trống) để xem đội nhà Stuttgart... thảm bại 0-4 trước đối thủ Ausgburg. Stuttgart khi ấy đang xếp thứ 16, còn đội vừa thắng họ - Augsburg - đứng ngay phía dưới, áp chót bảng xếp hạng. Trận đấu của hai đội đang vật lộn trụ hạng đấy! Tờ Bild hoảng hốt bình luận: “Đi xem bóng đá nô nức kiểu này, khác nào mời gọi bọn khủng bố?!”.

Ở Đức, người ta rất thích đến SVĐ, như một cách giải trí lành mạnh ngày cuối tuần. Các khán đài theo phong cách cổ điển. Giá vé rẻ. Và bia. Bia tràn từ khán đài cho đến sân cỏ. Cứ đội nào ăn mừng chức vô địch là nhất định phải có một màn “tắm bia” rộn rã. Một tháng trước, sau khi giành chiến thắng thứ 1.000 ở Bundesliga, CLB Bayern Munich đã “khao bia” tất cả các CĐV của họ. “Bóng đá chẳng còn là bóng đá nếu thiếu bia” - một slogan không chính thức, như những ẩn dụ của sự hưởng thụ vừa bình dân, vừa cao quý.

Bundesliga là mô hình kiểu mẫu của cái gọi là “xem bóng đá, hưởng thụ cuộc sống” đang ngày một được các nhà tổ chức quan tâm. Vào đầu tháng 11-2015, trước trận cầu “đinh” Benfica - Sporting Lisbon, cuộc chạm trán có lẽ chẳng cần chiêu trò vẫn hút khách ở Bồ Đào Nha, nhà tài trợ của CLB Benfica là Hãng hàng không Emirates đã nghĩ ra cách “mào đầu” rất độc đáo: Một dàn tiếp viên của Hãng hàng không Emirates bước ra sân và giới thiệu với các CĐV như thể họ sắp tham gia một chuyến bay đích thực. “Sự nhiệt tình của các bạn là niềm vinh hạnh của chúng tôi. SVĐ có 32 cửa, 65 nghìn CĐV và hai khung thành. Trận đấu sẽ kéo dài 90 phút và sẽ có 15 phút nghỉ giữa giờ. Các bạn nên tắt các thiết bị điện tử, để có thể tập trung vào việc truyền cảm hứng cho đội bóng của mình”. Quá ư cầu kỳ, nhưng đầy ấn tượng.

Bóng rổ ở Mỹ còn đi xa hơn cả việc thỏa mãn tâm lý thượng đế của khán giả. Có một tình huống dở khóc dở cười đã từng xảy ra trong một trận đấu bóng rổ, chỉ vì chiêu trò của nhà tổ chức: Ở một trận đấu có trò Kiss Cam (máy quay lia đến một cặp tình nhân trên khán đài là cả hai phải hôn nhau), khi camera bắt hình một cặp trên khán đài, chàng trai tỏ ra lơ đễnh, và thế là cô gái bực mình đã quay sang... hôn ngay một anh chàng bên cạnh.

Nhưng bóng rổ ở Mỹ đắt khách vì những điều như thế. Một trận bóng rổ “đinh” ở Mỹ cũng trở thành nơi hội tụ của các ngôi sao từ giải trí cho đến thể thao, như cựu danh thủ bóng đá Đ.Béc-kham (David Beckham) hay vợ chồng nữ ca sĩ Sa-ki-ra (Shakira). Tất cả đều muốn tận hưởng bầu không khí vừa “sang chảnh” nhưng cũng rất “đời” ấy. Và chính họ lại tạo thêm sức hút cho các trận đấu, để trong cái guồng quay chuyên nghiệp đầy phấn khích, tiền lại đẻ ra tiền.

Trông người lại ngẫm đến ta

Ở Việt Nam, ngay cả khi sở hữu vé, bạn cũng chưa chắc đã là “Thượng đế”, chưa được cung cấp sự thoải mái tối thiểu, chứ không nói đến sự “chiều chuộng”.

