Sinh sống gắn bó với rừng từ ngàn đời nay, mỗi độ xuân về, người Hà Nhì ở Ý Tý lại mở hội "song nam" (cúng rừng), để tri ân rừng xanh đã đồng hành cùng dân bản trong suốt một năm qua. Trong mây ngàn, tiếng xuân gọi lộc rừng vang vọng, tôi bất chợt nhìn thấy trong tán rừng già thâm u, người bản đang tạ ơn rừng thiêng bằng những chén rượu nồng say cho những cây đại thụ và đón nhận một mùa xuân mới đang bung nở. Khi những hạt mưa xuân phủ bông trắng trên rừng già bản Lao Chải, già trẻ bắt đầu công việc trọng đại nhất của bản mình. Trong sương sớm, thâm u, những người con của bản bước vào lễ tri ân rừng xanh một cách thành kính.
Lễ tạ ơn rừng thiêng Lao Chải được ông Lý Giờ Có, 62 tuổi, là người có tiếng nói quan trọng trong bản người Hà Nhì đứng ra làm chủ tế. Rất đông người, song chẳng cần ai to tiếng nhắc nhở, mà mỗi người một việc phối hợp nhịp nhàng như thoi đưa.
Lễ được diễn ra từ sớm đến giữa trưa, khi tan mây tan sương mới toại nguyện. Lễ vật và củi đun chín lễ vật mang từ nhà vào để phục vụ hành lễ. Những gốc đại thụ được chọn làm mâm, những tảng đá rêu phong được chọn làm nơi đặt lễ. Và điều linh thiêng đối với dân bản, đi chân đất là cách để hòa tiếng nói của con người vào thiên nhiên. Truyền thuyết kể rằng, người thiếu nữ Hà Nhì đã thầm yêu trộm nhớ một chàng trai trên đỉnh Nhìu Cồ San mây trắng. Một ngày hẹn ước vào mùa xuân, cô gái ngang qua rừng già Lao Chải thấy nhành hoa tươi sắc đã vin cành bẻ hái. Và từ đó chẳng bao giờ thấy cô gái trở về bản nữa. Và cũng kể từ khi ấy, bản Hà Nhì luôn chìm trong ngàn mây, đời đời gắn với đại ngàn. Cũng từ đó, ngày cúng rừng, nữ giới không được phép đến rừng thiêng. Vì không muốn làm đau cây lá, bản chỉ cho phép người hành lễ đi chân đất vào rừng thiêng. Mỗi người có mặt đều phải gọi xuân, gọi mây tạ ơn rừng thiêng bằng tiếng của đồng bào mình. Lễ vật tạ ơn rừng gồm gà, lợn, rượu, bánh chưng... mỗi người trong bản đóng góp mang đến. Sau lễ thiêng kết thúc, lộc rừng được chủ tế ban cho rừng già, rượu thơm một chén tưới cây, còn lại người bản thưởng thức ngả nghiêng trong bữa tiệc giữa ngàn mây. Lễ tạ ơn rừng cũng là dịp đón xuân, người Hà Nhì kính lễ bằng tiếng nói của bản, như tiếng nói vô thanh hòa vào thâm u rừng già mà bao đời qua dân bản vẫn coi trọng việc tạ ơn rừng như một triết lý sống...
Ngay sau lễ tri ân rừng xanh, có sự chứng kiến của cán bộ kiểm lâm và chính quyền xã, mọi người trong bản cùng ký hương ước bảo vệ rừng. Như thế, quy ước của bản đã được "thiêng hóa" vì có sự chứng kiến của sơn thần thổ địa. Quy ước bảo vệ rừng của bản là nguyện vọng chung, trở thành "luật lệ" của bản, mọi người đều tự giác tuân theo. Trong niềm vui thống nhất được quy ước, mọi người ăn chung một bữa ăn cộng đồng. Thịt, cơm bày ra lá rừng, rượu uống bằng ống bương, mọi người đều hân hoan trong niềm vui chung tri ân rừng đại ngàn và chung tay bảo vệ từng nhành hoa, lộc lá.