Cuối năm ngoái, khi cơn sốt U19 Việt Nam lên đến đỉnh điểm, sân Mỹ Đình nở rộ dịch vụ... dắt người vào xem. Hàng chục người chỉ cần đi theo “cò” và dùng vé đã qua sử dụng là vào được sân. Thậm chí, có người còn lọt vào chỉ nhờ quen biết... cảnh sát cơ động gác ở cửa vào. Thế là rất nhiều người mua vé “xịn” đã phải tranh giành chính chỗ ngồi hợp lệ của mình. Mua vé ở mỗi trận có đội tuyển Việt Nam thi đấu từng là một cực hình, với số lượng phe vé kín đặc.

“Ẩm thực” ở các SVĐ Việt Nam bao năm qua vẫn chỉ gói gọn là những mẹt hàng bán dạo với bimbim, củ đậu, xa xỉ hơn chút là bánh mỳ kẹp thịt. Ngoài ra, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là một vấn đề. Và, phía dưới, các nhà vệ sinh nữ đóng bụi của sân Mỹ Đình khóa kín, còn nhà vệ sinh nam thì bốc mùi kinh khủng.

Đừng hỏi tại sao mùa qua mùa, bóng đá nội dần quen với những khán đài trống vắng, khi người hâm mộ phải chịu đựng quá nhiều sự bất tiện đến khổ sở. Nhìn rộng ra, khá ít người Việt cảm thấy có nhu cầu thúc bách phải đến SVĐ hoặc nhà thi đấu để xem thể thao, khi chẳng có mấy thứ cuốn hút họ (chưa kể đến hoài nghi về sự trung thực, tính bạo lực hay chất lượng chuyên môn thấp). Và có mấy ai sẽ thật sự muốn bỏ tiền đầu tư cho thể thao, khi nhìn lướt qua khung cảnh tẻ nhạt ấy?

Đây là một “điểm nghẽn” của quá trình xã hội hóa – chuyên nghiệp hóa. Thể thao chuyên nghiệp sống nhờ khán giả, và khán giả sẽ lựa chọn những gì làm họ cảm thấy vui vẻ, để tạm quên đi những bức bách đời thường. Tính giải trí ấy không chỉ là không khí sôi động của các trận đấu, mà phải là cả một hệ thống tổng thể.

Chưa thể làm ngay tất cả, nhưng vẫn có thể hướng đến từng bước một. Ngắn gọn, điểm cốt lõi vẫn là niềm vui. Ở Na Uy cũng đã từng có một sân bóng rất nổi tiếng, nơi các CĐV vẫn ngồi kín và hò hét ỏm tỏi vì đội nhà - CLB Aalesund, dù khán đài của họ là một... ngọn đồi. Cierny Balog, một đội bóng nghiệp dư của Xlô-va-ki-a (Slovakia), cũng vẫn có những CĐV sẵn sàng cổ vũ cho họ dù vắt ngang qua khán đài là một... đường ray xe lửa và đoàn tàu có thể đi qua bất cứ lúc nào. Ở Việt Nam, hàng nghìn người ùn ùn kéo đến sân đội nắng đội mưa để theo dõi một giải bóng đá “phủi”. Điều đó chứng tỏ rằng, ngay cả khi không được đối xử kiểu “sang chảnh”» thì các CĐV vẫn có thể đến sân với một tình yêu vô điều kiện.

Vậy thì đầu tiên, hãy cố gắng để thể thao chuyên nghiệp Việt Nam “thật đáng xem”, để những sự bất tiện có thể trở nên vặt vãnh. Ngược lại, nếu ngay cả “món chính” vẫn còn quá nhạt nhẽo, có bao nhiêu gia vị đi nữa cũng không thể tạo nên những bữa tiệc linh đình!